Chuyện ở quê...

Chuyện ở quê...
TP - Cơm nước xong, cũng vừa lúc trăng lên. Tôi bê bộ bàn ghế nhựa ra đặt giữa sân để hai chú cháu ngồi uống trà và trò chuyện với nhau.
Chuyện ở quê... ảnh 1

Lâu lắm rồi tôi mới về làng Khuội. Bởi ở nơi cắt rốn chôn rau, tôi chẳng còn ai thân thích ruột rà. May mà còn có gia đình ông chú họ kiên trì bám trụ ở quê để tôi thi thoảng tìm về.

Chợt tiếng kẻng vang lên từng hồi gióng giã, phá tan sự yên ắng tĩnh lặng của làng quê miền sơn cước. Tôi ngỡ ngàng, ngơ ngác.

Ông chú họ tôi bật cười:

- Có chi mô mà cháu ngạc nhiên? Tiếng kẻng thúc giục mọi người tới nhà sinh hoạt cộng đồng tham dự phiên tòa do trưởng thôn xét xử!

- ...

- Chú không đi không được! Cháu ở nhà hay là cùng đi với chú cho vui? Chuyện làng nước bây giờ cũng có lắm điều thú vị...

Trên đường đi, ông chú họ tôi bảo, lão Viết phục bắt tận tay day tận trán thằng Kha bẻ trộm cau vườn nhà lão. Hòa giải mãi không thành, trưởng thôn quyết định tối nay mở phiên tòa xét xử công khai. Và ai cũng đoán biết được kết cuộc là dĩ hòa vi quý mà thôi!

Chẳng mấy chốc, hai chú cháu tôi đã tới nhà sinh hoạt cộng đồng. Mọi người tập trung đến khá đông. Ông Hội - Trưởng thôn, ngồi chễm chệ nơi bộ bàn ghế kê chính giữa. Bên phải là lão Viết. Còn bên trái là ông Kha.

Đợi bà con bớt ồn ào và lần lượt kẻ trước người sau an tọa ở các băng ghế dài, ông Hội mới hắng giọng đôi ba bận nhằm thu hút sự chú ý của mọi người.

Buổi xét xử bắt đầu. Sau khi tường thuật lại nội dung vụ việc xảy ra, ông Hội phê phán gay gắt hành vi trộm cắp vặt của ông Kha. Và ông cũng phê phán lão Viết chuyên nghề “chuyện bé xé cho to”! Cuối cùng, ông quyết:

- Việc ông Kha trộm cau nhà ông Viết là sai! Song nghĩ đi thì cũng phải nghĩ lại. Xét cho cùng, ông Kha mò mẫm trong đêm khuya vắng trèo bẻ trộm cau, khi bị bắt quả tang đã ngoan ngoãn gánh về tận nhà cho ông Viết. Công - tội ngang nhau, huề!

Để lão Viết không có ý kiến ý cò lằng nhằng, ông Hội nói thêm:

- Tuy nhiên, ông Kha cũng phải hứa với bà con làng nước từ nay về sau không được tái phạm nữa! Phiên tòa tối nay đến đây kết thúc!

Tiếng vỗ tay thật lực của mọi người át tiếng phản đối la lối của lão Viết. Tất cả ồn ào cười nói như ong vỡ tổ. Rồi tất cả tự động giải tán, ai về nhà nấy. Hai chú cháu tôi lại theo lối cũ hồi gia.

“Làng ta, ngoài lễ hội kỳ yên, quanh năm suốt tháng chẳng có hoạt động văn hóa văn nghệ gì sất ! Thành thử, lâu lâu ông Hội lại bày trò mở phiên tòa xét xử vụ trộm cắp vặt, mua vui cho thiên hạ, cũng hay!”. Ông chú họ tôi cười bảo.

“Cháu thấy nó chẳng ra thể thống gì cả! Vì sao lại có chuyện như vậy, hả chú?”. Tôi tò mò hỏi. “Nông thôn thời mở cửa, mọi người đều dựa vào nhau, lợi dụng lẫn nhau để mưu cầu lợi ích riêng cho bản thân mình... Chính vì thế nó mới đẻ ra lắm chuyện khôi hài!”. Ông chú tôi lại cười bảo.

Trăng đã lên cao hơn hai con sào. Điện đóm phập phù. Tôi lại khệ nệ bê bộ bàn ghế nhựa ra đặt giữa sân để hai chú cháu ngồi uống trà, hóng gió và chuyện trò với nhau.

...Lâu ngày cháu mới về làng Khuội nên không hiểu hết được những thay đổi trong thời mở cửa. Người ta nói, làm trưởng thôn là làm cái công việc “ăn cơm nhà, vác tù và hàng tổng”.

Đúng! Nhưng chỉ đúng với những năm 90 của thế kỷ XX! Bởi bây giờ làm trưởng thôn không vất vả như một thời đã qua, mà còn có lộc lai rai để hưởng.

Hằng tháng được nhà nước chu cấp cho mấy trăm ngàn. Cũng chả bõ bèn gì ! Tuy nhiên, cái chính là những đặc quyền đặc lợi dành cho trưởng thôn! Ma chay, cưới hỏi, giỗ kỵ, tiệc tùng... trưởng thôn khỏi phải lo phong bao phong bì, hay chai rượu làm quà!

Cứ vác xác đến với người ta là tốt lắm rồi! Mà dân làng Khuội quanh năm có đám, không nhà này thì cũng nhà kia... Đó là chưa kể những cuộc nhậu ngẫu hứng sau một ngày trần lưng lao động của đám thanh niên!

- Những đặc quyền đặc lợi ấy, kể ra cũng “béo bở” đấy! Tôi nói. Nhưng tại sao ở nông thôn bây giờ ít có người chịu gánh vác trọng trách ấy...

- Cái gì cũng có hai mặt của nó! Ông chú họ tôi cười bảo. Làm trưởng thôn được thiên hạ trọng vọng, mời mọc đám tiệc liên miên. Sướng, nhưng xét cho cùng cũng... khổ! Cứ bỏ bê công việc nhà cho vợ con đầu tắt mặt tối lo toan, cũng tội!

...Ông Hội “tốt số” có bà vợ đảm đang, quán xuyến hết thảy việc nhà, thành ra ông ta hóa... thừa! Làm trưởng thôn đã mấy chục năm nay, ông ta ăn thủng bát nát nồi thiên hạ. Và vì thế, ông ta rất ngại va chạm.

Dân làng Khuội lợi dụng nhược điểm ấy của ông ta nhằm mưu cầu lợi ích riêng cho mình. Người nghèo, con cái đi lao động xa quê, chẳng cần xin giấy tạm vắng tạm trú, chỉ cần trưởng thôn làm ngơ là được. Vào mùa giáp hạt, cấp trên cứu trợ, nhà nào cũng yên tâm chẳng sợ mất phần.

Kẻ khá giả không ưng xếp vào diện khá giả, cứ muốn ở mãi diện nghèo để được miễn giảm các khoản đóng góp, được vay vốn ưu đãi với lãi suất thấp để làm ăn... Mà không riêng gì làng Khuội, nhiều nơi trong xã trong huyện đều như thế cả! Kể cũng lạ...

Đêm đã khuya. Và trăng cũng đã khuất sau dãy núi Đầu Voi. Sợ tôi mệt, ông chú họ tôi giục đi ngủ. Nằm trên bộ phản ngựa, tôi cứ trằn trọc mãi không sao chợp mắt được. Bao chuyện quê thời mở cửa khiến trong tôi ngổn ngang bao nỗi vui buồn...

Tháng 3/2008

MỚI - NÓNG