Chuyện rước nước Ngã ba Bạch Hạc

Ngã ba Bạch Hạc. Ảnh: XB
Ngã ba Bạch Hạc. Ảnh: XB
TP - Địa danh Bạch hạc có tự khi nào? Có phải tự cái thuở hồng hoang các vua Hùng đặt chân đến Phong Châu mở cõi đắp nền gặp cây Chiên đàn khổng lồ sum suê cành lá. Thứ cây bây giờ còn thấp thoáng trong huyền tích của sử Việt. Trên cây hàng vạn chim hạc trắng bay rợp cả một vùng bát ngát?

Từ vị trí Chiên đàn, khoáng đạt tầm nhìn bao la phía trước- cái án thiêng của Đền Hùng là Ngã ba sông Bạch Hạc. Nơi 3 con sông Đà, Lô, Hồng- tam giang hợp lại có tên là Việt Trì. Việt Trì? Chả phải bỗng dưng có tên ấy? Trì là ao. Cái ao Việt? Tam Giang, ba dòng thiêng hợp lại ở Ngã ba Bạch Hạc từng thấp thoáng trong những đôi câu đối trên Bàn thờ Quốc tổ Hùng Vương Cơ Miếu.

Thiên thư định phận, chính thống triệu minh đô, Bách Việt sơn hà tri hữu tổ/ Quang nhạc hiệp linh, cố cung thành túy miếu, tam giang khâm đới thượng triều tôn

(Sách trời đã định, chính thống dựng kinh đô Bách Việt non sông có Tổ/ Núi sáng khí thiêng, cố cung thành miếu mạo, ba sông (sông Lô, sông Thao, sông Đà) quanh quất hướng chầu vua).

Rồi Tam Giang uy nghi tên ngôi chùa thiêng trấn trước Ngã ba Bạch Hạc sớm bửng tưng này du dương nhịp cầu kinh cùng trống mõ của thầy Nguyễn Mạnh Hùng kiêm lời bạch trước Đức Phật, sơn thần thủy địa cùng anh linh của các Vua Hùng, cầu cho cuộc về nguồn suôn sẻ của mấy anh em chúng tôi nhân đương bắt vào tiết Thanh minh năm Ngọ.

Tôi để ý thấy nhiều vị bỏ giầy, chân trần áp lên nền cát ẩm, bỏ mũ nón như một động thái giao hòa cùng Trời Đất. Chả biết nơi này có nhiều năng lượng để du khách nạp không nhưng nhác qua thấy sắc diện ai cũng như đang vượng cả?

Theo lịch trình, thuyền sẽ đưa chúng tôi ra một bãi bồi nổi lên ngay giữa Ngã ba Bạch Hạc. Đến đó, tới chính nơi giao hòa tụ thủy của ba dòng sông lớn, các bạn sẽ rũ bỏ hết những mọi toan tính trần tục hèn mọn, mở lòng ra đón khí linh của trời đất. Năng lượng tinh thần ấy sẽ trợ giúp các bạn suy ngẫm, lĩnh hội thêm cái ơn sinh thành đắp nền mở cõi của các Vua Hùng cùng những bậc tiền nhân để có non sông gấm vóc Đại Việt hôm nay.

Thầy Hùng, như hơi nhiều lời về mục đích của cuộc hành hương du lịch này? Chừng như ở nơi linh địa như thế này, thầy đâm hoạt ngôn? Thầy là cách gọi thân gần kiêm kính cẩn để gọi ông bạn thông minh, đọc thông hiểu rộng nhanh nhẹn hoạt bát, bỗng dạo ấy, nói chữ như bên Thiên chúa giáo là tự nhiên có ơn thiên triệu (có khả năng trở thành một linh mục) Nguyễn Mạnh Hùng, tất nhiên không trở thành cha cố cũng như một hòa thượng hay ông sư.

Nhưng thầy khá rành thạo việc tâm linh trong những việc trọng như cưới hỏi, tang ma, động thổ, cất nóc và nhất là việc phong thủy. Đám bạn bè tôi hầu hết đều phải nhờ thầy coi giúp và nhất nhất một thầy hai thầy! Vừa được việc (tạm an tâm cái đã), thứ nữa là cùng anh em bạn bè như người nhà có lẽ cũng dễ nói, cũng ấm áp, nhẹ nhõm đi mọi thứ. Trộm nghĩ, bây giờ ta có thầy thuốc gia đình thầy pháp luật (luật sư) gia đình, thì ông thầy tâm linh của gia đình, tại sao không?

Trong sương khói sông xuân đã lờ mờ trải mênh mông một Ngã ba Bạch Hạc. Ông chủ đò nói, cữ giữa ngày đông tháng giá hoặc cuối xuân đầu hạ thì ngay tại Ngã ba này nước sông Hồng có màu hơi đỏ, sông Đà màu lục còn sông Thao (Lô) màu bạc. Nhưng cữ này tôi thấy nước ba dòng đều có màu tờ tợ như nhau? Cũng hơi lạ, Ngã ba nơi hợp lưu của tam giang hình như là xa hơn gần chục cây số chỗ Trung Hà? Nhưng chỗ đó không có địa danh ngã ba mà đến Bạch Hạc này mới có tên hợp lưu này.

Chúng tôi rời thuyền, nhớm chân lên doi cát bồi nho nhỏ chỗ Ngã ba sông. Thầy Hùng cẩn thận đã sửa một lễ mọn hương hoa ngay giữa doi cát. Trời im gió, hơi mù nhưng không khí thoáng đãng vô cùng. Làn khói hương vút lên những vệt thẳng tăm tắp.

Chuyện rước nước Ngã ba Bạch Hạc ảnh 1

Đến Ngã ba thiêng. Ảnh: XB

Đám đông hết thảy lặng im như đang suy ngẫm những lời thầy Hùng căn dặn lúc ở chùa Tam Giang hoặc mỗi người như vô thức theo cách cảm, lối nghĩ của mình. Một ông dáng chừng thông sử đang cắt nghĩa cho nghe cái ngôi chùa Tam Giang (còn có tên là Đại Bi) có từ thời nhà Đường.

Thời ấy ông chức việc trông coi đất Phong Châu, đất Bạch Hạc thấy thần thánh thường về hiển linh nên kính và sợ phải lập chùa để phối thờ với Đức Phật. Rồi Chiêu Văn Vương Trần Nhật Duật thuở ấy đương đêm về chiêm bái các Vua Hùng đặng lấy thêm sĩ khí cho đạo binh thêm sức, thêm mưu để bày trận trên sông thiêng Đà Giang, Lô Giang để cự địch với giặc Nguyên Mông xâm lược.

Trong đoàn còn có vợ chồng một ông bạn đương làm ăn mãi tận Kharkov quốc gia Ukraine hiện đương mịt mù tương lai. Tôi thấy anh chị cũng bắt chước mọi người dùng một cái can hoặc chai nho nhỏ lấy nước Ngã ba Bạch Hạc và một vốc cát bãi bồi trong cái túi ni lông.

Trước đó có hỏi thì được biết nước sông cùng cát bồi này là... linh lắm! Linh thế nào? Là người ta dùng để lau rửa bàn thờ hoặc dâng cúng trên phần mộ người thân vào tiết Thanh minh. Lại nữa, vào dịp sang cát bốc mộ dùng nước để lau rửa hài cốt. Nước và cát này còn dùng vào việc hàn móng nhà khi khởi công hay động thổ cho lành!

Tôi thấy thầy Hùng khi đó nghe được cười lấp lửng rằng cũng có thể, nhưng thầy rành rẽ nói thêm tục rước nước của cư dân nông nghiệp lúa nước xứ mình có từ ngàn năm nay. Không riêng việc người ta thay cữ lấy bằng rước nước ở Ngã ba sông thiêng này mà nhiều vùng khác cũng có tục ấy để cầu an. Thủy, nước là đầu mối là căn nguyên của phúc lẫn họa. Tục rước nước là mở đầu cho một nghi lễ của Đại Việt mình là Lễ Cầu mát!

Không tiện hỏi và cũng chẳng dám chắc vợ chồng nhà ấy có mang xách thứ cát cùng nước thiêng sang tận xứ Ukraine đương rối ren kia không và họ dùng vào việc cầu an như thế nào? Nhưng thầm mong cho anh chị cùng cộng đồng bà con người Việt bên ấy hơn 10 ngàn người an lành, tránh được họa xung đột binh đao đương rập rình.

Lại nữa, trong sáng xuân thanh bình này trên đất Tổ, được thả lỏng mình có những phút thư thái giao hòa với Trời Đất nơi Ngã ba Bạch Hạc một xứ, một địa danh, như một huyệt đạo thiêng lẫn lành của Đại Việt, trộm nghĩ anh chị cũng là người may mắn.

...Cập bờ, rẽ vào một quán nước chạm mắt ngay với những tấm biển đại loại dịch vụ lấy nước, cát... Qua câu chuyện với ông chủ quán, thì trời đất ơi, lâu nay thiên hạ từng nườm nượp kéo về Bạch Hạc, lấy hay rước cát, nước chẳng biết? Hóa ra từ lâu chỗ Ngã ba Bạch Hạc này đã có dịch vụ đáp ứng yêu cầu ấy cho du khách.

Du khách nhiều vùng miền đã tìm về Việt Trì, kiên trì lẫn cầu kỳ rước bằng được thứ nước và cát chỗ Ngã ba sông. Xôm tụ là vào cữ Thanh minh hoặc tháng mười, tháng một âm lịch dịp cải táng. Vội thì hỏi mua ngay trên bờ, trong quán bao nhiêu cũng có. Thong thả thì thuê thuyền chèo ra sông. Hỏi thêm thì dịch vụ này tự phát chứ không ai quản. Những lúc cầu quá cung đã loáng thoáng xảy ra những chèo kéo tranh giành, hét giá vô tội vạ...

Liệu có nên nâng cấp một dịch vụ tâm linh mà đương tự phát lẫn nhuốm màu sắc và hơi hướng chi đó không được lành cho lắm, nếu không được hướng dẫn, thông tin? Một công ty du lịch với chức năng dịch vụ sinh thái kiêm tâm linh, tổ chức tốt từ khâu đưa đón khách, phương tiện, thuyết minh, ăn nghỉ... để đáp ứng nhu cầu được coi là chính đáng của du khách liệu có quá sức với Việt Trì và Phú Thọ nói chung?

Những gờn gợn lẫn cồm cộm cùng băn khoăn cứ choán chỗ cho cảm giác thư thái một buổi mai ở xứ Ngã ba thiêng Bạch Hạc.

Tôi chợt nghĩ đến Lễ Rước nước ở làng Bồng Thượng, Vĩnh Hùng, Thanh Hóa quê tôi. Làng Bồng Thượng có từ hồi Lê Sơ. Bồng Thượng là quê phát tích của Chúa Trịnh và có tục rước nước thành một Lễ hội suốt ba ngày.

Lễ bắt đầu từ đêm 27 cho đến 29 tháng Hai (âm lịch) mới kết thúc. Kể ra thì... ba ngày mới hết. Làng ở ngay bên sông Mã, nhưng thủ tục lấy cho được những vò nước thiêng (để làm lễ mộc dục- tắm gội cho tượng trong chùa, nước để thờ cúng cầu an) giữa dòng sông, nước ấy ở địa điểm nào, cung cách chèo thuyền và cúng kiếng ra sao là cả công đoạn phức tạp nhiêu khê.

Mà thứ nhiêu khê ấy được rải đều, được chia vui cho cả ba ngày hội. Hội ấy to lắm. Người các vùng miền ràn rạt kéo về... Có thi hát, kéo co, bơi trải.

MỚI - NÓNG