Dự thảo phương án tổ chức một kỳ thi quốc gia:

Có kết quả thi rồi mới đăng ký vào ĐH, CĐ

Sẽ có 3 phương án thi để dư luận xã hội lựa chọn. Ảnh: Hồng Vĩnh
Sẽ có 3 phương án thi để dư luận xã hội lựa chọn. Ảnh: Hồng Vĩnh
TP - Hôm qua, trong hội nghị tổng kết năm học 2013 - 2014 và triển khai nhiệm vụ năm học 2014 - 2015, Bộ GD&ĐT công bố dự thảo Phương án tổ chức kỳ thi THPT quốc gia thay thế kỳ thi tốt nghiệp THPT và kỳ thi tuyển sinh ĐH, CĐ.

Theo dự thảo này, nếu thực hiện một kỳ thi quốc gia, thí sinh sẽ đăng ký vào học ở ngành và trường ĐH, CĐ sau khi đã có kết quả kỳ thi quốc gia.

Dự kiến, kỳ thi sẽ được tổ chức vào tuần thứ 2 của tháng Sáu hằng năm. Hội đồng coi thi được bố trí thành cụm thi theo địa bàn tỉnh, tại mỗi tỉnh có thể có một hoặc một số cụm thi tập trung ở thành phố, thị xã, thị trấn. 

Các điểm thi là các trường THPT và các trường ĐH, CĐ. Bộ GD&ĐT sẽ thảo luận với các tỉnh để quyết định phương án thành lập các cụm thi quốc gia. Các hội đồng chấm thi cũng sẽ được thành lập các cụm chấm thi theo vùng, miền. 

Tham gia các hội đồng coi thi, chấm thi gồm cán bộ, giáo viên của sở GD&ĐT và cán bộ, giảng viên của các trường ĐH,CĐ. Lãnh đạo các hội đồng chủ yếu là lãnh đạo các trường ĐH và Sở GD&ĐT có uy tín, nhiều kinh nghiệm trong tổ chức kỳ thi quốc gia. 

Trước mắt, việc tổ chức ra đề thi vẫn do Bộ GD&ĐT đảm nhiệm nhưng trong tương lai việc này sẽ do Trung tâm Đánh giá chất lượng giáo dục phổ thông quốc gia đảm nhận. 

Nội dung câu hỏi của đề thi ở cả bốn mức độ nhận biết, thông hiểu, vận dụng, vận dụng cao, vừa có phần cơ bản đáp ứng cho hầu hết thí sinh, vừa có phần nâng cao nhằm phân hóa trình độ học sinh phục vụ công tác tuyển sinh vào các trường ĐH, CĐ. 

Đề thi được xây dựng theo hướng đánh giá năng lực người học, tăng dần các câu hỏi ở mức độ vận dụng, câu hỏi mở. Cùng với quá trình chuyển mạnh việc dạy và học từ chủ yếu truyền thụ kiến thức sang chú trọng hình thành phẩm chất, năng lực của học sinh, môn thi sẽ được chuyển dần thành bài thi (tăng dần yêu cầu vận dụng kiến thức tổng hợp, liên môn từ dễ đến khó).

Các môn Toán, Ngữ văn, Lịch sử, Địa lí thi tự luận, thời gian làm bài 180 phút/môn. Vật lí, Hóa học, Sinh học, Ngoại ngữ thi trắc nghiệm, thời gian làm bài 90 phút/môn.

Có kết quả thi rồi mới đăng ký vào ĐH, CĐ ảnh 1 Các đại biểu thảo luận bên lề hội nghị. Ảnh: Như Ý

Việc xét công nhận tốt nghiệp về cơ bản vẫn thực hiện như quy định hiện hành. Điểm thi của thí sinh trong kỳ thi THPT quốc gia được sử dụng để xét công nhận tốt nghiệp và tuyển sinh ĐH, CĐ, trung cấp chuyên nghiệp. Như vậy, học sinh sẽ thi quốc gia trước, đăng ký vào học ở ngành và trường ĐH, CĐ sau khi đã có kết quả thi quốc gia. 

Các trường ĐH, CĐ phải công bố thông tin về tuyển sinh trước kỳ thi quốc gia 6 tháng trên website của trường và của Bộ GD&ĐT. Thông tin về tuyển sinh của các trường ĐH, CĐ phải nêu rõ phương thức tuyển sinh, trong đó cần chỉ rõ hình thức và mức độ sử dụng kết quả kỳ thi THPT quốc gia trong việc tuyển sinh vào trường theo từng ngành học để học sinh biết và đăng ký thi.

Ba phương án để dư luận xã hội lựa chọn

Về môn thi, Bộ GD&ĐT đưa ra ba phương án để lấy ý kiến rộng rãi trong dư luận, nếu phương án nào được dư luận xã hội ủng hộ thì bộ này sẽ công bố phương án tổ chức thi chính thức trong tháng 9 để triển khai áp dụng từ năm 2015.

Phương án I thi theo môn, gồm tám môn: Toán, Ngữ văn, Vật lí, Hóa học, Sinh học, Lịch sử, Địa lí và Ngoại ngữ, thi trong tám buổi (bốn ngày), mỗi buổi thi một môn. Để được xét công nhận tốt nghiệp THPT, mỗi thí sinh phải dự thi bốn môn (gọi là các môn thi tối thiểu) gồm ba môn bắt buộc là Toán, Ngữ văn, Ngoại ngữ và một môn do thí sinh tự chọn trong số các môn Vật lí, Hóa học, Sinh học, Lịch sử và Địa lí. 

Kết quả của bốn môn thi tối thiểu đồng thời được sử dụng để đăng ký xét tuyển vào các trường ĐH, CĐ có các môn thi phù hợp với ngành đào tạo. Ngoài ra, thí sinh có quyền đăng ký thi thêm các môn thi của kỳ thi THPT quốc gia còn lại để sử dụng cho việc đăng ký tuyển sinh vào các trường ĐH, CĐ theo yêu cầu của các ngành đào tạo do từng trường ĐH, CĐ quy định.

Phương án II thi theo bài. Trong kỳ thi, tám môn học ở lớp 12 THPT được chọn để tổng hợp thành năm bài thi trong năm buổi gồm: Toán, Ngữ văn, Ngoại ngữ, Khoa học Tự nhiên (gồm Vật lí, Hóa học và Sinh học), Khoa học Xã hội (gồm Lịch sử và Địa lí). Mỗi thí sinh phải thi bốn bài thi gồm ba bài bắt buộc là Toán, Ngữ văn và Ngoại ngữ; một bài thi do học sinh tự chọn từ Khoa học Tự nhiên hoặc Khoa học Xã hội.

Phương án III cũng thi theo bài, nhưng số bài được rút gọn thành bốn, thi trong bốn buổi (hai ngày), nhưng số lượng môn học được đưa vào trong bài thi là 11 môn chứ không chỉ tám môn: Toán – Tin; Khoa học Tự nhiên gồm Vật lí, Hóa học, Sinh học và Công nghệ; Khoa học Xã hội gồm Ngữ văn, Lịch sử, Địa lí và Giáo dục công dân; Ngoại ngữ. Mỗi thí sinh phải thi cả bốn bài.

Với cả ba phương án, môn Ngoại ngữ luôn là môn bắt buộc. Tuy nhiên, những ai không được học hoặc học trong điều kiện không đảm bảo chất lượng dạy và học thì không bắt buộc phải thi. 

Những thí sinh đã hoàn thành chương trình THPT từ năm 2014 về trước được tham dự kỳ thi các năm sau để sử dụng kết quả vào xét công nhận tốt nghiệp (đối với những thí sinh chưa tốt nghiệp) và tuyển sinh vào ĐH, CĐ.

Việc xét công nhận tốt nghiệp về cơ bản vẫn thực hiện như quy định hiện hành. Điểm thi của thí sinh trong kỳ thi THPT quốc gia được sử dụng để xét công nhận tốt nghiệp và tuyển sinh ĐH, CĐ, Trung cấp chuyên nghiệp.

MỚI - NÓNG