Cơ hội cho ngành thủy sản Việt Nam từ hiệp định EVFTA

TPO - Sau khi EVFTA có hiệu lực, một số sản phẩm thủy sản chế biến đang có mức thuế cơ bản khá cao sẽ được giảm ngay về 0%; tôm sú đông lạnh được giảm thuế từ mức cơ bản 20% xuống 0%; cá tra lộ trình giảm thuế 3 năm...

EU là thị trường xuất khẩu (XK) thủy sản lớn thứ 2 (sau Mỹ) và luôn chiếm trên 17%-18% trong tổng giá trị XK thủy sản của Việt Nam. Trong đó, XK tôm sang EU chiếm 22% thị phần, cá tra chiếm 11%, các mặt hàng hải sản chiếm 30-35%...

Với việc Quốc hội Việt Nam phê chuẩn thông qua hiệp định EVFTA hôm qua (8/6), Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP) cho rằng, tham gia các hiệp định tự do thương mại (FTA) thế hệ mới như EVFTA mang lại nhiều cơ hội cho các ngành XK như ngành thủy sản, đặc biệt là cơ hội từ thuế quan xuất nhập khẩu.

Cơ hội cho ngành thủy sản Việt Nam từ hiệp định EVFTA ảnh 1 Ngành tôm sẽ có nhiều cơ hội. Ảnh: XT

Đối với EVFTA, ngay khi có hiệu lực, sẽ có gần 50% số dòng thuế đang có thuế suất cơ sở 0-22% (phần lớn từ 6-22%) sẽ được giảm về 0% (khoảng 840 dòng thuế). Khoảng 50% số dòng thuế còn lại có thuế suất cơ sở 5,5-26% sẽ được về 0% sau 3-7 năm.

Cụ thể, một số sản phẩm chế biến đang có mức thuế cơ bản khá cao (20%) sẽ được giảm ngay về 0% (như hàu, điệp, mực, bạch tuộc, nghêu, sò, bào ngư chế biến…). Hầu hết các sản phẩm mực, bạch tuộc đông lạnh đang có mức thuế cơ bản 6-8% sẽ được giảm ngay về 0%. Cá ngừ đông lạnh cũng được giảm về ngay 0%, trừ thăn cá ngừ đông lạnh (loin) cần lộ trình 7 năm và sản phẩm cá ngừ hộp có hạn ngạch hưởng thuế 0% là 11.500 tấn.

Hai đối tượng thủy sản nuôi chủ lực là tôm và cá tra có lộ trình giảm thuế: tôm sú đông lạnh (HS 03061792) được giảm từ mức cơ bản 20% xuống 0% ngay, các sản phẩm tôm khác theo lộ trình 3-5 năm, riêng tôm chế biến lộ trình giảm thuế 7 năm. Còn cá tra có lộ trình giảm thuế 3 năm, riêng cá hun khói lộ trình 7 năm.

Ngoài ra, tham gia các FTA thế hệ mới như EVFTA, thủy sản Việt Nam sẽ có cơ hội mở rộng thị trường XK, tăng khả năng cạnh tranh so với đối thủ (Ấn Độ, Thái Lan) chưa có FTA với các đối tác; thu hút đầu tư nước ngoài, nâng cao công nghệ sản xuất và chất lượng sản phẩm; được đảm bảo môi trường kinh doanh và thể chế ổn định, minh bạch hơn (nhờ cải thiện quy định, chính sách phù hợp theo các điều khoản FTA).

Trong hơn 20 năm qua, XK thủy sản Việt Nam tăng trưởng trung bình 13%/năm, từ hơn 600 triệu USD lên gần 9 tỷ USD. Thủy sản là một trong những ngành đi đầu về hội nhập quốc tế. Sản phẩm được XK đi 160 thị trường trên thế giới với sự gia tăng mạnh mẽ các mặt hàng chủ lực như tôm (3,5-4 tỷ USD/năm); cá tra (1,8-2,2 tỷ USD/năm); cá ngừ, mực bạch tuộc (1-1,2 tỷ USD/năm) và các loại cá biển khác (1,2-1,5 tỷ USD/năm)…

Cơ hội cho ngành thủy sản Việt Nam từ hiệp định EVFTA ảnh 2 Với EVFTA, sản phẩm cá tra có lộ trình giảm thuế 3 năm. Ảnh: CK

Tuy nhiên, theo VASEP, bên cạnh những cơ hội, cũng sẽ có những thách thức mới cho ngành thủy sản Việt Nam khi tham gia EVFTA như: các điều kiện về hàng rào kỹ thuật, tiêu chuẩn chất lượng, quy tắc xuất xứ chặt hơn, có nhiều quy định mới và phức tạp hơn, trong khi sản phẩm của ta kém cạnh tranh hơn về giá thành so với các nước đối tác FTA…

Các DN thủy sản cần nắm và áp dụng linh hoạt, trung thực quy tắc xuất xứ của các FTA (hàng hóa phải đáp ứng quy tắc xuất xứ được quy định riêng cho mỗi FTA); tận dụng tối đa ưu đãi về thuế quan (hiện nay tỷ lệ tận dụng chưa cao).

Đặc biệt chú trọng thực hiện và đáp ứng các quy định, tiêu chuẩn về lao động và môi trường, các vấn đề liên quan đến phát triển bền vững, đó là những yêu cầu có trong FTA thế hệ mới như EVFTA; tăng cường hợp tác, chú trọng liên kết chuỗi để nâng cao năng suất, chất lượng, kiểm soát tốt an toàn vệ sinh thực phẩm, đổi mới công nghệ, tham gia vào dây chuyền cung ứng toàn cầu.

MỚI - NÓNG