“Nghiệp biển”
Hơn 30 năm nay chị Lê Thị Hà, thôn Hải Sơn, xã Hoằng Trường, huyện Hoằng Hóa (Thanh Hóa) gắn bó với nghề đi biển. Trải qua những con sóng khi lành, khi dữ đã tôi luyện cho chị bản lĩnh trước biển. Chẳng sợ khó khăn, chị chỉ mong sao mình luôn được khỏe mạnh để theo nghề.
“Tôi sinh gia trong gia đình nghèo có 5 anh, chị em. Người em trai duy nhất trong gia đình bị tật nguyền, bốn chị em gái còn lại trong gia đình khi nhỏ thì phụ bố mẹ các công việc gia đình, lớn hơn thì cùng bố đi biển”- chị Hà kể.
Chị Hà đi biển từ khi mới 15 tuổi. Năm 20 tuổi, chị lấy chồng rồi lần lượt sinh 5 người con nên phải nghỉ đi biển một thời gian. Không lâu sau đó, do cuộc sống khó khăn, chị Hà quyết định gửi con cho người thân rồi cùng chồng đi đánh lưới. Tính đến nay, chị Hà đã đi biển được gần 20 năm... Trong số những chuyến đi biển, có nhiều chuyến vợ chồng chị Hà gặp may mắn nên cá tôm đầy khoang. Dần dần điều kiện kinh tế của gia đình tốt hơn, các con được ăn học đủ đầy.
Cũng coi biển là công việc mưu sinh, chị Lê Thị Toàn (thôn Hải Sơn, xã Hoằng Trường) cũng gắn bó cuộc sống của mình với những chuyến vươn khơi cùng người thân. “Gắn bó bao đời với vùng biển này, nếu không phải vì mưu sinh cuộc sống, chẳng người phụ nữ nào lại mong muốn làm công việc nguy hiểm, chủ yếu dành cho đàn ông như thế”- chị Toàn nói.
“Phụ nữ ở đây có người đi biển còn giỏi hơn cả đàn ông. Trên mỗi chuyến đi biển, phụ nữ thường giúp việc thả lưới, kéo lưới, lo nấu cơm nước và làm những việc khác trên bè, nhưng khi không có chồng thì các bà cũng có thể cầm lái được”- anh Bình – chồng chị Toàn - cho biết.
Không nề hà các công việc nặng nhọc
Sóng dữ tạo nên bản lĩnh
Một lao động có thể kiếm được vài trăm nghìn một ngày mỗi chuyến đi biển. Nếu thu nhập ổn định có thể lo cho cuộc sống gia đình. Nhưng nghề biển bấp bênh, không ít khó khăn, có khi phải trả giá bằng cả mạng sống, dẫu vậy “Sống ở biển không đi biển thì còn biết làm nghề gì kiếm sống?”- chị Hà chia sẻ.
Mỗi chuyến ra khơi của ngư dân nơi đây thường bắt đầu từ 4 giờ sáng, nhưng những người phụ nữ đã phải dậy từ trước đó vài giờ đồng hồ để chuẩn bị ngư lưới cụ và cơm nước cho một ngày dài trên biển. Mãi đến trưa ngày hôm sau bè mới cập bờ để bán cá.
Mỗi khi nhắc tới những ngày đầu bước chân vào nghề, chị Hà không khỏi lắc đầu ngao ngán. Chị kể: Ngày đầu theo chồng đi biển, tôi say sóng đến nôn ra "mật xanh mật vàng". Vì sợ tôi rơi xuống biển lúc nào không hay nên chồng tôi phải dùng dây tời cột tôi vào bè.
Cái khó khăn lớn nhất của người mới tập đi biển là thế, cũng giống như say xe, người nào không chịu nổi thì bỏ nghề ngay từ ngày đầu ra khơi. Nhất là những ngày biển động, sóng cứ đánh con bè nghiêng ngả, những người phụ nữ trên bè đến đứng còn không vững thì nói gì đến chuyện thả lưới.
“Khổ nhất với những người phụ nữ đi biển là những ngày ở cữ. Toàn thân mệt mỏi, gặp nước biển mặn mà cảm giác lạnh sống lưng. Phải cố gắng chịu đựng để không bỏ nghề"- chị Bình, thôn Thành Xuân, xã Hoằng Trường cho biết thêm.
Dẫu vất vả là vậy, nhưng những người phụ nữ đi biển nơi đây vẫn mỉm cười coi đó là hạnh phúc khi được cùng chồng, con, người thân trên mỗi chuyến ra khơi.