Chuyện tặng quà Tết

TP - Tại phiên họp thường kỳ Chính phủ vừa qua, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chỉ đạo “không chúc Tết Thủ tướng, lãnh đạo Chính phủ, lãnh đạo các bộ, ngành. Yêu cầu các tỉnh không về Hà Nội chúc Tết. Ở các địa phương cũng vậy”.

Qua việc này, có thể thấy người đứng đầu Chính phủ đang quyết tâm thay đổi tác phong làm việc của nội các với tiêu chí giảm bớt những hoạt động không cần thiết, tập trung những việc phục vụ người dân. Đó là việc rất đáng làm và sẽ rất tốt nếu tinh thần ấy lan tỏa tới các địa phương, tới những cơ quan công quyền dù là cấp thấp nhất.

Tuy nhiên, cũng là việc liên quan đến chuyện lễ tết, nhưng chuyện Cục Chống tham nhũng vừa công bố hai số điện thoại đường dây nóng tiếp nhận phản ánh của người dân về những tiêu cực, tham nhũng và tặng quà trái quy định dịp Tết 2017, mới nghe thì thấy hay, nhưng ngẫm một chút thì thấy có gì đó chưa ổn lắm.

Bởi điều dễ đoán là hai đường dây nóng này không thể mang lại hiệu quả cao, thậm chí có điểm không ổn. Xét về bản chất, tặng quà nhau cũng là việc chẳng có gì sai. Hơn nữa, ngay cả ông Phạm Trọng Đạt - Cục trưởng Cục Chống tham nhũng (Thanh tra Chính phủ) cũng thừa nhận với báo chí rằng việc phát hiện tiêu cực, tặng quà Tết trái quy định thông qua đường dây nóng của Thanh tra Chính phủ những năm qua rất ít, không muốn nói là chưa có vụ tặng quà có dấu hiệu hối lộ, tham nhũng nào được phát hiện thông qua “đường dây nóng”. Thậm chí nếu có nhận được phản ánh của người dân thì căn cứ nào để xử lý chuyện “tặng quà”, một hành vi không thể kết luận là phạm pháp.

Chúng ta nên xây dựng một nền hành chính bớt rườm rà, bớt các hoạt động lễ lạt. Còn chuyện chống tham nhũng thì phải chống từ gốc vấn đề. Thay vì kiểm soát chuyện tặng quà (không mấy hiệu quả), hãy kiểm soát chặt những hành động sau đó, sự “gia ân” sau khi nhận quà. Giả dụ ông sếp A có nhận của anh B quà tết có giá trị cao, nhưng quy trình bổ nhiệm hoặc cấp phép chặt chẽ, anh B có muốn lên chức phải chứng minh được năng lực, phải cạnh tranh bình đẳng với những người khác thì liệu anh có còn thích “tặng quà” nữa không? Trong mấy vụ “thăng tiến siêu tốc” ở ban chỉ đạo nọ, những cơ quan, tổ chức giám sát nhìn vào sự bổ nhiệm bất thường mà có ý kiến, mà thực hiện việc giám sát chứ ai mà theo dõi nổi có tặng quà hay không tặng quà, tặng cái gì, bao nhiêu và ở đâu. Khi quyền lực được giám sát chặt chẽ, có cơ chế kiểm soát tốt thì tự nhiên nạn biếu xén, lễ tết không cần đường dây nóng cũng sẽ giảm.

MỚI - NÓNG