Cô bé 12 tuổi hành nghề... buôn ma túy

Cô bé 12 tuổi hành nghề... buôn ma túy
Mẹ chết, bố đi tù, bản thân đang học lớp 6 nhưng Nhung quyết định bỏ học, hàng ngày đón xe khách ra tỉnh ngoài mua ma tuý về giao cho các em chia thành gói nhỏ để bán cho con nghiện. 18 tuổi cô bị bắt theo lệnh truy nã của CATP Phủ Lý về hành vi mua bán ma tuý...

Thế giới 'tội phạm nhí' (Phần 3):

Cô bé 12 tuổi hành nghề... buôn ma túy

> Phần 1: Cái giá của ý thích tự lập khi quá trẻ
> Phần 2: Cậu bé lưng gù và cú đẩy oan nghiệt

Phạm Thị Nhung
Phạm Thị Nhung.

Theo các trinh sát phòng chống tội phạm ma tuý CA tỉnh Hà Nam thì Phạm Thị Nhung tuy mới bước qua tuổi 18 nhưng đã có “nghề” từ mấy năm nay, song vì tuổi vị thành niên, nuôi con nhỏ, nên chưa bị bắt và cô gái này lại lợi dụng điều này làm cơ hội để tiếp tục phạm tội.

Đẻ con liên tục để tránh ngồi tù

Là chị cả của năm đứa em, Nhung (quê ở xã Thanh Châu, thành phố Phủ Lý, tỉnh Hà Nam) khá xinh xắn, sắc sảo nhưng không may cho cô lại sinh ra trong một gia đình mà cả bố và mẹ đều lấy việc bán ma túy cho con nghiện làm nghề kiếm sống.

Ngay từ nhỏ, Nhung đã được bố mẹ bày cho cách chia nhỏ ma tuý, cách đóng vào ống hút nước, thành những tép heroin, cách phân biệt đâu là con nghiện đang lên cơn vật, cần thuốc, đâu là kẻ giả bộ và đâu là người khả nghi có thể là công an…

Nhà Nhung khá thuận tiện cho việc đi lại, có nhiều ngõ ngách thông nhau, gần quốc lộ 1A và đường 21B nên con nghiện từ Hòa Bình, Ninh Bình hay dưới Nam Định, Thái Bình lên, chỉ cần đi bộ một đoạn là đến.

Ngôi nhà cấp bốn nhưng bố mẹ Nhung cho xây tường bao và chiếc cổng khá kiên cố. Ở bên ngoài, muốn vào rất khó vì trong nhà nuôi một đàn chó dữ, tường chăng dây thép gai và lúc nào cũng trong tình trạng có điện. Cổng không bao giờ mở, con nghiện muốn mua ma túy chỉ việc thò tay qua lỗ khóa, đưa tiền vào là có “hàng” ra.

Ngày còn nhỏ, ngoài việc đóng gói, chị em Nhung bị bố mẹ xua ra đường với mục đích cảnh giới cho họ bán ma tuý, thấy người lạ thì báo hiệu để họ tẩu tán tang vật. Khi chị em Nhung đã biết mặt tiền, mỗi ngày chúng được bố mẹ giao cho một nắm heroin, thay nhau bán.

Nhắc đến bố mẹ Nhung thì ai cũng biết. Đó là Nguyễn Thị Tuyết, sinh năm 1964 và chồng là Phạm Xuân Thuật, sinh năm 1961. Có thể nói vì ma tuý nên mẹ Nhung đẻ sòn sòn hai năm một. Ba lần bị bắt quả tang bán ma tuý cho con nghiện, ba lần ra trước vành móng ngựa với tổng cộng là 23 năm tù giam nhưng chẳng lần nào Tuyết phải ngồi tù vì lúc nào cũng đang nuôi con nhỏ.

Mỗi lần được thả về như thế, Tuyết lại tiếp tục bán ma tuý và những đứa con của chị ta được sử dụng làm một chiêu lách luật triệt để. Năm 2003, Tuyết đi tù do mua bán ma tuý. Nhưng lúc này, chị ta đang mang căn bệnh ung thư giai đoạn cuối nên sau 3 tháng vào trại giam, Tuyết trở về và chết sau đó vài tuần.

Mẹ chết, bố đi tù Nhung nghỉ học hàng ngày đón xe khách ra tỉnh ngoài mua ma tuý về giao cho các em chia thành gói nhỏ để bán cho con nghiện
Mẹ chết, bố đi tù Nhung nghỉ học hàng ngày đón xe khách ra tỉnh ngoài mua ma tuý về giao cho các em chia thành gói nhỏ để bán cho con nghiện. Ảnh mang tính minh họa

Vết xe đổ

Mẹ chết, bố đi tù, mấy chị em Nhung dắt díu nhau sang bà ngoại tá túc nhưng bà đã già yếu làm sao kham nổi cả một bầy cháu. Vốn hoạt bát, không chịu cảnh mắm muối dưa cà nên Nhung lại đến nhà dì, nhà cậu cũng là những kẻ bán lẻ ma tuý trong vùng, mua chịu ma tuý về bán.

Nhung lúc này đang học lớp 6 nhưng từ lâu chỉ đến trường để điểm danh. Sau biến cố mẹ chết, Nhung chính thức nghỉ học và tiếp quản công việc bố mẹ còn dang dở.

Hàng ngày, Nhung đón xe khách ra tỉnh ngoài mua ma tuý về giao cho các em chia thành gói nhỏ, sau đó mang ra vườn, hốc cây cất giấu. Mỗi khi nhận ra ám hiệu cần hàng của con nghiện, Nhung ra nhận tiền, chỉ chỗ để ma tuý hoặc nhờ các em cầm ra.

Như một cái vòng luẩn quẩn, đã làm ăn phi pháp là phải tìm cách che chắn, với Nhung cũng vậy. Học các dì, các cậu và theo kinh nghiệm của bố mẹ để lại, Nhung khá lọc lõi trong việc bán lẻ ma tuý. Nhà Nhung trở thành tụ điểm bán lẻ ma tuý do trẻ con thực hiện.

Chưa đủ tuổi kết hôn, Nhung đã lấy chồng, một người không nghề nghiệp, lúc nào cũng như thiếu sức sống nhưng dù gì thì cũng được một việc là giúp Nhung mang bầu. Có chiếc bụng bầu làm lợi thế, Nhung đi mua ma tuý đem về chia lẻ bán cho con nghiện.

Giống như mẹ mình, Nhung cũng xây tường kiên cố bao quanh nhà, mọi trao đổi mua bán chỉ diễn ra ở ô vuông nhỏ nơi cánh cổng. Khi con gái lớn, Nhung cũng sử dụng con làm phương tiện đưa ma tuý còn mình chỉ việc nhận tiền.

Tuy nhiên, Nhung không được như mẹ là liên tiếp có bầu, sinh con vì chồng cô ta quá yếu, cô nàng chỉ mua bán ma tuý được một thời gian. Đến khi con gái lớn, Nhung cũng dạy con cách đóng gói ma tuý, cách đưa “hàng” cho con nghiện.

Tháng 1- 2011, Nhung bị bắt khi đang bán ma tuý nhưng lợi dụng được cho về khám bệnh đã bỏ trốn. Bị truy nã toàn quốc, Nhung sống chui lủi nhưng vẫn không bỏ nghề bán ma tuý để rồi khi bị bắt, cô ta đã kịp mang bụng bầu to tướng mà tác giả chỉ là đám con nghiện vãng lai, vì chồng Nhung đã chết trước đó.

Nhắc tới đứa con gái mới học lớp 2, Nhung rơm rớm nước mắt. Cô bảo lo sợ con gái mình sẽ lại đi theo vết xe đổ của mẹ, của ông bà ngoại. Điều ấy rất dễ xảy ra bởi chồng chết, bản thân Nhung thì tù tội nên con gái sẽ tới nhà các ông bà trẻ tá túc. Họ cũng sống bằng nghề bán lẻ ma tuý, người này vào tù, người kia ra lại tiếp tục con đường tội lỗi.

Hàng ngày, chứng kiến cảnh mua bán ma tuý, con gái Nhung rất khó vượt qua được cạm bẫy kiếm tiền. Nghĩ tới viễn cảnh ấy, Nhung oà khóc, nước mắt chảy tràn trên khuôn mặt trẻ nhưng đã phải trải qua quá nhiều va vấp.

Cô bảo cách tốt nhất để cách ly con gái với môi trường ma tuý là sau khi mãn hạn tù, sẽ về đưa con rời quê đi nơi khác làm ăn kiếm sống. Cái giá của đồng tiền kiếm từ ma tuý phải trả bằng cuộc đời quá trẻ của cô như vậy là quá đủ.

Theo Thu Nguyễn - Ngọc Linh
Pháp luật&Xã hội

Theo Tổng hợp
MỚI - NÓNG