Ngành tôm và cơ hội ‘bứt phá’ sau đại dịch

TPO - Dịch COVID-19 được kiểm soát tốt, giá tôm tăng trở lại, trong khi nguồn cung từ các quốc gia sản xuất tôm lớn đang bị hạn chế… là những cơ hội cho ngành tôm bứt phá trong những tháng còn lại của năm 2020. 
Ngành tôm và cơ hội ‘bứt phá’ sau đại dịch ảnh 1

Nuôi tôm thâm canh ở Sóc Trăng. Ảnh: XT

Hồi phục

Theo tìm hiểu của PV, từ đầu tháng 4, giá tôm ở ĐBSCL bắt đầu tăng trở lại ở tất cả các kích cỡ, mang lại niềm vui cho người nuôi tôm, sang tháng 5, giá tôm (loại 70 con/kg) xoay quanh 105.000 đồng/kg. Riêng những hộ nuôi tôm thẻ theo mô hình cấp cao, với tôm nuôi cỡ lớn (20-30 con/kg) cũng đạt mức lợi nhuận cao. Còn theo một số doanh nghiệp (DN) tôm tại Sóc Trăng, họ đã có hợp đồng giao hàng cho đến hết quý II/2020.

Hoạt động của các DN chuyên chế biến tôm xuất khẩu (XK) sang thị trường Trung Quốc gần đây cũng nhộn nhịp hơn do sau thời gian đóng cửa vì dịch COVID-19 thị trường này đã bắt đầu nhập hàng trở lại. Điều này cũng đã đẩy giá tôm thẻ loại nhỏ (100-250 con/kg) tăng trở lại, nhờ vậy những hộ nuôi không may buộc phải thu hoạch sớm đã thoát khỏi lỗ, thậm chí còn có lãi và tiếp tục duy trì sản xuất.  

Theo ông Trần Quốc Tuấn – Phó TGĐ Tập đoàn Việt Úc, ngay đầu quý II này, khi thông tin thị trường Trung Quốc đang tốt lên, lập tức người nuôi rục rịch thả giống, riêng Tập đoàn Việt Úc cũng đã có sự chuẩn bị nguồn con giống để đồng hành cùng người nuôi. Hiện bình quân mỗi tháng Việt Úc xuất bán khoảng 3 tỷ tôm post (tôm ấu trùng, tôm giống) nên về cơ bản đủ khả năng đáp ứng nhu cầu nguồn giống cho người nuôi.“Tới đây có thể thiếu hụt tôm cỡ trung và cỡ nhỏ, nhưng để khuyến khích người nuôi thu hoạch tôm loại này thì giá thu mua cần hợp lý, đảm bảo cho họ một mức lợi nhuận không quá thấp so với tôm cỡ lớn” – ông Tuấn nói.

Theo các DN, nếu đến cuối quý II/2020, dịch COVID-19 cơ bản được khống chế, kinh tế thế giới sẽ hồi phục nhanh, sức tiêu thụ và giá tôm sẽ tăng. Nhưng nếu dịch bệnh kéo dài hơn, nhu cầu thị trường giảm thì giá tôm cũng khó giảm vì nguồn cung trong nước và thế giới đều giảm. Nguyên nhân là do hầu hết các nước có nguồn cung tôm lớn trên thế giới như Ấn Độ, Ecuador, Thái Lan, Indonesia, Trung Quốc… đều bị ảnh hưởng mạnh bởi dịch COVID-19. Riêng Trung Quốc và Ấn Độ, dự báo sản lượng tôm năm nay sẽ giảm ít nhất 20-30%.

Ngành tôm và cơ hội ‘bứt phá’ sau đại dịch ảnh 2 Người dân thu hoạch tôm ở ĐBSCL. Ảnh: XT

Nắm bắt cơ hội

Từ tháng 5, vùng ĐBSCL bước vào mùa mưa, thuận lợi cho các vùng nuôi tôm đẩy nhanh tiến độ thả giống. Nếu đảm bảo được diện tích thả giống và hạn chế thiệt hại, từ cuối tháng 7 trở đi, DN sẽ có đủ nguyên liệu phục vụ chế biến XK.

Đại diện UBND tỉnh Bạc Liêu cho biết, tỉnh này hiện có 1.000ha nuôi tôm của các DN thuộc hàng đầu ngành tôm Việt Nam, khoảng 1.000ha khác đang nuôi theo mô hình ứng dụng công nghệ cao và 30 DN chế biến XK cũng đang xây dựng vùng nuôi cho riêng mình.

Vậy nên, chỉ cần thị trường khởi sắc trở lại, nghề nuôi tôm ở Bạc Liêu sẽ tăng tốc nhanh chóng cả về diện tích lẫn sản lượng. Theo ông Trần Quốc Tuấn – Phó TGĐ Tập đoàn Việt Úc, cơ hội cho ngành tôm là rất lớn, cần tận dụng tốt để tạo sự bứt phá trong những tháng còn lại của năm. Nhưng để nắm bắt tốt cơ hội, đầu tiên là nuôi tôm đạt năng suất, chất lượng nhằm đáp ứng yêu cầu thị trường.

TS Hồ Quốc Lực – Chủ tịch HĐQT Công ty CP Thực phẩm Sao Ta, nguyên Chủ tịch Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP) cho rằng, COVID-19 đang đi qua, Chính phủ đang lo cho chương trình phục hồi và thúc đẩy phát triển kinh tế. ‘Trong nguy có cơ’ là điều đang diễn ra với con tôm của chúng ta khi nguồn cung giảm, giá thiên về hướng tích cực.

Theo ông Lực, điều còn đang lo là dịch bệnh ở tôm, trước mắt cần hết sức kỹ lưỡng trong việc chuẩn bị ao nuôi; chọn tôm giống uy tín, sạch bệnh, nâng cao tối đa an toàn sinh học khu nuôi... Hiện nay đang là cơ hội tốt cho người nuôi tôm, đón đầu cơ hội tôm có giá cuối năm nay do COVID-19 tan, nhu cầu phục hồi trong khi các nguồn cung đang gặp khó khăn.

Tại hội nghị về ngành tôm diễn ra ở Sóc Trăng hồi tháng 5, Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Nguyễn Xuân Cường nhận định, chúng ta đã thành công bước đầu ngay trong thời điểm hết sức khó khăn của ngành tôm, nhưng khó khăn vẫn chưa thể lường hết trong thời gian tới.

Các tỉnh nuôi tôm ở ĐBSCL cần tập trung rà soát lại kế hoạch sản xuất cụ thể để có những điều chỉnh, chỉ đạo phù hợp. Trước mắt, các DN tôm giống cần đảm bảo cung ứng đầy đủ, kịp thời nguồn giống có chất lượng cho các vùng nuôi vì đây là một trong những yếu tố quyết định đến thành công của mỗi vụ nuôi. Về lâu dài, cần sớm hình thành tập đoàn tôm giống bố mẹ, từng bước làm chủ khoa học công nghệ trong sản xuất tôm…

Theo VASEP, XK tôm tháng 4 và tháng 5 vẫn duy trì tăng trưởng 6%, đưa tổng XK tôm 5 tháng đầu năm đạt gần 1,2 tỷ USD (tăng gần 4% so với cùng kỳ 2019). Việc cơ bản đẩy lùi được dịch COVID-19 góp phần giúp các DN tôm Việt Nam có khả năng cạnh cao hơn so với các nguồn cung đối thủ khác như Ấn Độ, Ecuador. Cạnh đó, Hiệp định EVFTA sắp có hiệu lực sẽ giúp ngành tôm Việt cạnh tranh tốt hơn ở châu Âu, hay thuế XK tôm vào thị trường Mỹ thấp cũng là một lợi thế…

MỚI - NÓNG