Nửa thế kỷ con tàu huyền thoại… - Kỳ II:

Người con chưa một lần được gọi cha

Bà Doãn Thị Mai và chị Doãn Thị Thu xúc động trong lễ thả hoa tưởng niệm các liệt sĩ tàu C235 trên biển.
Bà Doãn Thị Mai và chị Doãn Thị Thu xúc động trong lễ thả hoa tưởng niệm các liệt sĩ tàu C235 trên biển.
TP - Chỉ kịp gặp khi con gái mới ba tháng tuổi, trung sĩ Doãn Quang Ruyện trở lại đơn vị và mãi mãi không về. Nhiều năm sau, người con gái chưa một lần được gọi cha ấy lặn lội tìm đến nơi cha đã hy sinh…  

Lời dặn cuối cùng của mẹ

Trong chuyến tới nhà cựu chiến binh (CCB) Lê Duy Mai hôm đó, tôi có dịp đi cùng chị Doãn Thị Thu, con gái liệt sĩ (LS) tàu C235 Doãn Quang Ruyện. Chị Thu cho biết, bố chị vốn là một giáo viên cấp I tại một vùng quê xã Đông Trung, huyện Tiền Hải (Thái Bình). Khi đất nước chiến tranh, ông xung phong nhập ngũ. Nghe bà nội kể lại, cuối năm 1964, khi Thu mới được 3 tháng tuổi, bố chị về phép thăm con. Chỉ ít ngày sau ông trở lại đơn vị và từ đó chưa có dịp về thăm nhà. Thu lên 4 tuổi là lúc bố hy sinh, chị chưa một lần được gọi cha. Thời gian đó nhận giấy báo tử, gia đình chỉ biết LS Ruyện hy sinh tại mặt trận phía Nam.

Năm 1990, mẹ của Doãn Thị Thu qua đời do mắc bệnh hiểm nghèo. Trước khi mất, bà gọi người anh đầu và Thu đến và trăn trối rằng, hai con cố gắng tìm hiểu rõ hơn nơi bố hy sinh. Nhưng do ít thông tin, cuộc sống lại vất vả nên anh em Thu chưa thể thực hiện mong muốn của mẹ. Năm 2005, một người hàng xóm sau khi xem truyền hình đã vội tìm Thu để nói manh mối về LS Ruyện. Hóa ra chương trình hôm đó có phần nói về tinh thần chiến đấu quả cảm của các LS tàu C235, trong đó đặc tả tấm bia ghi danh 14 liệt sĩ đã hy sinh. Tên của LS Ruyện được người hàng xóm nhìn thấy nên vội báo tin cho chị Thu. Mừng rỡ, chị Thu lần tìm và biết bố mình hy sinh tại vùng biển Hòn Hèo, thuộc xã Ninh Vân.

Gia cảnh nghèo, nơi bố hy sinh lại ở xa, nhưng khi biết thông tin trên chị Thu vẫn quyết tâm tìm đến nơi LS Ruyện từng chiến đấu. Năm 2006, cầm giấy giới thiệu của Phòng Lao động-Thương binh & Xã hội huyện Tiền Hải, Thu cùng với chị dâu lên đường tới huyện Ninh Hòa (nay là thị xã Ninh Hòa, Khánh Hòa) để liên hệ thăm viếng liệt sĩ. Sau đó, hai người đi tàu thủy ra khu vực đảo Hòn Hèo, nơi bố chị và 13 đồng đội đã hy sinh. Ngày ấy, khu vực Hòn Hèo còn khá hoang sơ, nổi bật chỉ có tấm bia ghi danh 14 liệt sĩ tàu C235 đã hy sinh và một phần con tàu nằm trên vách núi. Chị Thu xúc động khi đọc nội dung bia: “Nơi đây ngày 1/3/1968, tàu C 235 HQNDVN làm nhiệm vụ vận chuyển vũ khí chi viện cho chiến trường khu 6 đã chiến đấu với 7 tàu chiến và 2 liên đoàn biệt động Mỹ, ngụy. Vẫn thả hàng an toàn và kịp thời hủy tàu. 14 cán bộ, chiến sĩ đã anh dũng hy sinh. Thuyền trưởng Nguyễn Phan Vinh được nhà nước VNDCCH truy tặng danh hiệu anh hùng LLVTND”. Mặt sau tấm bia khắc tên 14 LS tàu C235, trong đó có LS Doãn Quang Ruyện. Thắp nén hương cho bố và các LS, chị Thu nghẹn ngào thầm nói: “Bố ơi, vậy là chúng con đã đến được nơi bố chiến đấu và hy sinh, đã thực hiện được lời dặn cuối cùng của mẹ”.

Người con chưa một lần được gọi cha ảnh 2 Bức ảnh Doãn Quang Ruyện (người cầm đàn trong ảnh) gửi về gia đình trước khi hy sinh. Ảnh: Kiến Nghĩa chụp lại.

Xúc động ngày trở lại

Sau lần đi đó, chị Thu thường xuyên để ý đến những thông tin về tàu C235. Một lần đọc báo, chị thấy có bài viết nói về bác Lê Duy Mai, một trong những chiến sĩ tàu C235 đã thoát khỏi sự truy bắt của địch trong trận chiến không cân sức ngày 1/3/1968. Dựa theo địa chỉ trong bài báo, Thu viết thư cho bác Mai. Bức thư có hồi âm. Từ đó bác Mai và chị Thu thường xuyên viết thư cho nhau. Qua thư của bác Mai, chị Thu biết bố mình làm báo vụ trên tàu C235. Ông là người đã giới thiệu đồng đội Lê Duy Mai vào Đảng. Vốn là nhà giáo, Doãn Quang Ruyện tính tình chuẩn mực, nghiêm túc nhưng có năng khiếu văn nghệ. Những lúc được nghỉ ngơi, báo vụ Ruyện thường chơi đàn cho đồng đội nghe.

Câu chuyện tạm gián đoạn khi chúng tôi tới nhà bác Lê Duy Mai. Chủ nhân ân cần đón tiếp chúng tôi, coi chị Thu như người thân trong gia đình. Qua câu chuyện giữa họ, tôi được biết chị Thu đã nhiều lần tới thăm bác Mai. Lần gặp mặt đầu tiên giữa hai bác cháu diễn ra vào năm 2012 khi bác Mai lên Hà Nội để tham dự lễ kỷ niệm 51 năm ngày mở đường Hồ Chí Minh trên biển. Do biết Thu đang ở Hà Nội nên bác Mai nhắn chị tới để gặp mặt. Chị Thu cho biết: “Lần đầu gặp bác Mai, tôi cứ ngỡ như được gặp bố của mình. Lúc đó tôi chỉ muốn gọi bố mà xúc động không nói nên lời. Khi đó hội trường còn khá đông người, nhưng tôi cứ nắm tay bác Mai mà khóc như đứa trẻ”. Rồi chị Thu cho biết thêm, năm 2013, chị đã mời bác về quê dự giỗ bố. Tại đây, CCB Lê Duy Mai có dịp kể cho người thân của chị Thu về nhiệm vụ, cuộc chiến đấu của cán bộ, chiến sĩ tàu C235 với kẻ thù. Trước đây, do phải giữ bí mật con đường vận chuyển vũ khí trên biển Đông, nên những việc liên quan đến chuyện này ít được nói rõ. Nay mọi người có dịp hiểu thêm về LS Doãn Quang Ruyện, nơi ông đã từng chiến đấu và hy sinh.

Người con chưa một lần được gọi cha ảnh 3 CCB Lê Duy Mai kể cho chị Thu nghe trận chiến của tàu C235 năm xưa. Ảnh: Kiến Nghĩa.

CCB Lê Duy Mai cho biết: Ngày 1/3/1968, trong quá trình chiến đấu với địch, Doãn Quang Ruyện nằm trong số những đồng đội hy sinh đầu tiên. Khi tàu C235 nổ, thi thể các liệt sĩ đã hòa vào lòng biển Đông. Trong nhiều năm, bác Mai luôn nhớ về các đồng đội đã hy sinh, mong một lần được trở lại Ninh Vân - Hòn Hèo để viếng những người đã khuất. Tuy nhiên, do nhiệm vụ chiến đấu và những lý do khác, bác Mai chưa thể đến đây. Đối với những đồng đội tàu C235 đã cùng mình thoát vây trở về năm xưa, do sau đó không còn cùng đơn vị nên bác Mai cũng chưa có cơ hội gặp lại. Đến năm 2008, một đơn vị đã tổ chức cho các CCB của đoàn tàu không số cả nước thăm lại một số nơi của chiến trường xưa, bác Mai mới gặp lại đồng đội Nguyễn Hồng Phong. Cả hai vô cùng xúc động, nghẹn ngào không nói nên lời. Khi đoàn tới Khánh Hòa, do biết việc qua khu vực Ninh Vân-Hòn Hèo không nằm trong chương trình, CCB Lê Duy Mai đã xin phép tách đoàn để tới nơi mình đã chiến đấu năm xưa. Tại đây, ông thắp hương viếng những đồng đội đã khuất tại khu vực Hòn Hèo, rồi đến xã Ninh Vân gặp lại những người năm xưa đã chăm sóc mình cùng các đồng đội. Trong lần trở lại sau đúng 40 năm này, bác Mai đã gặp lại vợ chồng ông Nguyễn Bá Cường (về sau là Bí thư Huyện ủy Ninh Hòa-PV) và bà Phạm Thị Hường, ngày ấy từng là cán bộ Trạm xá Hòn Hèo và bến Hòn Hèo. Họ cùng nhau ôn lại quãng thời gian các chiến sĩ tàu C235 được chăm sóc và chữa trị tại đây. Rồi khi địch càn qua, thực phẩm và lương thực tại bến lẫn trạm xá đều bị đốt phá, bà Hường phải lên rừng đào củ mài về nấu cho các anh ăn. Tình cảm đó chẳng gì đo đếm được…

Khi được hỏi: “Đến bao giờ bác mới gặp lại những đồng đội cũ tàu C235?”- bác Mai trả lời: “Năm 2011, trong chương trình cầu truyền hình trực tiếp nhân kỷ niệm 50 năm đường Hồ Chí Minh trên biển, tôi mới gặp lại các đồng đội năm xưa. Tuy nhiên, trong số này không có Vũ Long An do anh đã mất”. Nghe vậy, chị Thu cho biết Chương trình cầu truyền hình năm đó chị cũng đón xem. Đây là lần đầu tiên chị nhìn thấy các đồng đội của bố, được nghe các bác kể lại tinh thần chiến đấu dũng cảm của các thủy thủ tàu C235. Khi đó chị tự nhủ, nhất định vào dịp nào đó sẽ đưa người thân đến Ninh Vân - Hòn Hèo. Và năm 2016 vừa qua, nhân kỷ niệm 55 năm đường Hồ Chí Minh trên biển, chị đã cùng bà Doãn Thị Mai (em gái LS Doãn Quang Ruyện) và anh trai Doãn Quang Hùng đến Hòn Hèo. Cách đây tròn 50 năm, trong bức thư gửi cho em gái năm 1967, Doãn Quang Ruyện dặn rằng, nếu anh hy sinh thì các em thay anh chăm sóc bố mẹ. Kèm theo bức thư, Doãn Quang Ruyện (con trai duy nhất của gia đình) có gửi cho người thân tấm ảnh chụp năm 1962 khi anh học xong lớp báo vụ của tàu. Bức ảnh đó đến nay bà Mai vẫn giữ, để luôn nhớ về anh trai, một người lính biển. Để hôm nay bà có dịp cùng hai cháu đến vùng biển Hòn Hèo, thả những bông hoa xuống nơi LS Ruyện cùng đồng đội đã hy sinh.

Chị Thu cho biết, dịp đến Hòn Hèo - Ninh Vân, bác Lê Duy Mai cũng đi cùng gia đình chị, cùng đến viếng các LS đồng đội tàu C235 đã hy sinh. Sau khi trở về, chị đã làm một bài thơ dài về bố và các LS tàu C235, nay đọc cho bác Mai và chúng tôi cùng nghe: “… Máu của bố cùng 13 đồng đội/Đã hòa vào lòng biển đại dương…”.

(Còn nữa)

MỚI - NÓNG