Cô gái “cháy” hết mình vì cộng đồng

TP - Hoạt động tình nguyện không ngừng nghỉ trong suốt thời gian học đại học, Nguyễn Thị Thùy Dung, sinh năm 1992, cựu sinh viên khoa Môi trường (Học viện Nông nghiệp Việt Nam) còn khiến bạn bè nể phục khi luôn đạt thành tích học tập xuất sắc, được mời ở lại trường làm giảng viên.
Cô gái “cháy” hết mình vì cộng đồng ảnh 1

Thùy Dung và trẻ em tại chùa Bồ Đề

Những ngày rực lửa

Trong ngày đầu tiên bước chân vào giảng đường đại học, Thùy Dung đã làm đơn xin gia nhập đội thanh niên tình nguyện của trường. Giải thích cho việc này, Dung cho biết, hình ảnh những thanh niên mặc áo xanh tình nguyện năng nổ, nhiệt huyết từ lâu đã khắc vào tâm trí của cô. Dung luôn mong muốn được khoác lên mình màu áo xanh ấy để mang sức trẻ phục vụ cộng đồng.

Vào học đại học được một tuần, Dung được tín nhiệm bầu làm lớp trưởng. Sự năng động, nhiệt tình của Dung nhanh chóng tạo được dấu ấn khi Dung lần lượt được bầu làm đội phó đội tình nguyện của trường, ủy viên ban tuyên truyền, phó bí thư liên chi đoàn khoa Môi trường Học viện Nông nghiệp Việt Nam.

Trong vai trò đội phó đội tình nguyện, Dung liên tục tổ chức hàng loạt chương trình thiện nguyện khác nhau: Tiếp sức mùa thi, chăm sóc người già cô đơn, bệnh tật, trẻ em mồi côi, tật nguyền.

Trong đó, có những nơi Dung tổ chức thường niên như: Bệnh viện phong, da liễu Bắc Ninh; trẻ em khuyết tật ở Thụy An, Ba Vì (Hà Nội). “Bởi vì ở đây có những mảnh đời khiến bọn mình day dứt. Họ rất cần sự chia sẻ của chúng ta, không hẳn là vật chất, điều họ cần nhất là sự quan tâm, yêu thương chân thành”, Dung lý giải.

“Nhiều người ngạc nhiên hỏi mình bí quyết học thế nào khi tham gia phong trào bận rộn như thế. Thực ra, tôi không phải là “mọt sách”, không phải người chăm chỉ nhất, nhưng mỗi khi ngồi vào bàn học bài tôi luôn tập trung cao độ. Chỉ học khi thấy tinh thần thoải mái nhất. Hoạt động tình nguyện thường luôn khiến tôi vui, thoải mái, nó thực sự giúp tôi giảm bớt căng thẳng trong học tập”.

Nguyễn Thị Thùy Dung

Dung cho biết, mỗi lần đến thăm những đứa trẻ khuyết tật ở Thụy An, các tình nguyện viên rất khó ra về, bởi các bé cứ ôm chặt các tình nguyện viên. Dung kể, có lần đến thăm trẻ em ở chùa Bồ Đề, Dung tắm cho một cậu bé 3 tuổi bị khuyết 2 chân, khuôn mặt bị dị dạng.

“Khi tắm xong, cậu bé cứ ôm lấy tôi thơm lên má, rồi xoa tóc như thể cảm ơn, ánh mắt ngập tràn niềm vui. Khi tôi ra về, cậu bé chạy theo ôm lấy chân khóc nức nở, không cho về. Hình ảnh đó ám ảnh tôi mãi đến bây giờ”, Dung rưng rưng.

“Đến những nơi đó chúng tôi có thêm động lực phấn đấu vươn lên trong cuộc sống. Tạo hóa cho chúng ta một cơ thể lành lặn và khỏe mạnh, đó là may mắn lớn nhất rồi. Vì thế đừng than phiền hay chán nản khi gặp bất cứ khó khăn gì trong cuộc sống”, Dung nói như một sự chiêm nghiệm.

Phận nữ nhi lại kiêm nhiệm nhiều công việc khác nhau, nhiều khi Dung rơi vào căng thẳng. Một số anh, chị khuyên Dung xin nghỉ bớt một số công việc nhưng cô nhất định không buông. Năm thứ ba đại học, Dung được phân công đi coi thi đại học tại Hải Dương, dù bận rộn nhưng cô vẫn xung phong kiêm nhiệm luôn vai trò đội trưởng đội tình nguyện tiếp sức mùa thi tại địa phương này.

“Nhiều khi mất ngủ, sụt cân vì công việc chồng chất nhưng mình thấy rất hạnh phúc vì có cơ hội được cống hiến sức trẻ, làm việc có ích”, Dung tâm sự.

Song song với các hoạt động tình nguyện, Thùy Dung còn là phát thanh viên của chương trình Phát thanh thanh niên, sinh viên Học viện Nông nghiệp Việt Nam. Chương trình không chỉ cung cấp các thông tin hữu ích cho sinh viên mà còn là cầu nối cho các bạn trẻ và thầy cô giáo xích lại gần nhau hơn thông qua chuyên mục Quà tặng âm nhạc.

Trong hơn hai năm liền, giọng đọc trong trẻo, cuốn hút của Dung trở thành món ăn tinh thần được đông đảo sinh viên của trường trông đợi.

Cô gái “cháy” hết mình vì cộng đồng ảnh 2

Thùy Dung cùng mẹ trong lễ tuyên dương thủ khoa xuất sắc năm 2014 do Thành Đoàn Hà Nội tổ chức

Thành tích xuất sắc

Thùy Dung là một trong những thủ khoa đầu ra đại học xuất sắc năm 2014 vừa được Thành Đoàn Hà Nội tuyên dương. Hai năm liền, Dung tham gia nghiên cứu khoa học cấp khoa và trường đều đạt thành tích cao và giành giải nhất cuộc thi “Ý tưởng sáng tạo bảo vệ môi trường trong sinh viên, thanh niên” do T.Ư Đoàn và Hội Sinh viên Việt Nam phối hợp tổ chức năm 2012.

“Nhiều người ngạc nhiên hỏi mình bí quyết học thế nào khi tham gia phong trào bận rộn như thế. Thực ra, tôi không phải là “mọt sách”, không phải là người chăm chỉ nhất, nhưng mỗi khi ngồi vào bàn học bài tôi luôn tập trung cao độ. Chỉ học khi thấy tinh thần thoải mái nhất. Hoạt động tình nguyện luôn khiến tôi vui, thoải mái, nó thực sự giúp tôi giảm bớt căng thẳng trong học tập”, Dung bộc bạch.

Với những thành tích đã đạt được, Thùy Dung được mời ở lại Học viện Nông nghiệp Việt Nam làm giảng viên. Dung tâm sự, làm giảng viên trẻ, ngoài việc truyền đạt kiến thức, Dung sẽ tiếp thêm lửa cho các bạn trẻ năng nổ tham gia các hoạt động xã hội, tình nguyện vì cộng đồng.

Với sự nỗ lực không ngừng nghỉ, Thùy Dung được T.Ư Đoàn tặng giấy khen “Đoàn viên đã có thành tích xuất sắc trong công tác Đoàn và phong trào tình nguyện hè năm học 2011 và 2012”; Thành Đoàn Hà Nội tặng giấy khen “Đảng viên trẻ Thủ đô xuất sắc năm 2013"; Học viện Nông nghiệp Việt Nam tặng giấy khen “Tiêu biểu điển hình trong học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh năm 2011 - 2013”.

MỚI - NÓNG