Họ bảo rằng hơn nửa thế kỷ sống bằng nghề leo dừa, ông Hòa “không tìm được đối thủ kỹ nghệ leo cây”.
Nhiều người mắt sáng, sức khỏe trai tráng nhìn thấy cây dừa cao khoảng 30m là lắc đầu ngán ngẩm, thế mà sau một hồi đi vòng quanh gốc cây, tay sờ soạng rồi nhanh như cắt, ông Hòa leo phăm phăm lên tới ngọn trước sự khâm phục của mọi người. Không những thế cuộc đời của người đàn ông này còn lập nhiều kỳ tích khiến nhiều người ngỡ ngàng.
Mang kiếp “người nhện”
Căn nhà của vợ chồng ông Hòa nằm lọt thỏm trong con ngõ nhỏ ở khu vực 6, phường Bình Thủy. Đó là cơ ngơi mà cả đời vợ chồng ông dành dụm được sau khi đã nuôi 4 người con khôn lớn, trưởng thành bằng chính công sức lao động mà đôi tay mình làm ra.
Nói đến ông Hòa, người dân ở khu vực nhớ đến ngay hình ảnh một người đàn ông nhỏ thó nhưng nhanh nhẹn, hai mắt bị mù từ khi còn nhỏ nhưng lại mang những biệt tài mà nhiều người phải cúi đầu thán phục. Ông Trần Văn Thới – 68 tuổi, người dân sống ở khu vực 6, phường Lê Bình kể: “Ông lão ấy leo cây tài lắm, hai mắt mù mà leo thoăn thoắt, chúng tôi lành lặn mà leo cũng không kịp ông ấy. Thời điểm khoảng 50 năm trở về đây, nhà nào ở vùng Bình Thủy có việc cần đốn cây, hái quả thì chỉ việc thuê vợ chồng ông Hòa làm loáng cái là xong”.
Nhớ về quãng thời gian hơn nửa thế kỷ mưu sinh trên lưng trời của mình, ông Hòa kể: “Do cuộc sống mưu sinh nên tôi tự học leo cây, bắt cá, rồi làm nhiều cũng quen, không ngại khó ngại khổ. Chỉ sợ trời không cho sức khỏe để sống bằng chính đôi tay của mình thôi”.
Theo lời kể của ông Hòa, ông vốn sinh ra trong gia đình có 6 anh chị em. Cha mẹ gồng gánh quanh năm không đủ cho 6 anh em ăn học. Năm 15 tuổi, trong một lần đi bắt rắn, do nghịch ngợm nên ông Hòa cầm con rắn lên trước mặt nhìn liền bị phun độc vào hai mắt. Do nhà nghèo không có tiền chạy chữa nên chỉ kịp rửa bằng nước, đến sáng hôm sau thì đôi mắt mờ đi rồi mù hẳn. Mọi thứ trước mắt ông Hòa chỉ còn là bóng tối và người thiếu niên khi ấy phải tập làm quen với nó.
Khi thuộc đường đi trong nhà, ông Hòa nài nỉ cha dẫn đi giăng câu, thả lưới. Nhiều người trong xóm châm biếm: “Sáng mắt còn chưa kiếm được cá huống chi đui mà bày đặt vẽ chuyện”. Rồi có người còn bảo cha mẹ Hòa cho đứa con trai mù ra chợ ăn xin. Nhưng Hòa từ chối quyết liệt: “Tôi chỉ bị mù mắt, chứ tay chân nguyên vẹn, còn lao động được mà đi ăn xin thì nhục lắm”.
Làm nghề chài lưới được vài năm, ông Hòa theo cha mẹ chuyển sang giữ vườn mướn. Một lần cha của ông bị ngã trọng thương trong lúc leo cây thuê, gạt nỗi đau Hòa muốn thay cha cáng đáng công việc, bèn xin cho mình thử leo cây. Mẹ ông can ngăn: “Con có nhìn thấy gì đâu mà đòi trèo?” Nhưng quyết tâm đã giúp cậu bé mù làm được điều tưởng như không thể. Ban đầu leo được hơn 2m, Hòa muốn hụt hơi, tay chân bủn rủn. Nhưng nghĩ gia đình chỉ biết trông chờ vào nguồn sống này nên cậu bé mù đánh cắn răng chịu đựng leo tiếp. Riết rồi quen cho đến tận bây giờ.
Có cây dừa già cao chót vót gần 30m, thợ chào thua vì leo lên sợ ngọn yếu dễ ngã. Thế nhưng mỗi khi gặp ông Hòa thì cây nào cũng “ngoan ngoãn” chịu phép. Những ca đốn cây khó như cây dừa đang mọc thẳng, tự nhiên đến phần giữa thân lại ngả vào mái nhà làm bằng ngói ở nhà ông Hai Phong (ngụ ấp tại Bình Thủy), nhiều thợ đốn dừa tài tình đến từ khắp nơi đến xem xét cũng phải lắc đầu quả quyết nếu chặt bỏ cây dừa ít nhất cũng phải chịu rủi ro phần ngọn sẽ đổ ập lên mái nhà chứ không thể bảo toàn tài sản nguyên vẹn. Thế nhưng khi ông Hai Phong mời vợ chồng ông Hòa đến đốn cây với yêu cầu “không được cho đổ vào mái nhà” thì ông Hòa gật đầu “cái rụp”.
Sau một hồi “xem xét” tình hình, ông Hòa thoăn thoắt leo lên trên buộc sợi dây thừng vào ngọn rồi thả xuống cho vợ mình ở bên dưới cầm kéo chệch về một bên. Từng tàu dừa được ông Hòa chặt bỏ một cách dễ dàng. Cuối cùng đến phần ngọn, ông Hòa chặt từng khúc một rồi bảo vợ mình kéo lệch sao cho không rơi lên mái nhà.
Chứng kiến cảnh người đàn ông mù cả hai mắt thực hiện những thao tác đó, nhiều người không khỏi ngỡ ngàng. Điều lạ là hơn 50 năm sống bằng nghề này, duy nhất một lần ông Hòa bị một người bạn vô tình kéo dây làm rớt xuống đất từ độ cao... 11m. Nhưng ông chỉ bị ngất một lát rồi tỉnh lại.
Quãng thời gian mưu sinh khiến đôi bàn tay to bè của ông đầy nốt sần sùi, chai cứng, thậm chí những vết trầy xước đã xóa nhòa đường chỉ tay. “Nhờ nó mà 68 năm qua tôi sống khỏe với cái nghề leo dừa mướn, tỉa nhánh cây, chặt củi”, ông Hòa cười xoa đôi bàn tay, hớn hở nói.
Ông còn cho biết thêm: “Người ta có con mắt nhìn được còn tôi có đôi tay, trước khi leo cây tôi dùng tay sờ soạng để nhận định hình dạng, ghi nhớ nó trong đầu rồi cứ thế mà leo, mà chặt. Để việc leo chèo được tốt hơn, tôi sáng chế ra cọng dây nài để giảm bớt sức khi leo lên cây cũng như khi tụt xuống. Mỗi khi leo cây tôi tròng hai chân vào cái nài và dạng chân ra, dùng khoảng trống của hai sợi dây nằm giữa hai chân để làm vật bám và cọ xát với thân cây để lấy lực nhún leo lên.
Chuyện tình “chàng mù”
Cũng bởi cái tài leo dừa mà ông Hòa lấy đươc người vợ chung sống với mình cho tới tận ngày hôm nay. Kể về chuyện tình, ông Hòa giọng như trùng xuống rồi lặng đi, thoáng chốc ông vơ lấy gói thuốc ngay bên cạnh vo lại thành điều hút một hơi dài. Làn khói trắng bay phảng phất quyện vào lời kể của ông: “Đời tôi không được lành lặn hai con mắt nhưng lại có hai đời vợ. Số phận cũng thật lắm trớ trêu, tôi bị vợ bỏ nhưng lại cũng có người muốn theo không tôi về làm vợ...”
Năm 18 tuổi, khi ấy ông Hòa đã nổi danh khắp vùng bởi tài leo cây, lại có tính nết chăm chỉ nên ông Hòa được nhiều người yêu quý, trong đó có cô gái nổi tiếng xinh đẹp bậc nhất trong vùng thầm yêu trộm nhớ và họ nhanh chóng kết hôn không lâu sau đó. Chính bản thân ông lúc ấy cũng không thể ngờ một người mù lòa như ông vẫn có thể khiến trái tim người con gái được nhiều người theo đuổi yêu mến và lựa chọn.
Thế nhưng chung sống với nhau được hai năm, khi hai người có một đứa con chung thì vợ ông bỏ đi theo người đàn ông khác. Từ ngày vợ bỏ đi, ông Hòa buồn rượi. Biết ông buồn bã, hàng xóm thay nhau sang động viên, thăm hỏi ông, trong đó có bà Nguyễn Thị Tám - một người phụ nữ góa chồng, tự tay nuôi dưỡng ba con thơ dại. Thương ông Hòa nhưng sợ miệng lưỡi thế gian, bà Tám ôm chặt lòng cảm mến đến tận đáy tim.
Chỉ tới khi tình cờ trong một buổi đi làm cỏ năm 1964, bà Tám gặp ông Hòa đang đi đốn cây mướn. Thấy ông hì hụi cột dây, cưa cây bạch đàn hơn 6m, bà mủi lòng đánh tiếng kéo phụ: “Hồi đó tôi dại lắm, tôi hỏi ông: “Anh dám cho tôi đi theo phụ việc không? Tôi chỉ xin ít gạo đủ nuôi con thôi”. Ngờ đâu ông ấy gật đầu. Thế là chúng tôi nên duyên vợ chồng từ đó”, bà Tám mỉm cười nhớ lại.
Bà Tám đưa tay lên tai, chỉ vào đôi khuyên bằng vàng khoe: “Quà cưới của ông ấy tặng tôi đấy. Lúc đó điều kiện khó khăn, tôi nghĩ chỉ cần về ở với nhau, được chính quyền công nhận là hạnh phúc rồi. Ai ngờ, Trước hôm cưới, ông kéo tay tôi vào buồng, đưa cho tôi đôi bông tai, nói rằng quà cưới tặng vợ. Lúc đó tôi chỉ biết gục đầu vào vai ông mà khóc. Đó là kỷ vật thiêng liêng cả hai vợ chồng chúng tôi, đến khi chết đi tôi cũng không rời xa nó”.
Hình ảnh người vợ cầm theo cuộn dây dắt người chồng mù hai mắt đi đốn cây thuê, lội sông bắt cá đã trở nên quá quen thuộc với người phường Bình Thủy, quận Bình Thủy, TP.Cần Thơ trong suốt thời gian qua.
Ông Hòa chia sẻ: “Chúng tôi có tất cả bốn người con, chúng đều trưởng thành và đã có gia đình. Nhưng vợ chồng tôi không muốn sống dựa vào con cái và lòng thương hại của mọi người. Chính vì thế, chúng tôi sẽ lao động kiếm tiền cho tới khi không còn đủ sức. Gần đây, bệnh thấp khớp khiến chân tay tôi đau nhức, sưng vù, nhưng nếu như khỏe lại, có ai mướn, vợ chồng tôi sẵn sàng đi làm để sống”.