Thư viện thông minh:
Cơ hội cho trẻ em vùng ven tiếp cận tri thức
Vì thế, những hướng dẫn về sách và sách hay đều vô cùng cần thiết cho việc bồi đắp trí tuệ và nuôi dưỡng tâm hồn của các em.
Tuy nhiên, hiện nay rất nhiều thư viện trường trong cả nước - nơi có vai trò đặc biệt quan trọng trong việc hình thành thói quen đọc sách và định hướng đọc cho học sinh vẫn đang thiếu sự đầu tư đúng mức.
Vì sao học sinh không “mặn mà” với thư viện?
Với mức sống còn thấp, việc đi nhà sách hay đặt mua những quyển sách mới cho con em là điều nằm ngoài khả năng của đại đa số phụ huynh ở vùng ven, vùng sâu vùng xa. Vì vậy thư viện trường gần như là nguồn cung cấp sách duy nhất cho các em - nơi các em có thể đọc và mượn sách về nhà mà không tốn bất cứ chi phí nào, ngoài chiếc thẻ thư viện với phí thường niên rất thấp. Thế nhưng trên thực tế, không ít bài báo đã phản ánh về tình trạng của thư viện ở vùng sâu vùng xa: Thư viện trường THCS Phục Lễ (Thủy Nguyên, Hải Phòng) có khoảng 2.500 đầu sách, nhưng vì không đủ thời gian, không đủ sách nên mở ra chủ yếu để phục vụ việc nghiên cứu và giảng dạy của giáo viên. Năm 2009, trường thử nghiệm mở cửa thư viện cho học sinh vào mượn sách, nhưng cũng chỉ được nửa năm, hoạt động đó lại phải tạm ngừng vì học sinh lên thư viện đọc sách thì ít, mà tụ tập tán gẫu thì nhiều và cũng chỉ do tò mò nên dần dần cũng thưa học sinh (nguồn: Giáo dục & Thời đại Online 13-9-2011).
Quản lý thư viện một trường THCS ở quận 9, TP Hồ Chí Minh cho biết, chỉ tiêu của Bộ Giáo dục - Đào tạo là 100% giáo viên và 70% học sinh trong các trường học phải được tiếp cận thường xuyên với thư viện. Nhưng trên thực tế, số học sinh tiếp cận thực tế với sách và các thiết bị thư viện trường chỉ vào khoảng… 20%. Nguyên nhân chính dẫn đến thực trạng này là hầu hết các thư viện trường hiện nay đều hạn chế và bất cập về các đầu sách, loại sách, học sinh không có nhiều lựa chọn cũng như không tìm được sách truyện phù hợp.
Để thư viện không còn là nơi chứa sách báo cũ
Bà Quách Thu Nguyệt - nguyên Giám đốc Nhà Xuất bản Trẻ khẳng định: “Muốn học sinh nâng cao việc tự học và khả năng sáng tạo, chúng ta phải tập cho các em thói quen đọc sách và vào thư viện. Nhưng để thực hiện được điều này, việc đầu tiên người lớn chúng ta phải làm là tìm cách nâng cấp cơ sở vật chất và nguồn sách của thư viện, tìm ra những lý do để kéo học sinh đến thư viện, biến thư viện thành một nơi thú vị thì các em mới đến đọc thường xuyên được”. Thực tế hiện nay, bình quân một năm mỗi thư viện trường tại Việt Nam mới chỉ được đầu tư khoảng 7,4 triệu đồng (Theo thống kê của Bộ Giáo dục - Đào tạo năm học 2009 - 2010). Với con số quá ít ỏi này, rất nhiều thư viện trường học trở thành nơi cất giữ sách báo, tư liệu cũ chứ không đủ kinh phí mua sắm, vận hành như một nơi để các em đến đọc sách và học tập. Vì vậy, mô hình thư viện hoàn chỉnh với nguồn sách phù hợp với nhu cầu và lứa tuổi của học sinh, đồng thời được trang bị hệ thống quản lý thư viện hiện đại là ước mơ không chỉ của các em học sinh mà còn là mong muốn của tất cả các thầy cô giáo. Chỉ có như vậy, thư viện mới thực hiện đúng vai trò là nơi cung cấp sách và định hướng đọc cho các em học sinh, giúp các em tiếp cận được với những nguồn tài liệu thực sự hữu ích.
Việc nâng cao chất lượng và cơ sở vật chất cho các thư viện trường học ở vùng sâu vùng xa từ lâu đã được nhiều cá nhân, tổ chức nghĩ đến. Tuy nhiên, muốn đạt hiệu quả cao, hoạt động này phải thu hút được nhiều đối tượng trong toàn xã hội cùng tham gia, với một chiến lược lâu dài và xác định trọng tâm cho từng giai đoạn. Tháng 9 vừa qua, Công ty Điện tử Samsung Vina vừa khởi động dự án trách nhiệm của doanh nghiệp đối với cộng đồng mang tên “Thư viện thông minh - Trí tuệ ngày mai”. Hướng đến đối tượng chính là những học sinh vùng ven, nơi đời sống khó khăn, cơ sở vật chất và nguồn sách của thư viện trường còn nhiều hạn chế, mô hình thư viện thông minh là cơ hội để các em được tiếp cận một cách thường xuyên với những nguồn sách mới, đa dạng, phù hợp với nhu cầu và lứa tuổi.
Mô hình “thư viện thông minh” Trong giai đoạn I của dự án (từ tháng 9 đến tháng 12-2011), Samsung Vina sẽ trao tặng mô hình thư viện thông minh cho 15 trường THCS vùng ven tại 4 khu vực ưu tiên trong cả nước (đồng bằng sông Hồng, miền Trung, ngoại thành TPHCM và đồng bằng sông Cửu Long). Cụ thể, mỗi thư viện sẽ được tặng 300 đầu sách (gần 1.000 quyển) gồm sách giáo khoa, sách tham khảo & bổ sung kiến thức, sách văn học, sách khoa học, sách ngoại ngữ & từ điển… được tuyển chọn và giới thiệu bởi các chuyên gia có nhiều kinh nghiệm trong lĩnh vực giáo dục. Mỗi thư viện đồng thời cũng sẽ được trang bị một hệ thống quản lý thư viện với máy tính kết nối với mạng Internet, TV, đầu đọc DVD, máy in… để hiện đại hóa việc tìm kiếm sách và tra cứu thông tin, và khoa học hóa việc quản lý mượn và trả sách. |