Chuyện về con tàu huyền thoại sau nửa thế kỷ

CCB Đặng Văn Hải (ngoài cùng bìa phải) cùng các CCB và thân nhân liệt sĩ tàu C235 thắp hương tưởng nhớ các liệt sĩ của tàu tại Khu di tích Hòn Hèo. Ảnh: Kiến Nghĩa.
CCB Đặng Văn Hải (ngoài cùng bìa phải) cùng các CCB và thân nhân liệt sĩ tàu C235 thắp hương tưởng nhớ các liệt sĩ của tàu tại Khu di tích Hòn Hèo. Ảnh: Kiến Nghĩa.
TP - Nửa thế kỷ trước, ngày 1/3/1968, trong tình thế bị địch bao vây, thuyền trưởng Nguyễn Phan Vinh đã hạ lệnh phá hủy tàu để giữ bí mật con đường vận chuyển vũ khí trên biển Đông của ta. Quanh con tàu huyền thoại này có những câu chuyện ấm áp tình đồng đội và thân nhân liệt sĩ sau nửa thế kỷ…

Tàu C235 nhìn từ bến Hòn Hèo

Gần đây, tôi có dịp gặp lại cựu chiến binh (CCB) Đặng Văn Hải, nguyên chiến sĩ báo vụ Đội Trinh sát đặc nhiệm HB 19 (Đội HB 19), mật danh đơn vị đóng tại bến Hòn Hèo năm xưa (nay thuộc xã Ninh Vân, thị xã Ninh Hòa, Khánh Hòa) để đón tàu vận chuyển vũ khí trên biển Đông, trong đó có tàu C235. Năm ngoái, nhân kỷ niệm 70 năm ngày thương binh liệt sĩ 27/7, báo Tiền Phong đã tổ chức các hoạt động tri ân quanh sự kiện con tàu C235 đi vào lịch sử, và tôi đã gặp CCB Đặng Văn Hải khi ông là một trong những nhân chứng được mời. Tại Hòn Hèo, ông Hải đã tặng tôi cuốn tư liệu là tập hợp những câu chuyện do các thành viên Đội HB 19 viết, trong đó có phần kể khá kỹ về việc đơn vị đã đón tàu C235 trước đây - và hẹn tôi dịp nào đó sẽ nói chuyện kỹ hơn.

Đọc cuốn tài liệu do CCB Đặng Văn Hải tặng, tôi có dịp hiểu thêm về tàu C235 dưới góc độ của những người đón tàu trên bến Hòn Hèo mà trước nay ít thấy đề cập kỹ. Nay gặp lại CCB Đặng Văn Hải, được ông chia sẻ rằng trước đây, việc đón những con tàu vận chuyển vũ khí trên biển Đông được cấp trên chuẩn bị kỹ bằng việc thành lập các bến đón. Đầu năm 1967, Đội HB 19 trên bán đảo Hòn Hèo được thành lập. Trải qua một số đợt đón nhận vũ khí, đến cuối tháng 2/1968, đơn vị nhận lệnh canh trực để đón tàu cập bến Hòn Hèo. Do tín hiệu bắt liên lạc thời điểm đó gặp một số khó khăn nên Đội HB 19 tập trung vào công tác ứng trực. Đêm 29/2/1968, thiếu úy Huỳnh Hường (một người từng học thuyền trưởng được điều về bến Hòn Hèo) đang làm nhiệm vụ trinh sát ở đài quan sát Hòn Đăng đã phát hiện có tàu vào từ mũi Bàn Thang (phía đông xã Ninh Vân) đang tiến vào khu vực Đầm Vân. Với sự nhạy bén của một thuyền trưởng quê ở Nha Trang (Khánh Hòa), Huỳnh Hường nhận định đó là tàu ta đang vào bến nên vội về đơn vị để báo cáo.

Chuyện về con tàu huyền thoại sau nửa thế kỷ ảnh 1 Một phần xác tàu C235 tại Khu di tích Hòn Hèo. Ảnh: Kiến Nghĩa.  

Nhận định của thiếu úy Huỳnh Hường là chính xác bởi khi đó tàu C235 đang tiến về bến Hòn Hèo. Đáng tiếc lúc này địch đã phát hiện ra tàu ta nên tổ chức 3 tàu chiến tại chỗ và điều thêm 4 tàu khác đến để bắt sống. Thuyền trưởng Nguyễn Phan Vinh đã bình tĩnh chỉ đạo tắt đèn tàu và tiếp tục vào bến. Thấy vậy các tàu địch cũng tắt hết đèn, đợi tàu ta đi vào vòng vây sẽ đồng loạt bật đèn để phát hiện mục tiêu. Đoán được ý định của chúng, thuyền trưởng Phan Vinh chỉ huy tàu C235 luồn lách qua đội hình tàu địch và vào được nơi thả hàng. Thả vũ khí xong, anh hạ lệnh cho tàu chạy nhanh ra ngoài để địch không phát hiện ra điểm thả hàng. Lúc này đã là rạng sáng 1/3/1968, địch tiếp tục bắn đạn cỡ lớn chặn đầu để không cho tàu C235 vào bờ, đồng thời huy động thêm hàng chục chiến hạm và hải thuyền có phi cơ yểm trợ để bắt sống tàu ta. Thuyền trưởng Phan Vinh bình tĩnh chỉ huy đồng đội vừa chiến đấu, vừa điều khiển tàu sát vào bờ. Cuộc chiến không cân sức khiến một số chiến sĩ hy sinh và bị thương. Trước tình thế hiểm nghèo, thuyền trưởng Phan Vinh hạ lệnh dùng tốc độ cao của tàu để phá vòng vây rồi đâm thẳng vào quân cảng của địch ở Nha Trang hoặc lao vào tàu địch và cho nổ bộc phá. Tuy nhiên, khi tàu C235 chưa kịp thực hiện phương án trên thì khoang máy trúng đạn khiến tàu không thể di chuyển được nữa.

Trên bờ, các thành viên Đội HB19 nghe rõ tiếng súng nổ, trong khi tàu ta vẫn không thể vào bờ để được ứng cứu. Đến khi họ nghe một tiếng nổ vang trời, mặt biển Hòn Hèo bùng lên một cột lửa khổng lồ thì đoán đã có chuyện chẳng lành xảy ra. Sau đó, họ biết tiếng nổ trên do tàu ta tự hủy để không sa vào tay địch. Do sức công phá của thuốc nổ, một phần xác tàu C235 đã văng lên lưng chừng núi Bà Nam thuộc địa bàn xã Ninh Vân, phần còn lại chìm xuống biển. Ngay sau đó, Đội trinh sát đặc nhiệm HB 19 đã tổ chức ứng cứu và may mắn gặp được một số chiến sĩ tàu C235 còn sống, thoát được sự truy bắt của địch để đưa về nơi an toàn.

Chuyện về con tàu huyền thoại sau nửa thế kỷ ảnh 2 Các CCB và thân nhân liệt sĩ tàu C235 nói chuyện về kỷ vật của các liệt sĩ. Ảnh: Kiến Nghĩa. 

Xúc động trở lại Hòn Hèo

CCB Đặng Văn Hải cho biết: Về sau, khi nói chuyện với thiếu úy Huỳnh Hường, ông mới biết đồng đội mình từng học thuyền trưởng tại cùng một trường với anh hùng Nguyễn Phan Vinh. Đáng tiếc, năm 1971, thiếu úy Huỳnh Hường cũng hy sinh. Rồi ông Hải kể, sau khi đồng đội hy sinh, Đội trinh sát đặc nhiệm HB 19 thấy anh để lại cuốn nhật ký, trong đó có đoạn ghi về tàu C235 như sau: “Sáng 16/3/68. Không ngờ tay tôi lại đặt nơi yên nghỉ cuối cùng cho người bạn thân, đồng chí Nguyễn Phan Vinh, quê Điện Bàn, Quảng Nam… Trên người Vinh mặc một áo bờ-lu vải Trung Quốc rất đẹp có kéo phec-mơ-tuya, một cái quần đùi, hai chân có hai vết thương đã được băng lại. Người chết đã lâu, khô nước chỉ còn da bọc xương nên không nhận ra người bạn mình. Sau này kể lại cho các đồng chí còn sống như An (Hưng Yên), Phong, Tuyến (Nam Hà), Thật, Mai (Thanh Hóa) được biết đó là Vinh, người thuyền trưởng thân yêu của họ. Vinh là người được biết từ cái ngày 14 anh em F324 được tuyển ra Bộ Tổng đi học (8/55) rồi gặp nhau cùng học ở Trường Cao chuyên HQTQ…”.

Tên những đồng đội của thuyền trưởng Nguyễn Phan Vinh được liệt sĩ Huỳnh Hường nhắc trong nhật ký là các CCB Vũ Long An (nay đã mất), Nguyễn Hồng Phong, Lâm Quang Tuyến, Hà Minh Thật và Lê Duy Mai, những thành viên tàu C235 thoát khỏi sự truy sát của kẻ thù, sau 13 ngày đêm đã gặp được người của Đội Trinh sát đặc nhiệm HB 19 để được đưa về nơi an toàn. Còn sau trận đánh trên nửa tháng, thiếu úy Huỳnh Hường đã tìm thấy xác thuyền trưởng Phan Vinh để chôn cất. “Trước khi chúng tôi được đọc nhật ký của liệt sĩ Huỳnh Hường, tôi từng được anh kể cho nghe về việc chôn thuyền trưởng Phan Vinh đúng như những gì anh đã viết. Tiếc là hồi đó, trong hoàn cảnh khốc liệt của chiến tranh, tôi chưa kịp hỏi cụ thể chỗ chôn anh Vinh ở nơi nào”- CCB Đặng Văn Hải bùi ngùi.

Năm 2011, nhân kỷ niệm 50 năm Đường Hồ Chí Minh trên biển, những CCB tàu C235 và một số thành viên Đội HB19 mới có dịp được gặp lại nhau tại chiến trường xưa ở khu vực Ninh Vân-Hòn Hèo. Tại đây, họ đã thắp hương để tưởng nhớ những đồng đội đã khuất, rồi cùng nhau ôn lại những kỷ niệm trong những ngày các chiến sĩ tàu C235 lưu lại để điều dưỡng, chữa bệnh ở Ninh Vân-Hòn Hèo. Họ cũng bày tỏ niềm tiếc nuối, tuy tàu C235 đã hoàn thành nhiệm vụ khi thả được vũ khí xuống biển, nhưng sự hy sinh của thuyền trưởng Nguyễn Phan Vinh cùng 13 đồng đội vẫn là sự mất mát khôn nguôi…

Năm 2017, kỷ niệm 70 năm ngày thương binh liệt sĩ 27/7, báo Tiền Phong đã tổ chức các hoạt động tri ân về chiến công của tàu C235 với chủ đề “Tổ quốc mãi gọi tên” tại bến Hòn Hèo và thành phố Nha Trang. Khách mời khá đầy đủ, trong đó có các nhân chứng tàu C235, CCB Đặng Văn Hải của Đội HB19 và các thân nhân liệt sĩ của tàu. Đây là cuộc hội ngộ ý nghĩa khi lần đầu tiên các thân nhân liệt sĩ có dịp gặp những đồng đội của cha anh mình tại nơi con tàu C235 đã đi vào huyền thoại. Các CCB tàu C235 Lê Duy Mai, Hà Minh Thật, Lâm Quang Tuyến, Nguyễn Hồng Phong đã chia sẻ: “Đây là lần thứ hai chúng tôi có mặt đông đủ nhất tại chiến trường xưa, nhưng là lần đầu tiên được gặp gỡ người thân những đồng đội đã hy sinh nên thấy thật ấm áp”. Các chị Doãn Thị Thu (con liệt sĩ Doãn Quang Ruyện) và Nguyễn Thị Nhung (con liệt sĩ Trần Lộc) xúc động cho biết: “Được gặp và nói chuyện với đồng đội của bố, chúng tôi như được gặp lại bố mình, đồng thời thấy tự hào hơn về bố và đồng đội của bố”. Còn chị Ngô Thị Hải Yến (con liệt sĩ Ngô Văn Thứ) nghẹn ngào bày tỏ: “Đây là lần thứ tư tôi đến Hòn Hèo, nhưng là lần thấy ý nghĩa hơn cả. Năm 1995, lần đầu tiên tìm đến Hòn Hèo để thắp hương cho bố, tôi thấy nơi đây còn khá hoang sơ, nhưng về sau thấy Hòn Hèo ngày một đẹp hơn và nay đã trở thành di tích lịch sử quốc gia”…

MỚI - NÓNG