Quyết định có hiệu lực sau 45 ngày kể từ ngay ban hành (22/5/2020) và thay thế Quyết định 3379 ngày 15/8/2017 của Bộ NN&PTNT.
Theo đó, chương trình này quy định các điều kiện và hoạt động kiểm soát của cơ quan thẩm quyền Việt Nam đối với điều kiện bảo đảm an toàn thực phẩm (ATTP) tại các cơ sở nuôi, vận chuyển, giết mổ/chế biến, bảo quản cá và sản phẩm cá bộ Siluriformes (gọi tắt là cá da trơn – chủ yếu là cá tra - PV) xuất khẩu (XK) sang thị trường Hoa Kỳ; hoạt động đăng ký, thẩm định, chứng nhận cho các lô hàng cá da trơn XK sang Hoa Kỳ.
Về đối tượng, chương trình áp dụng đối với các tổ chức, cá nhân (gọi chung là cơ sở) nuôi, vận chuyển, giết mổ/chế biến, bảo quản, XK cá da trơn sang thị trường Hoa Kỳ; các cơ quan thẩm quyền liên quan đến việc kiểm soát điều kiện bảo đảm ATTP; thẩm định và chứng nhận cho lô hàng cá da trơn XK sang Hoa Kỳ; phòng thử nghiệm thực hiện phân tích, kiểm nghiệm các chỉ tiêu ATTP đối với cá da trơn XK sang Hoa Kỳ.
Cơ quan kiểm soát bao gồm: các chi cục quản lý chuyên ngành về thủy sản thuộc Sở NN&PTNT các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương chịu trách nhiệm kiểm soát điều kiện bảo đảm ATTP đối với toàn bộ công đoạn nuôi cá da trơn thương phẩm đến thu hoạch theo hướng dẫn của Tổng cục Thủy sản và quá trình vận chuyển theo hướng dẫn Cục Quản lý chất lượng nông lâm sản và thủy sản (NAFIQAD).
NAFIQAD và các đơn vị trực thuộc chịu trách nhiệm kiểm soát ATTP trong quá trình vận chuyển, chế biến, bảo quản, XK cá da trơn.
Chương trình quy định nhiều nội dung kiểm soát tại các công đoạn nuôi, thu hoạch. Trong đó, yêu cầu đối với cơ sở nuôi cá da trơn cung cấp nguyên liệu cho chế biến, XK sang Hoa Kỳ phải được cấp giấy xác nhận đăng ký nuôi trồng thủy sản; nằm trong vùng nuôi thủy sản được lấy mẫu giám sát; sử dụng con giống được sản xuất từ cơ sở sản xuất, ương dưỡng giống đã được cấp giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện và đã được kiểm dịch theo quy định; cơ sở nuôi đảm bảo dụng cụ thu hoạch không là nguồn gây mất ATTP đối với cá da trơn…
Kiểm soát điều kiện bảo đảm ATTP cơ sở nuôi (được thẩm định, chứng nhận và giám sát điều kiện bảo đảm ATTP theo quy định…). Kiểm soát tại công đoạn vận chuyển cá đến cơ sở chế biến (yêu cầu đối với việc vận chuyển bằng tàu/ghe, xe; kiểm tra chất lượng cá khi tiếp nhận tại cơ sở chế biến; kiểm soát điều kiện bảo đảm ATTP trong quá trình vận chuyển…).
Kiểm soát tại công đoạn chế biến (yêu cầu về nhà xưởng, trang thiết bị; kiểm soát điều kiện bảo đảm ATTP trong quá trình chế biến; giám sát quá trình chế biến; yêu cầu về ghi nhãn sản phẩm…).
Kiểm soát tại công đoạn XK (lập danh sách; yêu cầu đối với sản phẩm XK; đăng ký thẩm định lô hàng XK; thẩm định, lấy mẫu kiểm nghiệm lô hàng; xử lý kết quả thẩm định, kiểm nghiệm không đáp ứng quy định; cấp chứng thư và tạm ngừng cấp chứng thư; cấp lại chứng thư, cấp chuyển tiếp chứng thư, giám sát lô hàng sau thẩm định, chứng nhận; xử lý lô hàng bị cảnh báo).
Chương trình cũng quy định rõ trách nhiệm của các bên liên quan, gồm: cơ sở nuôi cá da trơn cung cấp cho cơ sở chế biến XK sang Hoa Kỳ; chủ sở hữu phương tiện vận chuyển độc lập như tàu/ghe hoặc xe vận chuyển không thuộc cơ sở chế biến; cơ sở chế biến tham gia vào chương trình; chủ hàng hoặc cơ sở sản xuất lô hàng XK; kiểm tra viên tại cơ sở chế biến; trưởng đoàn thẩm định; NAFIQAD; Tổng cục Thủy sản; Cục Thú y; Sở NN&PTNT và phòng thử nghiệm.
Riêng đối với kiểm tra viên thực hiện việc thẩm định, kiểm soát, yêu cầu “Trung thực, khách quan, không có quan hệ về lợi ích kinh tế với các cơ sở; có chuyên môn phù hợp, có năng lực thực hiện thẩm định, kiểm soát ATTP thủy sản, có khả năng đánh giá việc thực hiện các chương trình quản lý chất lượng; đủ sức khỏe để bảo đảm hoàn thành nhiệm vụ được giao”.
Kinh phí phục vụ việc kiểm soát, chứng nhận trong chương trình này được thực hiện theo quy định hiện hành của Bộ Tài chính.