Cơ hội hồi sinh của tiêm kích 'Đại bàng thầm lặng' của Mỹ

Tiêm kích "Đại bàng thầm lặng" F-15SE được coi là đối thủ đáng gờm của F-35. Ảnh: Airwar.
Tiêm kích "Đại bàng thầm lặng" F-15SE được coi là đối thủ đáng gờm của F-35. Ảnh: Airwar.
Khả năng tàng hình tốt và tầm hoạt động xa hơn biến F-15SE trở thành đối thủ đáng gờm của siêu tiêm kích F-35.

Gần đây, nhiều chuyên gia phân tích quốc phòng đánh giá chiếc siêu tiêm kích thế hệ 5 F-35 của Mỹ đang có nguy cơ bị "ế hàng" vì không phù hợp với chiến lược quốc phòng của các khách hàng tiềm năng, chẳng hạn như Canada, trong khi giá cả của nó lại quá đắt đỏ.

Trong bối cảnh đó, hãng Boeing đang rục rịch hồi sinh dự án chế tạo loại tiêm kích tàng hình mới mang tên F-15 SE, chiếc máy bay từng được kỳ vọng sẽ cạnh tranh ngang ngửa với F-35A trên thị trường quốc tế. Israel, quốc gia có nhiều tiêm kích F-15 nhất trên thế giới, đã thể hiện sự quan tâm đặc biệt đối với loại máy bay có biệt danh "Đại bàng thầm lặng" này, theo trang phân tích quốc phòng Foxtrotalpha.

Ý tưởng chế tạo F-15 SE của Boeing manh nha từ năm 2009, khi hãng này muốn nâng cấp một loại chiến đấu cơ sẵn có bằng công nghệ tiên tiến nhất, nhằm đạt khả năng tàng hình chỉ xếp sau các tiêm kích tối tân F-35 và F-22 Raptor.

Trước khi "Chim ăn thịt" F-22 được phát triển, tiêm kích F-15 được đánh giá là một trong những dòng máy bay không chiến tốt nhất trên thế giới. Bộ khung lớn và chắc chắn, khả năng có hai chỗ ngồi trong buồng lái, cùng động cơ mạnh mẽ của F-15 vẫn rất hấp dẫn, và đó là lý do nó được nâng cấp thành "Đại bàng chiến" F-15E.

"Đại bàng thầm lặng" F-15 SE là phiên bản tàng hình của F-15E. Nó được phủ lớp sơn tàng hình hấp thụ sóng radar, khoang chứa vũ khí bên trong thân, vách ngăn sóng radar trên bề mặt quạt động cơ, cùng với các cải tiến khác nhằm giảm thiểu khả năng bị radar đối phương phát hiện, đặc biệt là từ phía trước.

Cơ hội hồi sinh của tiêm kích 'Đại bàng thầm lặng' của Mỹ ảnh 1

Hình ảnh mô phỏng buồng lái của F-15SE. Ảnh: Flickr.

Khoang vũ khí bên trong thân máy bay có thể chứa được tên lửa không đối không Sidewinder và tên lửa AMRAAM, các loại bom thông minh JDAM và các loại bom có đường kính nhỏ. Thiết kế này giúp cải thiện khả năng hấp thụ sóng radar của máy bay, giúp nó đạt khả năng tàng hình chỉ kém F-22 và F-35 một chút.

Ngoài các công nghệ tàng hình, F-15SE cũng có các tính năng của các biến thể F-15 Strike Eagle mới nhất hiện nay như chế độ kiểm soát bay bán tự động được thao tác bằng máy tính, buồng lái góc quan sát rộng, các hệ thống tác chiến điện tử và radar cảnh báo sớm được nâng cấp, hệ thống dò tìm hồng ngoại (IRST) và radar mảng pha điện tử chủ động (AESA) trên máy bay tiên tiến nhất thế giới.

Theo chuyên gia phân tích quốc phòng Tyler Rogoway của Foxtrotalpha, với những tính năng và công nghệ này, F-15SE hoàn toàn phù hợp để thực hiện những chiến dịch không kích phủ đầu. Lợi thế tàng hình sẽ giúp nó tấn công và hủy diệt nhanh chóng các cơ sở, hệ thống phòng không của đối phương trong giai đoạn đầu của cuộc chiến.

Sau khi hệ thống phòng không của đối phương cơ bản bị tê liệt, F-15SE có thể được cấu hình lại để mang theo nhiều loại vũ khí bên ngoài nhằm tiếp tục thực hiện chức năng chiếm ưu thế trên không của F-15E.

Tiêm kích F-15SE đứng đầu trong danh sách mua sắm của Israel vì chúng có khả năng tấn công các mục tiêu ở tầm xa hơn so với F-35 trong khi vẫn tích hợp được công nghệ tàng hình. Đối với Israel, "Đại bàng thầm lặng" là sự đảm bảo cần thiết cho tình huống xấu nhất xảy ra khi thỏa thuận hạt nhân Iran đổ bể. Trong trường hợp Israel buộc phải tiến hành các cuộc không kích, tính năng của tiêm kích F-15SE sẽ rất cần thiết để đối phó với các hệ thống phòng không của Iran.

Nếu chính phủ Mỹ chấp thuận yêu cầu của Israel và khả năng của nó được chứng minh trong môi trường tác chiến thực tế, F-15SE sẽ trở thành một đối thủ cạnh tranh đáng gờm với F-35. Một số quốc gia như Hàn Quốc, Nhật Bản hay Canada có thể cũng sẽ quan tâm đến chiếc "Đại bàng thầm lặng" này để phục vụ chiến lược an ninh quốc phòng của mình.

Theo Theo VnExpress
MỚI - NÓNG