Ông Lê Như Tiến, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội, nhận định như trên, khi trao đổi với Tiền Phong xung quanh việc các bộ, ngành, địa phương báo cáo không phát hiện trường hợp nào tặng quà, nhận quà tặng trái quy định dịp Tết Bính Thân 2016.
“Khách quan mà nói, từ những chỉ thị của Đảng, của Quốc hội, Chính phủ và các bộ, ngành, việc biếu, tặng quà Tết giảm đi rất nhiều. Tôi thấy ở Hà Nội, đồng chí Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Nguyễn Đức Chung cũng đã có chỉ thị rất chặt chẽ về việc không được biếu quà cấp trên, sử dụng xe công. Có thể do có những chỉ thị, chỉ đạo kịp thời như thế mà tình hình biếu quà Tết giảm đi, không còn nhộn nhịp như những năm về trước”, ông Tiến nhận định.
Tuy nhiên, ông Tiến cho rằng, việc mới có 22 đơn vị, địa phương gửi văn bản báo cáo cũng chưa thể phản ánh đầy đủ tình hình chung của cả nước. Có thể báo cáo chưa cập nhật được đầy đủ hoặc nếu có phát hiện thì dễ mắc phải tâm lý “không dại gì mà vạch áo cho người xem lưng”. Phòng, chống tham nhũng là công tác hết sức phức tạp, đầy khó khăn. Khi chúng ta quy định trách nhiệm người đứng đầu thì có thể họ sẽ đậy điệm, không công bố “mảng tối” của địa phương, hoặc tìm cách làm nhẹ tình hình. Theo ông Tiến, có thể có những địa phương, bộ, ngành ngại báo cáo những vấn đề như thế vì họ không có đầy đủ phương tiện để biết ai đến biếu quà cho ai và biếu cái gì.
“Còn cử tri, người dân không thể nào mà biết họ đến nhà lãnh đạo để làm gì, nhỡ họ chỉ thăm thú thôi, làm sao biết họ biếu những cái gì. Tôi nghĩ muốn biết được thì chỉ có sự vào cuộc của các cơ quan chức năng và các cơ quan bảo vệ pháp luật. Tôi đề nghị Thanh tra Chính phủ tiếp tục nhắc nhở, đôn đốc các bộ, ngành, địa phương báo cáo về việc này”, ông Lê Như Tiến nói.