Cơ hội mới

0:00 / 0:00
0:00
TP - Ngành chip bán dẫn, vi mạch điện tử trở thành cơn sốt trên các diễn đàn xã hội. Trong vòng 10 năm tới, Việt Nam cần khoảng 50 nghìn nhân lực có trình độ từ đại học trở lên cho ngành công nghệ mới này.

Trong chuyến thăm cấp nhà nước Việt Nam, hồi tháng 9, Tổng thống Mỹ Joe Biden nói Mỹ sẽ hợp tác và hỗ trợ Việt Nam các lĩnh vực công nghệ chip, bán dẫn, đổi mới sáng tạo, chuyển đổi xanh, đặc biệt là tham gia sâu hơn vào chuỗi giá trị khu vực và toàn cầu. Tuyên bố của Tổng thống Mỹ cũng như chuyến thăm của Thủ tướng Phạm Minh Chính tới Mỹ ngay sau đó đã mở ra hướng đào tạo mới cho các trường đại học Việt Nam.

Thực tế, ở nước ta, ngành công nghệ chip bán dẫn đã được nhắc đến khá lâu. Liên quan đến lĩnh vực này, Intel đã có 1 nhà máy tại TPHCM về lắp ráp và kiểm định chip hoạt động từ năm 2010. Các trường đại học tại Việt Nam nắm bắt được cơ hội này đang khấp khởi chuẩn bị mở ngành đào tạo, bắt đầu tuyển sinh ngay trong năm 2024.

Bên cạnh kì vọng, niềm tin, những người quản lí, nhà tuyển dụng không khỏi những lo âu, trăn trở.

Làm thế nào để Việt Nam thoát khỏi bẫy nhân lực giá rẻ, trình độ trung bình khi bước vào thị trường này? Việt Nam sẽ tham gia vào mắt xích nào trong chuỗi cung ứng thị trường ngành công nghệ chip bán dẫn, vi mạch điện tử?

Để trả lời câu hỏi này, không riêng ngành giáo dục. Tuy nhiên, là nơi đào tạo, ngành giáo dục cũng như các cơ sở giáo dục đại học có trách nhiệm rất lớn trong việc cung cấp nguồn nhân lực chất lượng cao.

Theo báo cáo, trong 5 năm tới, mỗi năm Việt Nam cần đào tạo 3.000 nhân lực ngành công nghệ chip bán dẫn. Con số này bao gồm cả đào tạo lại, đào tạo bổ sung nguồn nhân lực đã được đào tạo ở những ngành có liên quan, những ngành gần. Nếu Bộ GD&ĐT không nắm vai trò kiểm soát thì tình trạng đào tạo ồ ạt, bất chấp chất lượng, rất có thể sẽ xảy ra như nhiều ngành học trước đây. Cái giá phải trả sẽ là thất nghiệp và quan trọng hơn là các doanh nghiệp mất niềm tin vào lao động Việt Nam.

Đặc biệt cơ quan quản lí cũng phải nắm bắt được chính xác nhu cầu thị trường để định hướng các trường đại học trong đào tạo.

Cách đây trên 10 năm, Bộ GD&ĐT đưa ra một đề án rất lớn về đào tạo phát triển nguồn nhân lực điện hạt nhân. Một số trường đã mở ngành, thậm chí Bộ cũng đã cử không ít học sinh ra nước ngoài du học theo đề án 322 (cấp ngân sách đi học) về điện hạt nhân. Tuy nhiên, sau đó có những điều chỉnh thay đổi, dự án điện hạt nhân không triển khai và hàng nghìn nhân lực được đào tạo ngành này không biết đi đâu về đâu, ngành học tại các trường đại học phải đóng cửa hoặc chuyển hướng đào tạo.

Trước những ngành công nghệ mới, tuy sẵn sàng tâm thế đón nhận, chuẩn bị cơ sở vật chất, nhân lực để đáp ứng nhưng cũng không nên nóng vội đào tạo ồ ạt, không đảm bảo chất lượng để rồi gánh hậu quả lâu dài.

MỚI - NÓNG