Người livestream 'Cô Ba Sài Gòn' có phải đối mặt với án hình sự?

TPO - Liên quan đến bộ phim "Cô Ba Sài Gòn" bị quay lén livestream trên mạng xã hội gây xôn xao dư luận vừa qua, luật sư cho rằng dù có hay không mục đích phát tán nội dung đã quay lên các trang mạng xã hội thì đây đều là hành vi vi phạm pháp luật.  

PV có cuộc trao đổi với luật sư Trương Anh Tú – Đoàn Luật sư TP Hà Nội xung quanh vấn đề này.

Theo luật sư việc người quay lén, livestream bộ phim chiếu ở rạp sẽ bị xử lý ra sao?

Theo qui định của pháp luật hiện hành, trường hợp người quay lén, livestream dù có hay không mục đích phát tán nội dung đã quay lên các trang mạng xã hội thì đây đều là hành vi vi phạm pháp luật.

Trong các rạp chiếu phim, khán giả khi xem phim đều được phổ biến quy định không sử dụng các thiết bị ghi hình, điện thoại. Việc quay lén trong rạp chiếu phim trước tiên đã vi phạm quy định, nội quy của rạp chiếu phim. Việc này sẽ bị xử phạt theo quy định của rạp chiếu phim đó. Trường hợp người quay lén dù có hay không mục đích phán tán nội dung đã quay lên các trang mạng xã hội thì đây đều là hành vi vi phạm pháp luật và có thể bị xử lý theo từng trường hợp cụ thể như sau.

- Về trách nhiệm hành chính: Hành vi quay lén trong rạp chiếu phim đã xâm phạm quyền sao chép bản ghi âm, ghi hình. Căn cứ theo Điều 27 Nghị định 131/2013/NĐ-CP Quy định xử phạt vi phạm hành chính về quyền tác giả, quyền liên quan hành vi này sẽ bị phạt tiền từ 15.000.000 đồng đến 35.000.000 đồng đối với hành vi sao chép bản ghi âm, ghi hình mà không được phép của chủ sở hữu quyền của nhà sản xuất bản ghi âm, ghi hình. Biện pháp khắc phục hậu quả là buộc dỡ bỏ bản sao bản ghi âm, ghi hình dưới hình thức điện tử, trên môi trường Internet và kỹ thuật số hoặc buộc tiêu hủy tang vật vi phạm đối với hành vi xâm phạm quyền sao chép, ghi âm hình như trên.

- Về trách nhiệm hình sự: Người có hành vi quay lén trong rạp chiếu phim còn có thể bị xử lý hình sự nếu có mục đích thương mại theo Điều 170a Bộ luật Hình sự năm 1999 sẽ được thay thế bởi Khoản 1 Điều 225 Bộ luật Hình sự năm 2015:

“Người nào không được phép của chủ thể quyền tác giả, quyền liên quan mà cố ý thực hiện một trong các hành vi sau đây, xâm phạm quyền tác giả, quyền liên quan đang được bảo hộ tại Việt Nam, thu lợi bất chính từ 50.000.000 đồng đến dưới 300.000.000 đồng hoặc gây thiệt hại cho chủ thể quyền tác giả, quyền liên quan từ 100.000.000 đồng đến dưới 500.000.000 đồng hoặc hàng hóa vi phạm trị giá từ 100.000.000 đồng đến dưới 500.000.000 đồng, thì bị phạt tiền từ 50.000.000 đồng đến 300.000.000 đồng hoặc phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm:

- Sao chép tác phẩm, bản ghi âm, bản ghi hình;

- Phân phối đến công chúng bản sao tác phẩm, bản sao bản ghi âm, bản sao bản ghi hình”.

- Về trách nhiệm dân sự: Người thực hiện hành vi trái pháp luật gây thiệt hại thì phải bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng theo qui định trong trường hợp bên bị thiệt hại khởi kiện yêu cầu bồi thường.

Như vậy, đối với trường hợp nếu xác định việc quay lén trong rạp chiếu phim để cho bản thân lưu lại hoặc cho bạn bè xem, “livestream” với mục đích “câu like”, “câu view”, nếu bị phát hiện sẽ bị xử phạt vi phạm hành chính. Chưa có bất kỳ dấu hiệu nào về việc quay lén trên nhằm vào mục đích “thương mại” mua bán nhiều sản phẩm, nhiều lần nhằm thu lợi bất chính nên chưa có dấu hiệu tội phạm, nên sẽ không bị xử lý hình sự.

Việc pháp luật quy định xử phạt đối với hành vi quay lén trong rạp chiếu phim như trên không chỉ giúp bảo vệ quyền tác giả của những nhà làm phim, bảo vệ giá trị đích thực của phim đồng thời nhằm răn đe những người có hành vi không đúng quy định pháp luật.

Người livestream 'Cô Ba Sài Gòn' có phải đối mặt với án hình sự? ảnh 1 Hình ảnh phim được phát tán trên mạng.

Fanpage mà người quay lén đăng tải livestream bộ phim có bị xử lý hay không?

Đối với người dùng Facebook, việc hiểu biết pháp luật còn hạn chế, thiếu hiểu biết về bản quyền tác giả, đại đa số chưa được ý thức cao nên có nhiều hành vi vi phạm mà không cần suy nghĩ, đắn đo. Đối với chủ của các trang fanpage có duyệt đăng hành vi phạm sẽ bị xử lý vi phạm hành chính theo Nghị định số 174/NĐ-CP ngày 13/11/2013 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bưu chính, viễn thông, công nghệ thông tin và tần số vô tuyến điện với hình thức phạt tiền.

Theo đó, hành vi: “Không thực hiện các biện pháp cần thiết để ngăn chặn việc truy nhập thông tin hoặc loại bỏ thông tin trái pháp luật theo yêu cầu của cơ quan nhà nước có thẩm quyền khi truyền đưa hoặc cho thuê chỗ lưu trữ thông tin số;” (điểm b khoản 3 Điều 66) sẽ bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng

Tuy nhiên, cần ban hành các văn bản quy định pháp luật chi tiết hơn đối với các hành vi vi phạm trên mạng xã hội, cần tăng mức xử phạt vi phạm hành chính, tăng tiền phạt vi phạm và cần nghiêm khắc, triệt để hơn trong việc xử lý hành vi vi phạm. Các cơ quan chức năng cần thụ lý đơn khiếu nại, tố cáo của các cá nhân, tổ chức một cách nghiêm túc, nhanh chóng và hiệu quả nhằm tạo sức răn đe cho người vi phạm.

Một cơ quan, tổ chức, cá nhân nào đó chấp nhận sử dụng fanpage cần phải bảo đảm thông tin của mình, có thể phải sử dụng biện pháp kỹ thuật hoặc dùng nhân sự để kiểm soát. Về mặt kỹ thuật, admin (quản lý) fanpage có quyền duyệt thông tin bình luận trước khi các nội dung đó được cho phép đăng tải trong mục bình luận, phản hồi.

Tuy nhiên, do mạng xã hội là trang cho phép ẩn danh tính nên người dùng có thể sử dụng các thông tin ảo rất khó để các Chủ fanpage kiểm duyệt thông tin trước khi cho phép đăng nhập. Hơn nữa, không phải lúc nào các Chủ fanpage cũng thường xuyên “ngồi canh” thông tin của mình sau khi đăng. Vì vậy rất khó kiểm soát được việc người dùng Facebook đăng tải các thông tin có nội dung vi phạm pháp luật về quyền tác giả, quyền sở hữu trí tuệ.

Trong trường hợp nhà sản xuất phim “Cô Ba Sài Gòn” mời Công an vào cuộc thì đánh giá như thế nào?

Như trên đã phân tích, pháp luật hiện hành có qui định các mức xử phạt khác nhau cho hành vi quay lén và phát tán phim. Phổ biến nhất là xử phạt vi phạm hành chính bằng cách phạt tiền, tịch thu tang vật, nhưng mức độ còn quá nhẹ, không đủ sức răn đe.

Về xử lý vi phạm dân sự, chủ sở hữu có thể khởi kiện theo quy định nhưng thường các vụ kiện sẽ kéo dài rất lâu và khi có kết quả thì thiệt hại cũng đã rất lớn. Khung hình phạt cao nhất là yêu cầu xử lý hình sự. Tuy nhiên, cho đến nay tôi nhận thấy có một thực tế phổ biến là chưa từng có vụ việc nào tương tự như trên xử lý hình sự vì hình thức này đòi hỏi bên nguyên đơn (chủ bản quyền) phải chứng minh được quy mô thương mại của vi phạm bản quyền.

Xin cảm ơn luật sư!

MỚI - NÓNG
Vang mãi khúc quân hành
Vang mãi khúc quân hành
TPO - Ngày 14/12, Học viện Kỹ thuật Quân sự tổ chức Ngày hội văn hóa và chương trình nghệ thuật “Vang mãi khúc quân hành” thiết thực hướng tới chào mừng kỷ niệm 80 năm Ngày thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam và 35 năm Ngày hội Quốc phòng toàn dân.