Cô dân quân Vị Xuyên, chàng trai Áo và điệu Kalinka

Các em học sinh vui múa hát đón tủ sách mới. Ảnh: Trung Hiền.
Các em học sinh vui múa hát đón tủ sách mới. Ảnh: Trung Hiền.
TP - Gần 30 năm trước, tôi cầm bút, cầm súng lên Vị Xuyên (Hà Tuyên) gặp, phỏng vấn cô dân quân chân trần vừa đi tải đạn lên trận địa để những người lính chiến đấu bảo vệ biên giới. Hôm nay, tôi mang theo điệu Kalinka và mong ước của chàng trai người Áo xây dựng một tủ sách cho các em nhỏ Vị Xuyên.

Cô Xính ở thôn Nà Miều         

Đọc xong bài báo Tìm những người giữ đất năm xưa đang trên Tiền Phong số ra ngày 17 tháng 2 năm 2014, nhà thơ Dương Thuấn cứ tấm tắc khen nụ cuời dịu hiền, trong trẻo của  Hoàng Thị Xính, cô dân quân xã Phương Tiến về dự Hội nghị phụ nữ tiên tiến huyện Vị Xuyên năm 1985.

Sau khi vác đạn lên điểm tựa để các anh bộ đội chiến đấu bảo vệ từng tấc đất biên cương, Xính vội vàng cắt rừng, xuống núi đi chân đất về kịp dự hội nghị, tham gia báo cáo điển hình.

Nhà thơ Duơng Thuấn bảo tôi sớm tìm lại Xính. Cô dân quân xinh đẹp, dũng cảm ngày ấy nay đang sống ở đâu, ra sao. Rồi anh bấm máy điện thoại gọi ngay cho mấy ngưòi bạn thân đang ở Hà Giang giúp tôi tìm lại Hoàng Thị Xính.

Tôi gọi điện cho Bí thư tỉnh đoàn Hà Giang Vương Ngọc Hà. Hà thông báo, qua hệ thống  Đoàn, cô sẽ đề nghị các bạn trẻ tích cực đi tìm nhân vật của Tiền Phong, một điển hình của tuổi trẻ quê hương Hà Tuyên ngày ấy.

Tôi nhận ra rằng dù ở đâu, lòng nhân ái của con người bao giờ cũng dễ giao hòa, cùng tìm về những hoạt động nhân văn cao cả.

Gần hai tuần sau, Hà báo cho tôi  tin vui: Các bạn ở huyện đoàn Vị Xuyên đã tìm ra địa chỉ của Hoàng Thị Xính. Hiện cô là Chủ tịch Hội Phụ nữ xã Phương Tiến,  sống cùng chồng con trong ngôi nhà sàn khang trang ở ngay đầu thôn Nà Miều.

Nghe tin, tôi muốn lên ngay Hà Giang để gặp lại cô dân quân năm nào sau gần 30 năm xa cách. Ngần ấy năm qua đi, tôi vẫn nhớ như in những tháng năm lửa đạn suốt dọc tuyến biên giới Vị Xuyên ác liệt. Những Làng Pinh, Hang Dơi, Cốc Nghè, Bãi Nghệ làm sao quên được.

Trong chuyến công tác lên Vị Xuyên năm 1985, tôi nhớ mãi khi phỏng vấn Xính, sau nụ cuời e ấp, cô nói, cô đang yêu một anh bộ đội đóng trên chốt, chiến đấu bảo vệ biên giới. Cả hai đều mong ngày Vị Xuyên im tiếng súng để họ có thời gian chuẩn bị cho lễ cưới.

Xính bảo, nếu không có cuộc chiến tranh xâm lược tàn phá quê hương, khi Tết đến Xuân về, cô lại cùng chúng bạn hò hẹn để chơi đàn tính, hát điệu sli. Mấy đứa con gái dắt nhau ra con suối trong mát đầu bản, thả mái tóc dài, soi nụ cưòi duyên trong làn nuớc trong veo, khoe tấm lưng trần trắng muốt.

Những đôi vai con gái thon nhỏ sẽ không còn những vết hằn do phải gùi đạn lên chốt tiền tiêu. Cô mong sẽ có những đứa con ngoan, sáng sáng tung tăng cắp sách đến trường…

Cô dân quân Vị Xuyên, chàng trai Áo và điệu Kalinka ảnh 1

Các đại biểu trao sách vở, chăn ấm cho các em học sinh.

Chàng trai Áo và điệu Kalinka

Thật tình cờ, một sáng thu Hà Nội, nắng vàng ươm như mật ong rải khắp phố phường. Có một giọng miền Nam cũng ngọt tựa mật ong gọi tới Ban Bạn đọc Công tác Xã hội, báo Tiền Phong.

Cô gái xưng là Thu Hằng, cán bộ phòng truyền thông Tập đoàn Home Credit muốn liên hệ với báo triển khai hoạt động xã hội hướng về trẻ em nghèo có khát vọng học tập, vươn lên.

Nghe Thu Hằng trình bày, tôi bỗng nghĩ tới Hoàng Thị Xính. Những đứa trẻ là con là cháu cô dân quân xã Phương Tiến ấy rất cần sự giúp đỡ. Là người có nhiều dịp đi đến các tỉnh biên giới phía Bắc, tôi hiểu cuộc sống của người dân nơi đây tuy có nhiều thay đổi nhưng vẫn còn thiếu thốn.

Tôi đề nghị Thu Hằng có thể làm  dự án xây dựng tủ sách cho học sinh một trường tiểu học ở Vị Xuyên. Cô đồng ý và thông báo sắp tới lãnh đạo của tập đoàn sẽ tới báo trao biểu trưng số tiền xây tủ sách.

Không lâu sau, tôi vẫn nhớ vào chiều 13/8/2014, Friedrich Weiss, Chủ tịch Hội đồng Thành viên Tập đoàn Home Credit đã tới Tòa soạn báo Tiền Phong trao biểu trưng số tiền 50 triệu đồng xây dựng thư viện cho trường tiểu học tại huyện Vị Xuyên, Hà Giang.

Cuộc gặp diễn ra cởi mở. Trẻ trung, nhanh nhẹn, vui tính Friedrich Weiss, một người  Áo, sếp của Home Credit Việt Nam trao đổi bằng tiếng Anh. Hai bên giới thiệu, chủ khách xoay sang nói chuyện bằng tiếng Nga bởi Friedrich Weiss làm việc ở Nga mấy năm và lấy vợ người Nga, còn Tổng Biên tập báo Tiền Phong Lê Xuân Sơn thì cũng có mấy năm học ở Nga.

Họ nói chuyện sôi nổi, thỉnh thoảng dịch cho chúng tôi vài câu để nắm đại để nội dung. Từ chuyện gia đình, con cái lan sang công việc, cụ thể về chương trình hợp tác đang thực hiện. Sau một hồi, thấy ông Sơn bảo: “Xong, Friedrich đồng ý ủng hộ thêm cho thư viện 30 triệu đồng nữa”.

Thì ra qua câu chuyện, nhận thấy việc xây dựng thư viện cho học sinh ở một huyện miền núi nghèo là việc làm nhân văn, ý nghĩa nhưng kinh phí còn hạn hẹp, Friedrich Weiss đã quyết định tặng thêm tiền để nhà trường có thêm điều kiện chỉnh trang phòng đọc, mua thêm sách phục vụ tốt hơn cho các em học sinh. 

Tôi nhận ra rằng dù ở đâu, lòng nhân ái của con người bao giờ cũng dễ giao hòa, cùng tìm về những hoạt động nhân văn cao cả.

Tổng Biên tập báo Tiền Phong cám ơn sự hảo tâm của Tập đoàn Home Credit và cho biết sẽ phối hợp chặt chẽ với địa phương triển khai có hiệu quả chương trình này để các em học sinh vùng khó khăn ở huyện biên giới Vị Xuyên có một thư viện khang trang với nhiều đầu sách thiết thực phục vụ việc học tập.

Sau khi trao bảng biểu trưng số tiền xây tủ sách, Friedrich Weiss rất vui. Tôi thấy anh gõ nhẹ gót giày xuống sàn se sẽ hát bài dân ca Nga Kalinka rồi khoe, vợ anh, chị Natasa người Nga dịu dàng và nhân hậu đã dạy anh bài hát ấy. Anh nói sẽ bố trí thời gian lên dự lễ khánh thành thư viện ở Vị Xuyên và bảo sẽ hát cùng các em nhỏ Hà Giang.

Một tháng sau. Vào chiều  14/9/2014, tại trường Phổ thông dân tộc bán trú Trung học cơ sở Thanh Thủy, Vị Xuyên, Hà Giang, báo Tiền Phong cùng nhà tài trợ chính Home Credit (Cty TNHH MTV tài chính PPF Việt Nam đến từ TPHCM) đã tổ chức lễ trao tặng một tủ sách, 60 chiếc chăn ấm (tổng trị giá 80 triệu đồng). 

Trường Phổ thông dân tộc bán trú cơ sở Thanh Thủy, huyện Vị Xuyên, Hà Giang có gần 200 học sinh với cơ sở vật chất còn nhiều hạn chế nhưng luôn là điểm sáng trong sự nghiệp nâng cao dân trí. Điều đặc biệt là tại mái trường này, hầu hết học sinh là con em những gia đình của người lính bảo vệ biên cương Tổ quốc.

Cùng tham gia chương trình ý nghĩa này, Cty cổ phần Văn phòng phẩm Hải Phòng (Cty Devyt) hỗ trợ 2.000 cuốn vở viết (trị giá 10 triệu đồng); báo Giáo dục và Thời đại, Nhà Xuất bản Kim Đồng, báo Sinh viên Việt Nam - Hoa học trò, cán bộ phóng viên báo Tiền Phong và Cty CP Tiền Phong tặng nhiều đầu sách báo, truyện và đồ dùng học tập.

Do bận công việc đột xuất, Friedrich đã không kịp trở lại Việt Nam và lên  Hà Giang để cùng chia vui với thầy cô và các em học sinh. Tôi tin anh sẽ rất vui khi biết, anh đã góp phần cùng báo Tiền Phong và các nhà tài trợ với nghĩa cử chân thành, chung tay vì sự nghiệp dân trí vùng cao, đã quan tâm đến những mái trường nơi biên giới, trong đó đặc biệt là các thôn bản vùng cao của Hà Giang.

Nhìn những đứa trẻ đang múa những điệu múa của dân tộc mình, tôi nghĩ: Nếu chàng trai người Áo có mặt ở đây, anh sẽ nhảy điệu Kalinka sôi động và hòa theo điệu nhảy của các cô cậu người Nùng, người Dao.

Bí thư tỉnh đoàn Hà Giang- Vương Ngọc Hà chia sẻ với tôi, cô đã phải nghỉ một kỳ học năm lớp 3 vì chiến tranh ở Vị Xuyên diễn ra ác liệt. Sau những trận pháo kích dữ dội từ bên kia biên giới, ở nơi sơ tán, cô thường cùng mẹ thao thức suốt đêm đợi tin bố. Bố cô là  phóng viên Văn Phát  thường trú TTXVN tại Hà Tuyên, thường xuyên ra mặt trận phản ánh kịp thời những sự kiện nóng hổi ở vùng đất này.

Ngày ấy, cô  mong được đến trường, được hát múa cùng chúng bạn. Rồi biên giới bình yên, tham gia công tác Đoàn, thường xuyên đến với bản làng xa xôi, lúc nào Hà cũng mong các em nhỏ được đi học. Cô tìm mọi nguồn lực xã hội để giúp các em vơi bớt khó khăn. Và hôm nay, tôi thấy cô vui múa hát cùng các em như đang trở lại tuổi thơ của mình.

Cô dân quân Vị Xuyên, chàng trai Áo và điệu Kalinka ảnh 2

Tác giả phỏng vấn cô dân quân Hoàng Thị Xính năm 1985. Ảnh đăng trên báo Tiền Phong ra ngày 17/2/2014.

Chuyện tình của cô dân quân

Trong căn nhà sàn ở đầu thôn Nà Miều, tôi gặp lại Hoàng Thị Xính sau gần 30 năm . Những năm tháng vất vả mưu sinh, Xính không còn trẻ nữa. Nhưng nụ cười dịu hiền thì vẫn thế. Lần đầu thấy ảnh của mình đăng trên báo Tiền Phong, cô không khỏi ngỡ ngàng. Bức ảnh được nhà báo Hoàng Như Thính chụp gần 30 năm trước.

Sau 3 chuyến chuyển đạn lên điểm tựa cho bộ đội, vừa xuống đến chân núi, Xính được cử là đại biểu của phụ nữ xã Phương Tiến đi hội nghị báo cáo thành tích dưới huyện… Vẫn nguyên bộ quần áo sờn vai, chân trần, Xính hân hoan về dự hội và trả lời khi tôi phỏng vấn.

 Xính cho biết: Năm sau đó, Xính kết hôn với chiến sĩ Lê Hải Lý người trực tiếp chiến đấu trên chốt, đơn vị nhiều lần được Xính và các nữ dân quân Phương Tiến vận chuyển, tiếp tế lương thực, đạn dược. Tình yêu của họ được thử thách trong lửa đạn.

Khi biên giới bình yên, đôi trẻ chăm chỉ làm ăn, vun vén cuộc sống. Nhưng trong một lần  dùng kíp mìn đánh đá để mở rộng hang lấy chỗ nuôi trâu, không may, kíp mìn nổ, anh Lý mất một cánh tay.

Cuộc sống đời thường thêm khó khăn, nhưng nhìn cơ ngơi hôm nay của vợ chồng  nữ dân quân ngày nào, tôi hiểu họ đã đổ nhiều mồ hôi, gây dựng cuộc sống trên mảnh đất biên cương nghèo khó.

Có lẽ theo mong ước của mẹ ngày nào, hết chiến tranh sẽ sinh những đứa con ngoan, hạnh phúc nhìn chúng sáng sáng tung tăng cấp sách đến trường, mà hai cô con gái của Xính đã phấn đấu trở thành những cô giáo mầm non.

Cô con gái út Lê Thị Hòe nhìn ảnh mẹ đăng báo, mắt ngân ngấn nước. Hòe nhỏ nhẹ: Mẹ Xính đã đi qua thời tuổi trẻ đầy những vất vả khó khăn nhưng rất đáng tự hào. Đôi chân trần mẹ băng núi, vượt rừng đi tải đạn ngày ấy, hôm nay vẫn lại chầm chậm lên núi, xuống  nương trồng lúa, trồng rau, nuôi cá lần tìm niềm vui cho bố con em, cho bếp trong căn nhà sàn đầu thôn Nà Miều luôn ấm lửa.

MỚI - NÓNG
Người Việt có đúng là hời hợt và thiếu thói quen đọc sách?
Người Việt có đúng là hời hợt và thiếu thói quen đọc sách?
TPO - Nhiều chuyên gia đồng tính với ý kiến của đại biểu Nguyễn Văn Cảnh (đoàn Bình Định) khi cho rằng người Việt Nam thông minh nhưng thường bỏ phí khả năng do tính hời hợt và thiếu thói quen đọc sách. Một số chuyên gia nhận định việc đọc sách của người Việt hiện nay rất đáng báo động. Có thể nói đến nay Việt Nam chưa thể coi là văn hóa đọc.