TS Nguyễn Đức Nghĩa, Phó Giám đốc ĐH Quốc gia TP Hồ Chí Minh cho biết, theo qui chế tuyển sinh ĐH, CĐ chính qui, sau khi có kết quả thi THPT quốc gia, căn cứ ngưỡng đảm bảo chất lượng đầu vào do Bộ GD&ĐT quy định, các trường công bố điều kiện xét tuyển vào các ngành của trường và tổ chức xét tuyển theo lịch của Bộ GD&ĐT.
Căn cứ chỉ tiêu tuyển sinh, Hội đồng tuyển sinh trường xem xét, quyết định phương án điểm trúng tuyển. Cập nhật dữ liệu đăng ký xét tuyển vào trường lên hệ thống quản lý dữ liệu tuyển sinh quốc gia; 3 ngày một lần công bố trên trang thông tin điện tử của trường danh sách các thí sinh đăng ký xét tuyển xếp theo kết quả thi từ cao xuống thấp. Như vậy, trước khi kết thúc mỗi đợt xét tuyển, thí sinh có thể dự đoán xác suất đậu của mình và trong qui chế cũng cho phép trong thời gian quy định của đợt xét tuyển này, thí sinh được quyền thay đổi ngành học đã đăng ký hoặc rút hồ sơ đăng ký xét tuyển để nộp vào trường khác.
Cũng theo quy chế tuyển sinh ĐH, CĐ năm 2015, sau khi có kết quả thi, mỗi thí sinh được cấp bốn giấy chứng nhận kết quả thi, trong đó có một giấy dùng để xét tuyển sinh nguyện vọng (NV) 1 và ba giấy dùng để xét NV bổ sung. Căn cứ ngưỡng đảm bảo chất lượng đầu vào do Bộ GD&ĐT quy định, các trường công bố điều kiện xét tuyển vào các ngành của trường và tổ chức xét tuyển theo lịch của Bộ.
Trong thời gian do Bộ GD&ĐT quy định, thí sinh dùng bản chính giấy chứng nhận kết quả xét tuyển cho xét tuyển NV1 để đăng ký xét tuyển (ĐKXT) NV1.
Trong thời gian quy định của đợt xét tuyển này, thí sinh được quyền thay đổi ngành học đã đăng ký hoặc rút hồ sơ ĐKXT để nộp vào trường khác. Căn cứ chỉ tiêu tuyển sinh của trường, hội đồng tuyển sinh trường xem xét, quyết định phương án điểm trúng tuyển.
Thí sinh đã trúng tuyển NV1 không được ĐKXT ở các đợt xét tuyển tiếp theo. Nếu không trúng tuyển theo NV1, thí sinh dùng ba bản chính giấy chứng nhận ĐKXT xét NV bổ sung để ĐKXT NV này. Kết thúc mỗi đợt xét tuyển NV bổ sung, thí sinh không trúng tuyển được quyền rút hồ sơ xét tuyển để xét tuyển đợt tiếp theo. Điểm xét tuyển đợt sau không thấp hơn điểm trúng tuyển đợt trước.
Thực tế của nhiều năm tuyển sinh ĐH vừa qua cho thấy, những trường ĐH lớn, những ngành hấp dẫn thu hút nhiều thí sinh thường tuyển đủ chỉ tiêu ngay từ đợt xét tuyển NV1 và không xét tuyển NV bổ sung. Do đó nếu không trúng tuyển NV1 vào những trường này thì cơ hội quay lại xét tuyển bằng NV bổ sung là hoàn toàn không thể.
Vì vậy, theo Cục Khảo thí và Kiểm định chất lượng giáo dục, thí sinh cần hết sức cân nhắc khi đăng ký NV1 sao cho khả năng trúng tuyển theo NV này là cao nhất. Số liệu tuyển sinh ĐH những năm trước đây cho thấy, sau đợt xét tuyển NV1, ngoài việc các trường lớn và các ngành thu hút thí sinh giỏi thường tuyển đủ 100% chỉ tiêu như đã nói ở trên, nói chung có khoảng 70% tổng chỉ tiêu tuyển sinh của các trường ĐH đã được xét tuyển, 30% chỉ tiêu còn lại thường nằm ở các trường ĐH địa phương, các trường ngoài công lập và các ngành khó tuyển (ít thu hút thí sinh).
Theo quy chế tuyển sinh ĐH, CĐ 2015, khi đăng ký NV bổ sung, thí sinh có thể ĐKXT tối đa vào ba trường khác nhau ở mỗi đợt xét tuyển. Trước đây ở kỳ thi “ba chung”, thí sinh có thể đăng ký dự thi tối đa hai khối thi ở hai đợt thi ĐH khác nhau, mỗi khối vào một ngành của một trường, nếu không trúng tuyển thí sinh phải tham gia xét tuyển các đợt bổ sung.
Như vậy, so với quy định xét tuyển của kỳ thi “ba chung”, việc xét tuyển NV bổ sung năm 2015 đã tăng cơ hội rất nhiều cho thí sinh, vì trong mỗi lần xét tuyển NV bổ sung, thí sinh được phép đăng ký bốn ngành khác nhau vào cùng một trường, nghĩa là thí sinh chỉ cần thi một lần trong kỳ thi THPT quốc gia, nếu không trúng tuyển theo NV1 thì sẽ có đến ba NV bổ sung “lớn”, trong đó chứa đến 12 NV bổ sung “nhỏ”.
Dù có quy định là kết thúc mỗi đợt xét tuyển NV bổ sung, thí sinh không trúng tuyển được quyền rút hồ sơ để ĐKXT đợt tiếp theo, nhưng trên thực tế việc rút - nộp hồ sơ chưa chắc thuận tiện cho thí sinh, nhất là các thí sinh ở xa. Và hơn nữa như đã trình bày, thật ra cơ hội cho NV bổ sung của thí sinh đã bị thu hẹp về chỉ tiêu, về số lượng trường và ngành. Điều này một lần nữa khẳng định thí sinh cần phải cân nhắc thận trọng khi ĐKXT ngay từ NV1.
Cho đến thời điểm này, qua tìm hiểu của PV Báo CAND, các trường ĐH, CĐ vẫn còn chưa sáng rõ sẽ kiểm soát được việc đăng ký nguyện vọng của thí sinh thế nào để tránh tình trạng thí sinh ảo, khi mỗi thí sinh được quyền đăng ký tối đa tới 16 nguyện vọng.
Trao đổi với PV Báo CAND chiều 2/3, GS.TS Nguyễn Hữu Tú, Phó Hiệu trưởng ĐH Y Hà Nội cho biết, việc mở rộng cơ hội có được 16 nguyện vọng tạo thuận lợi cho thí sinh, không đỗ vào mã ngành này có cơ hội được vào mã ngành khác. Mặc dù trong Quy chế có quy định nếu không trúng tuyển nguyện vọng 1 thì mới được đăng ký xét tuyển nguyện vọng bổ sung, tuy nhiên, theo thầy Tú và cũng là băn khoăn của nhiều trường ĐH rất khó để kiểm soát được thí sinh trúng tuyển NV1 vẫn đăng ký xét tuyển vào mã ngành khác hoặc trường ĐH khác. Về việc này, các trường cũng rất lúng túng.
Theo thầy Tú, sau Quy chế, Bộ GD&ĐT cần sớm có hướng dẫn đưa ra những giải pháp cụ thể hơn. “Cần phải để thí sinh lựa chọn đăng ký NV ngay từ đầu, trong một trường chọn 1, 2 NV trước, nhà trường mới khoanh vùng được thí sinh. Sau đó nếu không đỗ NV1 thì các em lựa chọn NV bổ sung luôn. Nếu không nhà trường không biết lấy danh sách thí sinh ở đâu. Cùng với đó các trường cũng chưa nắm rõ phần mềm dữ liệu của Bộ sẽ như thế nào, nếu không có chế tài ngay từ đầu, thí sinh bỏ NV một cách tự do sẽ gây nên tình trạng thí sinh ảo rất khó cho các trường tuyển sinh”, thầy Tú chia sẻ.
Chính vì những lo lắng này, các trường ĐH, CĐ đều hy vọng vào việc tuyên truyền cho học sinh cẩn trọng và cực kỳ nghiêm túc trong việc đăng ký NV. Cùng với đó đề xuất Bộ GD&ĐT sớm có hướng dẫn cụ thể.