Nửa thế kỷ con tàu huyền thoại: Gặp lại pháo thủ và lái tàu

Phóng viên và bác Tuyến tại ngôi nhà của bác ở Vũng Tàu. Ảnh: Duy Thanh.
Phóng viên và bác Tuyến tại ngôi nhà của bác ở Vũng Tàu. Ảnh: Duy Thanh.
TP - Nhân dịp Ngày Thương binh liệt sĩ 27/7, phóng viên Tiền Phong tìm gặp những nhân chứng sống của Con tàu Không số C235 tại TPHCM và Vũng Tàu. Năm tháng trôi qua, những ký ức về đồng đội và niềm tự hào của người lính vẫn luôn nhắc nhở họ về một thời đã qua.

Pháo thủ đời thường

Bác Hà Minh Thật là pháo thủ trên tàu C235. Sau trận chiến ác liệt trên con tàu tại Hòn Nèo (như các kỳ báo trước đã mô tả chi tiết) bác Hà Minh Thật kể lại: “Tôi là pháo thủ, đã bắn đến viên đạn cuối cùng. Khi tôi báo cáo hết đạn thì thuyền trưởng Phan Vinh hạ lệnh đặt bộc phá kích nổ con tàu và rời tàu vào bờ”.

Sau 2 tuần vào bờ, họ đối mặt với bao thử  thách hiểm nguy dọc dãy đồi núi gần biển, Hà Minh Thật và đồng đội tìm được bến, được bến chăm lo đời sống. Ở đó có cô Hường y tá, cô Thu nấu cơm chăm sóc từ cái võng đến miếng cơm. Khi sức khỏe ổn định, họ vượt ra Bắc nhận nhiệm vụ mới.

Những năm tháng sau đó, Hà Minh Thật vẫn chiến đấu trong lực lượng hải quân, nhiều lần tham gia vận chuyển quân đi các chiến trường.

Gặp gỡ người pháo thủ năm xưa tại Gò Vấp, TPHCM, chúng tôi vẫn thấy ở người cựu chiến binh ở tuổi 72 vẫn nhanh nhẹn, rắn rỏi, sống tình cảm, cởi mở. Bác Thật nói “Tôi vẫn còn một viên đạn nằm ở vị trí gần xương sống. Đó là vết thương khi chiến đấu trên tàu”.

Cô Vũ Thị Bích vợ bác Thật nói: “Thời tiết trở trời cùng những cơn đau, chồng tôi có đợt nằm mơ thấy đồng đội nhiều quá, bảo: “Chắc tôi sắp đi cùng anh em rồi”.

Cô Bích vui vẻ nói với chúng tôi: “Tôi nguyên là lính không quân, anh ấy là lính hải quân. Yêu nhau vì cùng là bộ đội. Tôi sinh một trai một gái, các cháu đã lớn, giờ lo chăm chồng. Lúc lấy nhau về quê mới biết anh ấy là thành viên trên những chuyến tàu không số”.

Bác Thật kể, trong một chuyến chở lãnh đạo Bộ tư lệnh Hải quân ra Trường Sa, qua hòn đảo nhỏ, lãnh đạo hỏi: “Những ai đã từng qua đảo đá này?”. Bác Thật bảo: “Nguyễn Phan Vinh thuyền trưởng tàu không số C235 từng qua đây”. Vinh dự thay, ngày nay, hòn đảo ấy được đặt tên là đảo đá Phan Vinh, một trong những hòn đảo thiêng liêng của Trường Sa.

Nửa thế kỷ con tàu huyền thoại: Gặp lại pháo thủ và lái tàu ảnh 2 Bác Thật vẫn giữ cho mình những ký ức con tàu.

Lái tàu “vượt cạn”

Ngày 25/7/2017, chúng tôi đã có mặt tại TP Vũng Tàu để thăm một nhân vật đặc biệt không kém của con tàu huyền thoại C235 năm xưa. Người đó là lái tàu Lâm Quang Tuyến.

Bác Tuyến ở trong ngôi nhà khá khiêm nhường tại Vũng Tàu, nơi bác đã định cư hơn 20 năm qua. Bác Tuyến vẫn còn nhớ những ngày tháng đảm nhiệm công việc lái tàu Không số, dựa trên hải đồ và dựa vào thiên văn để lèo lái con tàu qua mắt quân thù, cập bến an toàn ngay trong lòng địch.

Bác Tuyến kể: “Chúng tôi bị địch theo dõi, nhưng nhờ khéo léo di chuyển nên vẫn thoát ra được, vào bến thả hàng an toàn. Sau khi tôi lái tàu đi khỏi khu vực thả hàng, chúng tôi bị địch phát hiện và bao vây. Máy bị hỏng nên tàu di chuyển chậm, chẳng khác gì cái bia di động trước mũi súng kẻ thù. Nhưng chúng tôi không nao núng, quyết tâm chiến đấu, vì khi đã nhận nhiệm vụ, chúng tôi chấp nhận mọi tình huống dù khó khăn nhất”. 

Sôi nổi và khiêm nhường, bác Tuyến bảo: “Thật ra ai vào hoàn cảnh chúng tôi cũng sẽ chiến đấu như vậy thôi!”. Khi lên bờ, bị địch bao vây, thương binh mất máu, nhịn đói cả chục ngày, địch dùng máy bay đi phát loa kêu gọi chiêu hồi, đầu hàng. Anh em đều vững chí sẵn sàng chiến đấu, không quản hy sinh. Bác Tuyến kể: “Chúng tôi đi tìm bến hơn chục ngày đêm, tôi hai lần uống nước tiểu chính mình để sống sót. Anh em bị thương đều rất khát nước, nhưng vẫn dìu nhau, ngày nghỉ đêm đi giữa bốn bề vòng vây quân thù cho tới khi gặp được bến”.

Sau khi ra Bắc, bác Tuyến tiếp tục chiến đấu trong lực lượng hải quân. Chiến dịch lớn trong cuộc đời bác sau đó chính là chiến dịch giải phóng Trường Sa năm 1975. Bác kể: “Tôi là thuyền phó, cùng anh em đi giải phóng một số đảo Trường Sa, trong đó có đảo Trường Sa Lớn. Tôi là người đi đầu tiến vào hầm chỉ huy của địch trên đảo này”.

Kỷ niệm về những ngày giải phóng Trường Sa, bác Tuyến kể lại: “Tôi nhớ mãi một lần cập đảo thì tàu mắc cạn, ngay trong tầm bắn của kẻ thù. Chúng tôi xác định nếu địch khai hỏa thì anh em xuống nước chiến đấu, quyết tâm vào giải phóng đảo. Nhưng, thật thần kỳ, tàu vượt được qua  bãi cạn để tiếp tục hành trình giải phóng Trường Sa”.

Nửa thế kỷ con tàu huyền thoại: Gặp lại pháo thủ và lái tàu ảnh 3 Bác Tuyến trong ngôi nhà nhỏ ở Vũng TàuẢnh: T.N.A.

Tâm nguyện của người còn sống

Trao đổi với phóng viên, cả bác Thật và bác Tuyến đều chung mong muốn tìm hài cốt những đồng đội, chỉ huy của mình đã hi sinh tại Hòn Nèo.

Bác Thật nói rằng mình không bao giờ quên khoảnh khắc con tàu nổ tung “như một quả bom nguyên tử” và sức nổ đã đẩy một phần con tàu bay lên đỉnh núi: “Trên con tàu ấy, có thể còn thi thể một số anh em chúng tôi chiến đấu hi sinh trên tàu. Những anh em vào bờ chiến đấu hy sinh, trong đó có thuyền trưởng Nguyễn Phan Vinh, chúng tôi chôn cất, làm bia, nhưng sau năm 1975 quay lại tìm mộ thì mưa gió đã san bằng tất cả. Nguyện vọng của chúng tôi là làm sao tìm được mộ của anh hùng Nguyễn Phan Vinh và các đồng đội khác của chúng tôi!”.

Bác Tuyến day dứt: “Một số anh em hi sinh trên tàu được thả trôi xuống biển. Khi thi thể vào bờ, địch đã dùng cồn khô đốt cháy. Anh em ở bến quy tập lại chôn cất. Khi chúng tôi tìm được bến, dựa vào miêu tả hình dạng mà lập bia. Nhưng rồi thời gian qua đi, sau ngày giải phóng, anh em quy tập đưa vào nghĩa trang thì không còn xác định được mộ của ai nữa, do vậy đã thành mộ vô danh!”.

Bác Thật tâm sự rằng, dẫu biết việc tìm mộ đồng đội sau ngần ấy năm là không dễ dàng, nhưng với những đồng đội ít ỏi còn sống đến hôm nay, các bác vẫn sẵn sàng dồn tâm sức để tìm kiếm, xác định mộ của các anh. 

Tâm sự với thế hệ hôm nay, bác Thật nói: “Lớp trẻ bây giờ được học hành khoa học kỹ thuật nhiều, mong lớp trẻ tiếp bước cha anh luôn sẵn sàng bảo vệ chủ quyền biển đảo đất nước”.

Bác Tuyến vui vẻ nói với phóng viên, đúng với tính cách hài hước vui nhộn của người lái tàu: “Sau này tôi được mời đi nói chuyện truyền thống nhiều lần. Nhiều bạn trẻ hỏi chúng tôi vì sao các bác chiến đấu giữa vòng vây tàu địch như thế mà không hề run sợ, không hề nao núng, vẫn hoàn thành mọi công việc được giao?”. Bác Tuyến tủm tỉm: “Tôi chỉ muốn nói rằng, chẳng có gì to tát cả, chúng tôi vốn được đào tạo cơ bản về chiến đấu, mỗi người sử dụng thành thục hàng chục loại vũ khí, được trưởng thành trong môi trường truyền thống sẵn sàng hy sinh vì Tổ quốc, ngoài ra, khi làm nhiệm vụ chiến đấu, trong hoàn cảnh của mình, chúng tôi lúc ấy chỉ cố gắng làm sao hoàn thành tốt nhất công việc được giao và giúp đỡ đồng đội của mình hoàn thành tốt nhiệm vụ. Bây giờ nhìn lại, cũng thấy những việc mình làm được quả là sự nỗ lực rất lớn, nhưng vào thời điểm ấy, chúng tôi chỉ nghĩ rằng  cần làm thật tốt công việc đất nước giao phó, lắm khi cũng không nghĩ nhiều đến gian khổ, hy sinh”.            

7/2017

Tàu C235 vận chuyển vũ khí vào bến khu Hòn Hèo, thị xã Ninh Hòa (Khánh Hòa) tháng 2/1968 đã dũng cảm thả hàng và chiến đấu chống địch trong cuộc chiến không cân sức với 12 tàu của địch. 14/21 cán bộ chiến sĩ tàu C235 anh dũng hi sinh tại vùng biển Ninh Vân và rừng Hòn Hèo. Thuyền trưởng Nguyễn Phan Vinh được tuyên dương Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân, tàu C235 cũng được phong danh hiệu Anh hùng. Bộ VH-TT&DL đã công nhận di tích lịch sử con tàu C235 tại chiến khu Hòn Hèo, thị xã Ninh Hòa (Khánh Hòa) là di tích lịch sử văn hóa cấp quốc gia.

Nhân chứng, thân nhân liệt sĩ tàu C235 hội ngộ

Hôm nay, đoàn cựu chiến binh tàu C235 và thân nhân các liệt sỹ của tàu có dịp về xã Ninh Vân dâng hương, thả hoa tưởng niệm những người đã hy sinh; thăm và tặng quà các gia đình đón bến năm xưa… Đặc biệt, tối cùng ngày diễn ra Đêm giao lưu Tri ân Huyền thoại với sự tham gia của các nhân chứng tàu C235 với học viên Học viện Hải quân, đoàn viên thanh niên TP. Nha Trang. Đồng hành với chương trình có Hoa hậu Việt Nam 2016 Đỗ Mỹ Linh, Á hậu Việt Nam 2016 Ngô Thanh Thanh Tú. Chương trình do báo Tiền Phong phối hợp với Tập đoàn Vingroup, Học viện Hải quân, UBND xã Ninh Vân, Hội Cựu chiến binh Đường Hồ Chí Minh trên biển tổ chức.          

                Kiến Nghĩa - Xuân Tùng

MỚI - NÓNG