Hành động “giết” điện ảnh?
Đáng nói “Cô Ba Sài Gòn” không phải bộ phim Việt đầu tiên và duy nhất bị khán giả ngang nhiên quay trộm. Có thể điểm mặt một số bộ phim Việt từng vướng vấn nạn này khiến dư luận bức xúc, những người làm phim đau đầu. Sau 5 ngày đầu công chiếu, “Xóm trọ 3D” do NSND Hồng Vân sản xuất đã bị quay lén, khiến chị lên tiếng trên trang cá nhân: “Mọi người ơi để làm ra một tác phẩm cả 100 con người phải vắt kiệt sức lực, đổ mồ hôi thậm chí cả máu và nước mắt!!! sao bạn lại có thể cướp công sức của bao nhiêu con người bằng hành động quay lén như vậy”. Trước đó, bộ phim “Em chưa 18”, trong 3 ngày chiếu sớm, cũng đã bị một số khán giả livestream ngay trong rạp, nhà sản xuất Charlie Nguyễn bức xúc: “Tôi thật sự cảm thấy buồn vì ý thức của những bạn trẻ này. Không chỉ nói riêng cho bộ phim và việc phạm luật, những gì họ đang làm sẽ gây ra một hậu quả tiêu cực cho cả nền điện ảnh mà trong đó họ làm khán giả”…
Lần này, thủ phạm livestream “Cô Ba Sài Gòn” tiếp tục là một người trẻ có tên Nguyễn V. Tr, 19 tuổi, sinh viên một trường Cao đẳng ở Bà Rịa-Vũng Tàu. Trong bản tường trình, Tr. cho biết, đã cùng bạn gái đi xem phim ở rạp Lottle, phường 8, thành phố Vũng Tàu, rồi dùng Iphone 7 của bạn gái livestream cảnh phim “Cô Ba Sài Gòn” lên trang Phim+ trên mạng xã hội, trang này do Tr. và một người bạn quản trị. Nhiều người bày tỏ thất vọng: Sinh viên mà ý thức kém vậy sao? Có người cảm thấy khó hiểu với một bộ phận giới trẻ bây giờ: “Đám trẻ bây giờ sống khác và lạ lắm”. Khi phát tán phim trên mạng, Tr. kêu mọi người vào xem mau, kẻo bị xóa, tức là chàng trai trẻ này cũng ý thức phần nào về việc làm “lệch chuẩn” của mình. Tại sao biết sai vẫn cố làm, phải chăng là vì mê câu like, tăng view, “bệnh sống ảo” đã nặng?... Ngay cả khi nhà sản xuất Ngô Thanh Vân dùng tài khoản cá nhân của mình năn nỉ anh chàng ngừng phát tán phim cũng không xong: “Em ơi, đừng làm vậy! Hãy để khán giả ra rạp xem em ơi”; “Em làm vậy thì em đang giết phim Việt đó”. Sau đó nhà sản xuất đã bày tỏ sự thất vọng tràn trề trên trang cá nhân: “Tôi cảm thấy bất lực trước ý thức của những người trẻ xem phim. Tôi đang khóc cho thành quả lao động của ekip của mình (…). Có lẽ đây là phim cuối cùng tôi sản xuất”.
Khó kiểm soát một khi “thượng đế” cố tình
Khi vụ livestream “Cô Ba Sài Gòn” nổ ra, có một số khán giả cho rằng: Nên lưu ý trách nhiệm quản lí của rạp chiếu phim bởi “trộm vào nhà lấy cắp thì cũng cần qui trách nhiệm của chủ nhà: Sao lại để trộm vào nhà?”. Về vấn đề này, bà Ngô Thị Bích Hiền, đại diện đơn vị phát hành phim “Cô Ba Sài Gòn”, chia sẻ với TPCN như sau: “Tại tất cả các cụm rạp nói chung và của BHD Star nói riêng (cụm rạp chiếu Cô Ba Sài Gòn- PV), đã có thông báo bằng nhiều cách đến với khách hàng qua việc đặt bảng quy định trước quầy soát vé, chiếu các thông báo nghiêm cấm việc sử dụng các thiết bị ghi hình, ghi âm trong rạp, cử nhân viên giám sát trong phòng chiếu… Tuy nhiên đối với ý thức của một số khán giả chưa cao, chỉ nhằm vào mục đích câu view, like, sống ảo… đã cố tình phớt lờ những qui định trên để tiếp tục vi phạm thì cũng rất khó kiểm soát. Đặc biệt, với những khách hàng đã có mục đích quay lén ngay từ đầu thì họ sẽ càng chuẩn bị nhiều dụng cụ hỗ trợ tinh vi để chống việc phát hiện quay lén như giảm độ sáng hoặc che màn hình điện thoại, giấu camera loại mini…”. Bà Ngô Thị Bích Hiền cho rằng, hiện nay phần lớn các bạn trẻ rất có ý thức về vấn đề bản quyền, hiểu rất rõ để có một tác phẩm nghệ thuật, bao nhiêu người đã phải bỏ công sức… Song bên cạnh đó vẫn còn một bộ phận giới trẻ ngu ngơ với quy định pháp luật về bản quyền. Bà Bích Hiền kể câu chuyện “cười ra nước mắt”: “Có bạn còn hồn nhiên livestream phim trong rạp rồi tag (đánh dấu tên) đạo diễn hay diễn viên thần tượng của họ trong phim và chia sẻ một cách tự hào là các em đang xem phim của thần tượng đây”.
Khi nhận được thông báo “Cô Ba Sài Gòn” bị phát tán bừa bãi, nhà sản xuất phim Ngô Thanh Vân đã cùng đại diện đơn vị phát hành phim và luật sư đến gặp phòng an ninh chính trị nội bộ (PA83), Công an tỉnh Bà Rịa Vũng Tàu để trình bày sự việc và gửi đơn kiện. Bà Ngô Thị Bích Hiền cho biết: “Hiện nay công an đang làm việc và sẽ thông tin lại cho chúng tôi khi có kết quả”. Quanh chuyện đền bù thiệt hại khi phim bị quay lén, có nhiều khán giả góp ý: Cứ nhân tiền vé với lượng người đã xem livestream trên mạng, ra một số tiền, bắt đối tượng quay lén phải bồi thường là xong. Theo bà Ngô Thị Bích Hiền, nếu tính thiệt hại bằng cách đơn giản như vậy thì chưa đủ ra thiệt hại kinh tế cùng những tổn thất khác mà nhà sản xuất, đơn vị phát hành phải gánh chịu: “Thực tế có những thiệt hại không thể tính ra tiền như việc chúng tôi mất rất nhiều nhân viên chỉ để trong thời gian phát hành cứ 10 phút lại một lần tìm trên mạng xem có ai đang đưa phim lên mạng hay không, nếu thấy thì phải mất rất nhiều thời gian tìm cách liên hệ với các em để giải thích, đôi khi năn nỉ các em xóa phim. Ở rạp mất rất nhiều nhân viên phải đi các phòng chiếu để kiểm tra xem có ai đang quay phim hay không… Và điều quan trọng nhất là làm tinh thần của toàn bộ những người sản xuất phim rất lo lắng, ảnh hưởng rất nhiều tới tâm trạng khi phát hành phim”. Sau ồn ào quay lén “Cô Ba Sài Gòn”, nhà sản xuất Ngô Thanh Vân kêu gọi khán giả yêu điện ảnh: “Nói không với livestream trong rạp chiếu phim”. Kêu gọi là vậy nhưng slogan “cửa miệng” của giới trẻ bây giờ là: “Mình thích thì mình làm thôi”.