Cô Ba Sài Gòn: Thú vị vì 'xuyên không'?

NSND Hồng Vân trong vai kẻ nghiện rượu.
NSND Hồng Vân trong vai kẻ nghiện rượu.
TP - Phim đi vào một đề tài khó: Tôn vinh chiếc áo dài Việt Nam. Đã thế, lại chuyển tải câu chuyện khiến người ta liên tưởng đến một thông điệp cũ: “Cá không ăn muối cá ươn…”. Nhưng bất ngờ ở chỗ “đứa con cưng” của nhà sản xuất Ngô Thanh Vân lại dễ xem, vui vẻ và  thấm thía…

No mắt nhờ rừng mỹ nhân

Cô Ba Sài Gòn chẳng có cảnh nóng nào, thậm chí vắng hoe  chiếc hôn trai gái. Thế mà khán giả  chịu được. Bởi có những “món ” khác bù vào. Có lẽ, hiếm bộ phim Việt nào quy tụ dàn mỹ nhân mơ ước như “Cô Ba Sài Gòn”. Nào người đẹp không tuổi Thủy Hương, vốn rất ít xuất hiện không chỉ trên phim ảnh, lại vừa mới sinh con ở tuổi ngũ tuần, rồi Diễm My “Hoa hậu ảnh lịch” một thời, Kim Thư, người đẹp nóng bỏng ngày nào… Vai chính được giao cho Ninh Dương Lan Ngọc. Bên cạnh đó là những Diễm My 9x, Ngô Thanh Vân, Hà Anh… đều là những mỹ nhân tên tuổi trong làng giải trí ta hiện nay.  Nhân vật tự nhận mê đắm áo dài,  MC Trác Thúy Miêu cũng góp mặt

Dù quy tụ rừng mỹ nhân nhưng “Cô Ba Sài Gòn” không là cuộc trình diễn của những “bình hoa di động”. Sự xuất hiện dù thoảng qua của bất kể nhân vật nào, như Thủy Hương, Hà Anh chẳng hạn, đều không đến nỗi tệ. Diễn viên chính, Nương trong “Cánh đồng bất tận” hôm nào, giờ  hóa thành một cô nàng xinh đẹp, kiêu ngạo, tài năng cạnh tranh với  một Diễm My 9x quyền lực, lạnh lùng. Ngay đến người đẹp khi xưa thường bị chê nhạt nhẽo về diễn xuất  như Diễm My , “Hoa hậu ảnh lịch” một thời, qua phim này càng chứng tỏ một điều: Có những người đẹp chỉ thực sự thành diễn viên khi mùa nhan sắc rực rỡ trôi qua…

Duy nhất một nghệ sỹ vào phim không để câu khách bằng thị giác là NSND Hồng Vân. Nhưng vai diễn của chị lại ghi nhiều dấu ấn hơn cả. Chẳng còn vết tích của bà phó Đoan lẳng lơ trong “Số đỏ” trên sàn diễn, với “Cô Ba Sài Gòn” Hồng Vân vào vai một kẻ nghiện rượu, xấu xí, già nua, trạng thái tâm lí phức tạp: Khi đau khổ, khi bất cần, khi hoan hỉ như trẻ thơ… Chị nhập tâm đến mức hoặc gây cười, hoặc khiến người xem phải cùng rưng rưng.

Trường hợp đáng tiếc có lẽ là Ngô Thanh Vân. Giá như nữ diễn viên kiêm nhà sản xuất này bớt trẻ, bớt đẹp có khi lại tốt hơn khi vào vai bà chủ nhà may nghiêm khắc, lúc nào cũng lù rù cặp kính, có cô con gái nổi loạn ghét áo dài, mê âu phục do Ninh Dương Lan Ngọc thủ vai. Dù có hóa trang, dù có cố chững chạc thì “cặp mẹ con” Ngô Thanh Vân- Ninh Dương Lan Ngọc vẫn khiến một vài khán giả cười và bình: “Mẹ gì mà trẻ thế!”.

Cô Ba Sài Gòn: Thú vị vì 'xuyên không'? ảnh 1 “Hai mẹ con” Ngô Thanh Vân-Ninh Dương Lan Ngọc trong phim.

Mượn “cỗ máy thời gian” của Doraemon?

Đây là một bộ phim dự báo sẽ ăn khách vì được nhiều người tán thưởng dễ xem và phù hợp với nhiều đối tượng khán giả ở các độ tuổi khác nhau. Nếu vừa “điểm huyệt” được nhu cầu thị trường vừa truyền tải được thông điệp có tính giáo dục thì đó sẽ là thành công đáng hoan nghênh của “Cô Ba Sài Gòn”. 

Ở tầng nghĩa dễ nhận thấy nhất, phim tôn vinh chiếc áo dài.  Nhưng hiểu theo nghĩa rộng hơn, phim bảo vệ và tôn vinh những giá trị truyền thống trong đời sống hiện đại.  Một cô gái căm ghét áo dài, không chịu học may áo dài để nối nghiệp gia đình, chỉ say mê âu phục thời thượng, đã chịu sự trừng phạt nặng nề khi tuổi già cô đơn, túng thiếu, mất cả chốn dung thân, bản thân rơi vào nghiện ngập… Thoạt qua có vẻ giống câu ca các mẹ hay dùng để răn con: “Cá không ăn muối cá ươn/ Con cãi cha mẹ trăm đường con hư”. Cũng  có khán giả xem xong phim bình: Phim làm hơi quá. Không thích áo dài, thích âu phục có làm sao. Cứ để cô ấy theo con đường  cô ấy chọn, việc gì cứ phải “rộn” lên với áo dài. Nói thế thì đã chẳng có “Cô Ba Sài Gòn”. Nhưng xem phim theo công thức “1 với 1 là 2” như vậy, cũng là một thiệt thòi của người thưởng thức. Tham vọng chuyển tải thông điệp của những người làm phim có lẽ không dừng ở áo dài. Chắc còn một thông điệp chìm mà “Cô Ba Sài Gòn” gửi gắm:   Đừng bao giờ đánh mất “ngày xưa”,  vì “nếu anh bắn vào quá khứ bằng súng lục thì tương lai sẽ bắn anh bằng đại bác” (Rasul Gamzatov)?

Ca ngợi vẻ đẹp của chiếc áo dài trong ca khúc, chưa ai vượt mặt sáng tác viết chung giữa Từ Huy- Thanh Tùng với những câu hát nâng tầm áo dài một cách thuyết phục:  “Thấy bóng áo dài bay trên đường phố/Sẽ thấy tâm hồn quê hương ở đó…”. “Cô Ba Sài Gòn” cũng sử dụng ca khúc “Một thoáng quê hương” trong phim, nhưng không  tôn vinh áo dài  bằng câu chuyện giàu chất thơ, chất nhạc mà lại kể bằng câu chuyện mang màu sắc Doreamon.  Các nhà làm phim quảng cáo: Đây là bộ phim “xuyên không”. Trong khi Như Ý, nhân vật chính, điên cuồng chống đối việc phải  học may áo dài nối nghiệp dòng họ,  thì xoẹt một cái cô đã “bốc khói” bay thẳng  từ năm 1969 sang năm 2017, lơ ngơ, hốt hoảng giữa dòng người và xe của một Sài Gòn náo nhiệt.   Nhờ chiêu “xuyên không” nên Như Ý của năm 1969 có cơ hội gặp lại bà già nghiện rượu, chính là mình, ở 48 năm sau. Cô trách người đàn bà nghiện rượu đã đánh mất cơ ngơi của gia đình. Trong khi đó người đàn bà nghiện rượu  phẫn uất đáp trả: “Tao làm mất nhà, tao làm mất tiền, tao không nghe lời má… Nhưng mày nên nhớ, mày là tao, mày không thích áo dài, mày ghét nó mà, mày không coi nó ra gì…”. Cô gái đến từ năm 1969  nhận lỗi song vẫn không tiếc lời mạt sát  người đàn bà nghiện rượu, tức là mạt sát chính cô ở thời hiện tại: “Tôi căm thù áo dài, tôi không biết may một cái áo dài, nhưng tôi còn biết cố gắng, còn bà, bà là kẻ bỏ đi”.v.v. Doreamon chưa bao giờ dùng “cỗ máy thời gian” để gặp chính mình ở tương lai. Đây là một sáng tạo riêng của “Cô Ba Sài Gòn”. Nhờ thế mới có kiểu nhân vật “hai trong một”. Phim kết thúc có hậu: Như Ý bay từ năm 2017 trở về thực tại, năm 1969, nói với mẹ cô rằng, cô đã biết yêu áo dài và đã có thể tự may những bộ áo dài. Hai mẹ con nhảy nhót tưng bừng mừng thắng lợi.

“Cô Ba Sài Gòn” có thực sự ăn khách hay không vẫn phải chờ. Nhưng ít nhất cũng ghi nhận nỗ lực của các nhà làm phim đã cố gắng kinh doanh  trên một đề tài ý nghĩa: Tôn vinh áo dài, thay vì lợi dụng cảnh nóng hay bạo lực nhan nhản trên phim Việt hiện nay.

MỚI - NÓNG