Nửa thế kỷ con tàu huyền thoại…

(Từ trái sang) Các thủy thủ tàu C235 Nguyễn Hồng Phong, Lê Duy Mai, Vũ Long An, Lâm Quang Tuyến, Hà Minh Thật còn sống trở về. Ảnh: Kiến Nghĩa chụp lại.
(Từ trái sang) Các thủy thủ tàu C235 Nguyễn Hồng Phong, Lê Duy Mai, Vũ Long An, Lâm Quang Tuyến, Hà Minh Thật còn sống trở về. Ảnh: Kiến Nghĩa chụp lại.
TP - Năm 1968, khi bị địch bao vây, thuyền trưởng Nguyễn Phan Vinh đã hạ lệnh cho nổ tàu để giữ bí mật con đường vận chuyển vũ khí trên biển Đông. Anh và 13 chiến sĩ trên tàu đã anh dũng hy sinh. Gần nửa thế kỷ đã qua, câu chuyện về những liệt sĩ hy sinh năm xưa, về những đồng đội thoát vây trở về, về người con liệt sĩ chưa một lần được gọi cha… tiếp tục được mở ra để chúng ta có dịp hiểu thêm về con tàu huyền thoại này.

Kỳ I: Bừng sáng ngọn lửa tàu C235

Hy sinh vì bí mật con đường

Tôi về xã Hải Ninh (Tĩnh Gia, Thanh Hóa) gặp bác Lê Duy Mai, chiến sĩ tàu C235 (thuộc Lữ đoàn Hải quân 125) vận chuyển vũ khí bí mật trên biển Đông năm xưa. Ở tuổi 74, bác Mai vẫn giữ được vóc người săn chắc, khỏe mạnh của một thủy thủ từng vào sinh ra tử. Trong nhà bác Mai có treo một tấm ảnh lớn với hình ảnh năm thủy thủ đứng trước một con tàu. Chủ nhân cho biết: “Bức ảnh này được ghép từ hai bức ảnh. Bức thứ nhất là con tàu C235, còn ảnh thứ hai chụp 4 đồng đội và tôi sau khi thoát khỏi sự truy sát của địch trở về”. Rồi giọng người cựu chiến binh già chùng xuống: “Chúng tôi may mắn còn sống, trong khi phần lớn đồng đội đã hy sinh sau khi tàu C235 được chủ động phá hủy để giữ bí mật con đường”.

Nhớ lại trận chiến năm xưa, bác Mai kể: Tàu C235 là một trong số ít tàu vận chuyển vũ khí hiện đại nhất của ta thời đó. Tàu vừa có tốc độ nhanh, lại có thể cập sát bờ để thả hàng rồi quay về ngay. Tối ngày 27/2/1968, tàu C235 xuất phát, chở hơn 14 tấn vũ khí vào bến Hòn Hèo ở xã Ninh Vân (nay thuộc thị xã Ninh Hòa, Khánh Hòa). Đây là một khu vực rất khó đi do luồng hẹp và nhiều đá ngầm. Tàu có 21 thành viên, nhưng khi xuất bến một người bị ốm nên phải ở lại. Sau hai ngày đêm lênh đênh trên vùng biển quốc tế, tối 29/2, tàu tạt sang vùng biển Nha Trang và chuyển hướng vào bờ. Phát hiện tàu ta, địch huy động 3 tàu chiến tại chỗ và điều thêm 4 tàu khác đến để bắt sống. Trước tình thế hiểm nghèo, thuyền trưởng Nguyễn Phan Vinh bình tĩnh chỉ đạo tắt đèn và tiếp tục hành trình vào bến. Các tàu địch cũng tắt hết đèn, đợi tàu ta đi vào vòng vây sẽ đồng loạt bật đèn để phát hiện mục tiêu. Đoán được ý định của chúng, thuyền trưởng Phan Vinh tương kế tựu kế chỉ huy tàu C235 luồn lách qua đội hình tàu địch và vào được nơi thả hàng. Sau khi thả vũ khí xong, anh hạ lệnh cho tàu chạy nhanh ra ngoài để địch không phát hiện ra điểm thả hàng. Sau đó cho tàu tiếp cận bờ với hy vọng thoát vòng vây.

Nửa thế kỷ con tàu huyền thoại… ảnh 1 Cựu chiến binh Lê Duy Mai thả hoa tại nơi đồng đội đã hy sinh.

Tàu địch tiếp tục bao vây. Rạng sáng 1/3, chúng bắn đạn cỡ lớn chặn đầu để không cho tàu C235 vào bờ, đồng thời dùng súng nhỏ bắn thẳng vào tàu với tham vọng bắt sống. Rồi địch huy động máy bay tới, thả pháo sáng soi rõ tàu ta. Tàu C235 ở tình thế cực kỳ khó khăn khi một bên là bờ, phía trước là núi, sau lưng các tàu địch không ngừng nhả đạn. Thuyền trưởng Phan Vinh bình tĩnh chỉ huy đồng đội vừa chiến đấu, vừa điều khiển tàu sát vào bờ. Cuộc chiến đấu không cân sức khiến 5 người của ta hy sinh, 7 người bị thương. Bị thương ở đầu, Phan Vinh vội băng bó và hạ lệnh: “Chuẩn bị phương án hai”. Đây là phương án dùng tốc độ cao của tàu C235 phá vòng vây, rồi đâm thẳng vào quân cảng của địch ở Nha Trang hoặc lao vào tàu địch và cho nổ bộc phá. Tuy nhiên, khi C235 chưa kịp thực hiện phương án thì khoang máy trúng đạn khiến tàu không thể di chuyển được nữa.

Trước tình thế hiểm nghèo, thuyền trưởng Phan Vinh hạ lệnh cho Lê Duy Mai bơm xuồng cao su để các thương binh rời tàu vào bờ. Rồi anh phân công Ngô Văn Thứ, Vũ Long An, Lê Duy Mai cùng vài đồng đội nữa ở lại cùng mình để phá hủy tàu. Sau khi đặt thuốc nổ vào khoang máy và các vị trí khác, Phan Vinh cho đồng đội lần lượt rời tàu, còn anh đi sau cùng để kiểm tra kíp nổ lần cuối. Một lát sau khi Phan Vinh rời tàu, mặt biển Hòn Hèo bùng lên cột lửa khổng lồ cùng tiếng nổ dữ dội rung chuyển một vùng. Sức công phá của thuốc nổ khiến một nửa con tàu văng lên lưng chừng núi Bà Nam thuộc địa bàn xã Ninh Vân, nửa còn lại chìm xuống biển.

Nửa thế kỷ con tàu huyền thoại… ảnh 2 Khu vực bia tưởng niệm 14 liệt sĩ tàu C235 tại Hòn Hèo.

Thoát vây trở về

Sau khi vào được bờ, các thủy thủ tàu C235 chia thành hai nhóm. Một nhóm do thuyền phó Đoàn Văn Nhi chỉ huy gồm Vũ Long An, Lê Duy Mai, Nguyễn Hồng Phong, Hà Văn Thật, Mai Văn Khung và Lâm Quang Tuyến. Nhóm còn lại có Nguyễn Phan Vinh và Ngô Văn Thứ. Khi địch tràn lên, các anh Vinh và Thứ đã nổ súng kìm chân địch để nhóm còn lại rút xa khỏi khu vực. “Sau này, chúng tôi được biết anh Vinh và Thứ đã chiến đầu đến viên đạn cuối cùng và hy sinh”- Bác Lê Duy Mai nghẹn ngào cho biết.

Tinh thần chiến đấu cảm tử của các thủy thủ tàu C235 gây chấn động đối với kẻ địch thời đó. Tạp chí “Lướt sóng” của Hải quân Sài Gòn từng mô tả: “Mười hai chiến hạm và hàng chục hải thuyền của Hoa Kỳ cùng quân lực Việt Nam cộng hòa có phi cơ yểm trợ, đụng độ ác liệt với một tiểu đoàn Việt Cộng (thực chất chỉ có 20 thủy thủ tàu C235-PV) gan góc và thiện chiến trên con tàu chở vũ khí từ Bắc Việt thâm nhập và tiếp tế cho mặt trận giải phóng. Họ đã nổ súng đến viên đạn cuối cùng, đến người cuối cùng và hy sinh với con tàu bằng khối lượng hàng tấn bộc phá do chính tay họ tự hủy, không để lại một dấu vết”... Lời lẽ đó không chỉ là sự thú nhận, mà còn thể hiện sự khâm phục của địch về sức chiến đấu quật cường của thuyền trưởng Nguyễn Phan Vinh và thủy thủ tàu C235.

Sau khi thoát khỏi mục tiêu của địch truy bắt, nhóm 7 người của thuyền phó Đoàn Văn Nhi dìu dắt nhau vượt núi băng rừng tìm đường về căn cứ. Sau khoảng một tuần, nước uống và lương thực cạn kiệt, một số người có dấu hiệu kiệt sức. Thuyền phó Đoàn Văn Nhi và thủy thủ Mai Văn Khung đi kiếm nước uống cho đồng đội, nhưng mãi không thấy về. Sau này, những người còn lại biết hai đồng đội gặp địch. Thuyền phó Đoàn Văn Nhi chiến đấu và hy sinh. Còn Mai Văn Khung bị bắt, sau Hiệp định Paris năm 1973, anh được trao trả.

Sau khi chờ mãi không thấy đồng đội trở lại, nhóm thủy thủ tàu C235 tiếp tục đi. Rồi Hà Minh Thật lại lạc nhóm khiến các đồng đội càng buồn. Họ đành tiếp tục hành trình gian nan, tự vặt rau, lá, quả dại trong rừng để tồn tại; bắt kiến, ốc sên để ăn cho có chất. Khi khát, họ uống những giọt nước đọng lại trong hốc cây mọc lâu ngày, hoặc nhai những thân cây được coi như mía trong rừng để có chút nước. Có những khi không biết tìm đâu ra nước, họ phải uống nước tiểu của chính mình. Sự đói khát mỗi lúc một tăng. Sang ngày thứ 12, cả nhóm sức cùng lực kiệt, người nào còn đi được thì dìu đồng đội yếu hơn.

Đến đêm thứ 13, bốn người xuống được núi và đi men bờ biển theo ánh trăng. Bất ngờ, họ nhìn thấy một người kéo lưới đứng gần đó. Dồn nốt chút sức lực còn lại, cả nhóm nhanh chóng hội ý, cử người cảnh giới rồi tiến tới khống chế người đàn ông kéo lưới. Sau khi hỏi, tất cả mới biết đó là người của bến Hòn Hèo được bố trí đóng vai dân chài để đón những người sống sót của tàu C235. “Hóa ra, sau khi bị lạc, đồng đội Hà Minh Thật đã tìm về được bến, rồi thông tin cho cơ  sở nằm vùng rằng, vẫn còn các đồng đội để họ cử người đi tìm”- bác Lê Duy Mai cho biết.

Sau khi tìm được các anh, người của bến lập tức dẫn họ về cơ sở của ta tại xã Ninh Vân, rồi đưa về bệnh xá địa phương để điều trị. Bác Lê Duy Mai cho biết: Trong thời gian tại đây, chúng tôi nghe người dân địa phương kể rằng, sau khi địch rút họ đã đến nơi diễn ra trận đánh thì thấy nhiều vết đạn chi chít, những thân cây gãy gục, cháy loang lổ. Thi thể những thủy thủ hy sinh không còn nguyên vẹn do địch gom các anh lại rồi đổ xăng đốt. Bà con đã đưa các anh đi chôn, trong đó có người mặc áo blu-dông. Nghe vậy, các đồng đội đều sững sờ vì biết đó là chiếc áo quen thuộc mà thuyền trưởng Nguyễn Phan Vinh thường mặc…

(Còn nữa)

Sau một thời gian điều trị, tháng 5/1968, các thủy thủ tàu C235 được tổ chức đưa trở lại miền Bắc. Vài tháng sau, cả 5 người về đến Lữ đoàn Hải quân 125 tại Hải Phòng. Tấm ảnh chụp 5 người treo tại nhà bác Mai chính là bức hình được chụp khi họ về an dưỡng tại đây. Trong những tháng ngày này, các thủy thủ tàu C235 luôn nhớ thương các đồng đội đã hy sinh, đặc biệt là thuyền trưởng Nguyễn Phan Vinh. Về sau, họ mới biết tên anh hùng Phan Vinh được đặt cho một hòn đảo tại Trường Sa. Và trong số các đảo tại nơi này, Phan Vinh là hòn đảo duy nhất mang tên một người…

MỚI - NÓNG