Bấp bênh
Sau vụ đụng độ xô xát đổ máu giữa người giàu bao chiếm bãi biển Cái Cùng, xã Long Điền Đông (Đông Hải, Bạc Liêu) làm nhiều gia đình sống ven biển ngồi co ro. Bà Trần Thị Tám, 57 tuổi, ở chót bờ kênh xáng Cái Cùng than thở: “Mỗi năm, vài tháng có nghêu, cào kiếm cơm. Bị cấm đoán, đâm chém như vầy đói cả xóm”.
Trong cơn mưa lạnh bên rừng ngập mặn vài tốp trẻ con, phụ nữ…rình rình lội vô rừng, men ra phía bãi bồi tìm nghêu. Phía đối diện ngang kênh xáng Cái Cùng đã thành lập HTX nuôi nghêu, người giàu xí phần hết cả. Ông Nguyễn Hoàng Dũng, ở ấp Cái Cùng, chỉ tay nói: “Phía bên kia, chính quyền cho thành lập HTX, cho thuê bãi rồi, dân không được cào nghêu nữa”.
“Xóm này có 56 hộ thường trú và 15 hộ tạm trú nhưng chỉ có 18 hộ có đất ở. Cuộc sống của bà con gắn liền với mùa sinh sản của cua, sò, ốc, cá… ven biển và rừng phòng hộ. Cuộc sống quẩn quanh khó mà thoát nghèo”.
Ông Lê Hoàng Cương
Vợ chồng ông Nguyễn Hoàng Dũng rời quê Giá Rai (Bạc Liêu) ra lập nghiệp tại cửa biển Cái Cùng gần 20 năm. Bây giờ, cả 6 người con của ông đã lớn, dựng vợ gả chồng với những người dân mưu sinh ven biển Bạc Liêu. Các con ông có gia đình riêng, nhưng khi đói khát thì cứ quay về, dựng nhà quanh phần đất còn trống trên rừng phòng hộ để ở. Vợ chồng ông Dũng bị tật, yếu ớt, chữ nghĩa nhấp nhem, bám vào rừng, vào biển kiếm sống.
Trong ngôi nhà gió lộng bốn bề, ông Nguyễn Hoàng Dũng kể: “Đời cha mẹ mò cua bắt ốc, giăng câu thả lưới hoặc làm mướn nên các con làm theo. Sinh con ra dễ nhưng nuôi dạy con để đổi đời không biết làm sao? Con gái, con trai lớn lên, làm bạn với bạn cùng cảnh ngộ, thành vợ thành chồng cũng nghèo khó như nhau, mong gì hơn. Nhìn mấy đứa cháu nội, ngoại đến tuổi đi học thấy lo thêm”.
Ông Phạm Văn Ghi, 58 tuổi, thông gia với ông Dũng, quê Bến Tre, đến kênh xáng Cái Cùng, sinh sống hơn chục năm. Ông Ghi kể: “Bà con ở đây chiếm đất cất nhà để ở, tiện vô rừng, ra biển kiếm sống. Người già làm lụng gần, trẻ nhỏ đi xa hơn. Mùa nào có con gì thì bắt con đó nếu không đi làm mướn cho ghe đi biển. Thời tiết thuận lợi, trúng mùa còn kiếm sống được, không thì đói”.
Cô con gái ông Dũng là Nguyễn Thị Chúc, 29 tuổi, có chồng, được 3 con, có 2 cháu đến tuổi đi học. Hằng ngày, vợ chồng chị Chúc mượn xuồng của người quen giăng lưới, thả câu bắt cá. Không mượn được xuồng thì lội vô rừng bắt cá kèo con, ốc len, vọp… để bán. Chị Chúc kể: “Ở đây, vay mượn tiền làm vốn khó lắm, thấy nghèo người ta không dám cho vay, có cho vay cũng bạc 30 phân (lãi suất 30%/tháng) thì sao trả nổi”.
Xóm nghèo
Trưa nắng, ông Nguyễn Văn Thanh, 40 tuổi, ở Cồn Nhàn, ấp Mù U, xã Dân Thành (Duyên Hải, Trà Vinh) kiểm tra lại mấy cái lú đánh bắt cá tôm hôm trước. Ông Thanh nói: “Hôm qua cả ngày lặn lội ngoài biển, kiếm được hơn 100.000 đồng. Sáng giờ, nghe tin bão, chần chừ chưa dám ra khơi. Ngồi trong nhà mà lòng cứ bồn chồn, lo không có gạo ăn”.
Trẻ em lên 10 tuổi cũng ra biển giăng lưới bắt tôm cá
Ông Thanh kể rằng, quê chính gốc của ông ở Tây Ninh, học chưa hết lớp 3, theo cha mẹ vô Cồn Nhàn kiếm sống từ năm lên 8 tuổi đến giờ. Vợ ông là người ở xã Đông Hải (Duyên Hải, Trà Vinh). Cha mẹ vợ cũng nghèo, có rể tha phương cầu thực nên dành dụm mua được 0,1 ha đất cồn để trồng hoa màu. Làm rẫy không đủ lo 4 miệng ăn nên ông bám víu ven biển kiếm sống lúc nông nhàn.
Các con của ông Thanh chạy chơi quanh xóm, quay về nhà giữa trưa, đầu tóc đỏ hoe, áo quần cũ xì, bày trò bắn đạn cu li với nhóm bạn xóm rẫy ven biển. Ông Thanh nói: “Con trai lớn Nguyễn Minh Tú, 10 tuổi, tới nay chưa đọc được chữ nào vì chưa chịu đi học. Còn con trai út Nguyễn Minh Tài, 8 tuổi, giỏi hơn, sắp tới học lớp 2”.
Bà Lê Thị Tuyết Mai, hàng xóm ông Thanh cho biết, từ đầu năm đến nay, bà đã dời nhà 2 lần để tránh biển xói lở. Hiện tại, căn nhà của bà cách đê biển chưa đầy 20m. “Tối ngủ nghe biển vỗ vào bờ ầm ầm, trong lòng lo sợ không biết hà bá nuốt chửng lúc nào”, bà Mai tâm sự. Bà chỉ ra phía biển nói: “Trước đây nhà xa mấy trăm mét nhưng giờ biển lở lấn vô riết gần hết đất. Hàng phi lao trồng gần 10 năm nay để chắn sóng, nay nằm trơ gốc lên trời, gãy vụn sát mé biển”.
Hỏi chuyện những người dân sống trên Cồn Nhàn, bà con đang chạy ăn từng ngày, chưa có cách nào giảm nghèo, xóa đói và làm giàu. Bà Tuyết Mai nói: “Hằng ngày phải đối mặt với sóng biển, cơm áo gạo tiền, chưa dám nghĩ xa”.
Bí thư Chi bộ ấp Mù U, ông Dương Hoàng Đủ cho biết, Cồn Nhàn có 87 hộ với 430 nhân khẩu sinh sống. Cả cồn trồng hơn 100 ha hoa màu, không đủ sống. Mấy năm gần đây, ngày càng khó khăn, dân mất đất, nhà, do sóng biển khoét sâu hơn 10m mỗi năm. Chính quyền địa phương đã dùng cơ giới để be đắp nhưng vẫn không hiệu quả vì sóng ngày càng cao hơn, dữ dội hơn.
Tựa vào nhau để sống
Chiếc đò máy chạy dọc ngang sông Đầm Chim hướng ra cửa biển Hố Gùi nơi có chòm nhà lá đơn sơ, nương tựa vào nhau, thuộc tổ tự quản số 7, ấp Hiệp Dư, xã Nguyễn Huân (Đầm Dơi, Cà Mau). Anh tài công lái đò dọc nói: “Cụm dân cư này là người tứ xứ đến sinh sống, chủ yếu là săn bắt, hái lượm nhưng gắn kết hay lắm”.
Bé Tâm ở cửa biển Hối Gùi (Ngọc Hiển, Cà Mau) lựa ốc len bắt được để nuôi bệnh cho cha
Ông Trần Văn Mực, 63 tuổi, cựu chiến binh từng trải ở tổ tự quản số 7, cho biết, hơn 20 hộ dân cố cựu, có đất cấp để làm rẫy nhưng nước mặn tràn vô, mất mùa nên bà con bỏ rẫy. Nhưng số hộ di cư đến ngụ cư, rồi tách hộ cho con đã lên đến 50 hộ. Ông Mực phân trần: “Nói thiệt, ai hỏi bà con vô rừng bắt con gì, ra biển giăng cá gì thì không ai trả lời đủ hết. Đại loại bắt con gì, lớn nhỏ bao nhiêu, miễn bán có tiền là bắt”.
Nước sông Đầm Chim chảy qua cụm dân cư tổ tự quản số 7 đêm về khuya, mưa rả rích, con trai ông Lê Hoàng Cương là Vũ Phong gọi trên nhà mang cái thau đựng cua con. Ánh đèn cảnh báo cho tàu bè trên sông của vô số lưới mành dùng bắt cua con, cá con… lấp lánh ngã ba sông Đầm Chim.
Phụ vợ bưng thau cua con lên nhà, ông Lê Hoàng Cương, tổ trưởng tổ tự quản số 7 giải thích: Loại cua con bằng hột me, hạt tiêu, hạt mè… gọi cua me, cua tiêu, cua mè… Cua con mới nở, nhìn không thấy phải nhướng mắt lên gọi cua nhướng”- ông Cương nói.
Phía cuối cụm dân cư tổ 7, ông Nguyễn Văn Phải có vỏ máy lớn chở vài chục người xuôi về hướng Tân Thuận (Đầm Dơi).
Bà Lê Thị Lợi, 64 tuổi, đi vỏ máy của ông Phải, có con trai, con dâu, cháu nội đều vào rừng bắt ốc. Con dâu của bà Lợi là Nguyễn Thị Đời còn cho con bú, thủ thỉ với mẹ chồng: “Thằng Cu Tý giật mình thức, chắc đói, sợ nó khóc quá!”. Bà Lợi an ủi con dâu: “Mày sợ gì, nó bú sữa bình quen rồi mà”.
Ông Nguyễn Sỹ Hùng mạnh tay, mạnh chân cầm lái vỏ máy chạy theo sông rạch chằng chịt, sâu vào rừng. Thỉnh thoảng, ông Hùng nghêu ngao mấy câu vọng cổ, chuyện tiếu lâm làm trò rồi thi thoảng ông lái vỏ vô bờ, thả vài người,… Ông Sỹ Hùng cho biết, công lái vỏ máy, chở bà con đi săn bắt được chủ vựa trả công tháng. Lúc đậu vỏ chờ, tranh thủ bắt được bao nhiêu kiếm thêm, nhưng không đi xa vì sợ mất vỏ máy.
Những chiếc vỏ máy chở bà con từ rừng về quần áo ướt, bùn đất bám đầy, ngồi chồm hổm lựa loại ốc, sò, cua… để cân, tính tiền, trừ xăng dầu. Cậu bé Nguyễn Văn Tâm, 15 tuổi, nhỏ thó, lép xẹp, ướt mèm, run bần bật lựa mớ óc len. Chị Trần Thị Hoa quay sang, phụ giúp và nói: “Tội nghiệp, đi bắt ốc có một mình, cha nó nằm bệnh viện, mẹ phải đi nuôi mấy ngày rồi!”.
Ông Lê Hoàng Cương tâm sự: “Người có vốn, đầu tư mua vỏ máy, bà con hùn tiền đổ xăng. Cái lợi của người có vốn cũng là cái lợi người nghèo, giảm chi phí nhưng được đi xa vài chục cây số để tìm cua, ốc, cá… Bà con nương nhau mà sống”.
(Còn nữa)