Có bất thường khi công khai ngân sách Việt Nam xếp vào nhóm cuối?

TP - Công bố phần lớn tài liệu liên quan đến ngân sách nhà nước, nhưng Việt Nam vẫn bị xếp ở nhóm cuối trên bảng xếp hạng Chỉ số Công khai Ngân sách (OBS) do tổ chức Hợp tác Ngân sách quốc tế (IBP) khảo sát. Vì sao vậy? Chuyên gia kinh tế cao cấp IBP Joel Friedman trả lời riêng Tiền Phong về việc này.
Có bất thường khi công khai ngân sách Việt Nam xếp vào nhóm cuối? ảnh 1

Ông Joel Friedman

Minh bạch không phải để lấy điểm

Ông đánh giá thế nào về kết quả khảo sát tại Việt Nam?

Việt Nam là trường hợp rất bất thường. Công khai tới 5 trên 8 tài liệu ngân sách, nhưng chỉ có được 19 điểm trong thang điểm 100; nằm trong nhóm có số điểm thấp nhất (nhóm quốc gia không công khai hoặc chỉ công khai 1 tài liệu ngân sách). Ngược lại, có những nước công bố ít tài liệu, nhưng lại được điểm rất cao. Tài liệu có hệ số điểm quyết định là dự thảo ngân sách.

Đây là tài liệu quan trọng nhất trong khảo sát của chúng tôi. Bởi vì tài liệu này cho biết chính phủ có kế hoạch chi ngân sách như thế nào, tăng thu ra sao. Tức, người dân có thể thảo luận, thậm chí tranh luận trước khi đưa ra Quốc hội quyết định.

Tài liệu này chiếm đến hơn một nửa câu hỏi của cuộc điều tra. Các lần khảo sát gần đây tại Việt Nam (2006 đến 2012), Việt Nam không công khai chi tiết dự thảo ngân sách, nên điểm thấp.

Vừa rồi, tổ chức của ông gửi kết quả này tới các cơ quan chức năng Việt Nam? Phản ứng của các cơ quan này đến nay thế nào?

Trước đó, trong buổi giới thiệu công cụ theo dõi khảo sát và công khai ngân sách do IBP và CDI tổ chức, tư vấn cao cấp Đỗ Thị Bích Thủy (Tổ chức Phát triển Cộng đồng -CECEM) kể lại câu chuyện trong xây dựng nông thôn mới: “Nơi cần xây cầu lại đi xây nhà văn hóa“.

Chúng tôi đã gửi tài liệu tới đại diện Bộ Tài chính, cơ quan nhà nước và Quốc hội. Lần này, chúng tôi sang Việt Nam để giải thích mối quan hệ giữa cuộc khảo sát đối với hiệu quả việc công khai, minh bạch ngân sách.

Họ cho biết đáng ra Việt Nam phải nhận được điểm cao hơn. Song chúng tôi nói rằng, điều quan trọng là Việt Nam không công khai chi tiết dự thảo ngân sách và đó là lý do Việt Nam có điểm thấp.

Chúng tôi cũng giải thích vì sao nói trường hợp Việt Nam bất thường và đây là cơ hội để thay đổi về tính công khai, minh bạch dự toán ngân sách.

Trước đây, khảo sát có đem lại tác dụng cụ thể đối với quốc gia nào khác không, thưa ông?

Tổng kết lại cho thấy có 24 nước có số điểm tăng mạnh sau mỗi lần khảo sát. Như Honduras, Afganistan hay một số quốc gia tại Tây Phi đều có sự cải thiện rõ rệt và điểm trên 40. Ở đây, chúng tôi không nghĩ các quốc gia này cải thiện sự minh bạch ngân sách chỉ để lấy điểm cao hơn, mà thực tế họ có rất nhiều lợi ích trong việc này.

Chúng tôi nghĩ việc công khai, minh bạch ngân sách sẽ mang lại nhiều hiệu quả và tác động tích cực tới nền kinh tế cho bất cứ nước nào. Qua nhiều kênh tuyên truyền kết quả, trong đó có truyền thông, chính phủ sẽ để ý nhiều hơn đến việc công khai, minh bạch ngân sách.

Có bất thường khi công khai ngân sách Việt Nam xếp vào nhóm cuối? ảnh 2

Mặc dù được đầu tư hàng trăm tỷ đồng, nhưng sân vận động Hoài Đức (Hà Nội) thiếu cơ chế khai thác hiệu quả. Ảnh: Hà Anh

Giảm chi tiêu tốn kém

Đang có hiện tượng đầu tư công ở Việt Nam tràn lan và thiếu hiệu quả, vậy công khai ngân sách sẽ có tác động như thế nào đến việc này?

Tôi nghĩ rằng việc công khai, minh bạch ngân sách sẽ giảm sự chi tiêu tốn kém không cần thiết, mà sẽ hiệu quả hơn và thực tế hơn. Khi đó, chi cho đầu tư công sẽ đúng với những gì nó cần. Có thể nói rằng đầu tư công là một phần quan trọng của ngân sách. Luôn đặt câu hỏi quyết định làm sao để chi tiêu công công khai hơn nữa và cụ thể hơn, thì mới nhận được kết quả tốt từ việc đầu tư công.

Thời gian tới, ông có hoạt động nào khác liên quan đến ngân sách Việt Nam?

Tại Việt Nam, ngoài thực hiện OBS với Trung tâm Phát triển và Hội nhập (CDI), chúng tôi còn phối hợp làm công cụ trực tuyến theo dõi minh bạch ngân sách (OBS Tracker).

OBS Tracker cung cấp thông tin về việc liệu chính phủ có công bố các tài liệu ngân sách quan trọng cho công chúng hay không. Việt Nam là một trong 30 quốc gia có trong danh sách ban đầu của OBS Tracker - nhóm có thứ hạng công khai ngân sách thấp nhất theo OBS.

Ông có thể giải thích cụ thể hơn về mục đích của OBS?

OBS đo lường mức độ minh bạch ngân sách quốc gia, được thực hiện hai năm một lần.

Cuộc khảo sát gồm 125 câu hỏi được thực hiện bởi các tổ chức nghiên cứu độc lập tại hơn 100 quốc gia. Đa số câu hỏi liên quan đến việc công bố ngân sách và trách nhiệm giải trình 8 tài liệu ngân sách chính phủ cần công bố tại nhiều thời điểm trong chu kỳ ngân sách.

Một số câu hỏi khác liên quan đến cơ hội cho các bên công chúng tham gia trong suốt chu trình ngân sách, cũng như vai trò các nhà làm luật, các tổ chức giám sát, kiểm toán ngân sách. Hai năm một lần, khi có kết quả, chúng tôi cung cấp để các tổ chức xã hội, truyền thông công bố và đưa ra những lời khuyên cho chính phủ sở tại.

Cảm ơn ông!

Joel Friedman là Phó Chủ tịch Chính sách Tài khóa Liên bang thuộc Trung tâm Ngân sách và Chính sách ưu tiên Mỹ (CBPP) đảm trách các vấn đề ngân sách liên bang và thuế.

Trước đây, ông này có 6 năm làm việc tại Ủy ban Ngân sách Thượng viện Mỹ (2006-2012), phụ trách các vấn đề chính sách thuế và thu nhập. Trước đó, Joel Friedman làm cố vấn cho Bộ Tài chính Nam Phi về cải cách ngân sách.

MỚI - NÓNG
Kiểm toán Nhà nước cảnh báo dấu hiệu mất an toàn tài chính tại một số doanh nghiệp
Kiểm toán Nhà nước cảnh báo dấu hiệu mất an toàn tài chính tại một số doanh nghiệp
TPO - Kiểm toán Nhà nước (KTNN) chỉ ra những thiếu sót, bất cập, đồng thời đưa ra khuyến nghị giúp các tập đoàn, tổng công ty nhà nước hoàn thiện, nâng cao hiệu quả quản lý tài chính công, tài sản công. Đáng chú ý, KTNN cũng cảnh báo một số doanh nghiệp có dấu hiệu mất an toàn về tài chính.
Năm học 2023-2024, Hà Nội được bổ sung 2.648 biên chế giáo dục.
Hà Nội thiếu hơn 16.000 biên chế giáo dục
TPO - Số biên chế sự nghiệp giáo dục của thành phố Hà Nội thiếu so với định mức do Bộ Giáo dục và Đào tạo quy định là 16.004 người. Năm học 2023- 2024, thành phố đề nghị được giao thêm 8.939 biên chế khối giáo dục nhưng chỉ được bổ sung 2.648 biên chế.