Chuyện làng Văn (nhân Đại hội X Hội Nhà văn Việt Nam):

Chuyện một người viết

Bỏ phiếu bầu BCH Hội Nhà văn IX
Bỏ phiếu bầu BCH Hội Nhà văn IX
TP - Người ta nói nghề chọn người, chứ không phải người chọn nghề nào cũng được? Có lẽ đúng với trường hợp Nguyễn Việt Chiến?

Dạo Nguyễn Việt Chiến còn làm ở báo Văn Nghệ, không nhiều người biết. Nguyễn Việt Chiến thảng hoặc có xuất những bài thơ in trên báo nhà hoặc rải rác đâu đó. Xôm tụ hơn là những tập thơ. Mà thơ Chiến lại kén người đọc. Phần nhà báo ký giả của Chiến hình như chìm lút đâu đó trong những mẩu tin hay bài tường thuật tằng tằng. Nhưng những năm đầu 90 của thế kỷ trước tự dưng nẩy nòi ra một Nguyễn Việt Chiến với những tin bài sắc lẹm về mảng điều tra chống tiêu cực trên tờ Thanh Niên. Rất đông các thi sĩ làm báo. Nhưng thường nhà thơ mà rẽ ngang như thế đa phần người ta ký một bút danh khác. Nhưng nhà thơ Nguyễn Việt Chiến vẫn trần thùi lụi cái tên khai sinh trên những trang báo của tờ Thanh Niên. Động thái ấy cứ như đương ló dạng và khẳng định một cá tính?

Đận Chiến phản ứng quyết liệt đòi trang web của Hội Nhạc sĩ Việt Nam phải tháo ngay bài Mưa tháng Giêng, một ca khúc khá nổi dạo ấy được thể hiện bởi giọng hát của ca sĩ Trần Thu Hà bởi Mưa tháng Giêng phổ thơ Nguyễn Việt Chiến và nhạc sĩ  quên không đề tên tác giả! Nhiều người coi phản ứng của nhà thơ Nguyễn Việt Chiến khi ấy hơi bị căng quá vì thông thường tác giả xin lỗi nhà thơ là xong, nhưng Chiến cho rằng cái bệnh quên cố hữu của nhiều nhạc sĩ như thế đã thành tiền lệ làm khổ và xúc phạm không ít đến các nhà thơ nên Chiến phải hành xử quyết liệt để góp phần dẹp cho đến cùng nạn đạo nhạc !?

Chuyện một người viết ảnh 1 Nhà thơ Nguyễn Việt Chiến tại Ngày Hội thơ Việt Nam

Trong sáng tác của mình, Nguyễn Việt Chiến được giới thơ coi là một trong những tên lính xung kích của sự tìm tòi cách tân. Nhưng tiêu chí của Chiến lại giản dị trần thùi lụi thế này Cái mới trong thơ không phải là sự trình diễn sự cấu trúc mới lạ mà điều phải hướng tới là một phát hiện về tính suy tưởng (trích trả lời một phỏng vấn).

Chúng ta hay ngồi dưới bóng râm/và thường nói những điều ồn ào nóng nực/Nhưng khi lê bước dưới mặt trời chói gắt/Chúng ta thường không nói gì!

Không dừng lại những đóng góp về tính suy tưởng như thế, Nguyễn Việt Chiến rạch ròi cụ thể bằng thể loại báo chí mà G. Marquez từng ưa thích nhất nó tự nhiên và hữu ích nhất. Đó là phóng sự. Nó không chỉ gần đời sống mà còn thực hơn đời sống nữa. Nó cũng có thể giống như một truyện ngắn hoặc một cuốn tiểu thuyết với một khác biệt duy nhất và cũng là thiêng liêng mà những người làm báo chân chính không thể vi phạm: Trung thành với sự thật đến dấu chấm cuối cùng!

Hàng trăm tin bài qua những vụ lớn nhỏ như Khánh trắng, Năm Cam, PU18... đã bầu lên một Nguyễn Việt Chiến xông xáo, một cái tên không dễ chuội trong bạn đọc! Cho đến bây giờ vụ PU18, người ta vẫn coi đó là vụ tham nhũng nổi cộm nhất được phát hiện và được các cơ quan chức năng xử lý quyết liệt. Nhưng thời điểm xảy ra vụ việc, rất ít người biết chân trời đã có những dạng chớp báo hiệu những giông gió bất thường!

Dạo tháng 3/2008, tôi với Chiến nhập vào đoàn viết đi thực tế khu công nghiệp Khí Điện Đạm ở Cà Mau. Đêm đó mãi khuya không thấy Chiến về phòng, tôi lang thang sang mấy buồng bên ở nhà khách thì thấy Chiến đang ngồi với một bạn đồng nghiệp. Giữa họ đang có vẻ gì đó mặn chuyện lắm. Thấy tôi, Chiến cười và buông cái chất giọng oang oang cố hữu tao đang tham khảo ý kiến thằng này ít kinh nghiệm xem nhỡ mai kia có bị vào tù để mang ra mà xài... Tôi quát Chiến rằng mày chỉ phỉ phui cái mồm! Thằng này tức là phóng viên báo L hơn mười năm trước viết bài về một vụ chia chác tiêu cực trong ngành dầu khí đã từng bị gọi lên thẩm vấn hàng chục lượt vì cái tội lộ bí mật quốc gia!

Không biết Chiến nghe được ở đâu rằng, Chiến nằm trong số những phóng viên sắp bị gọi hỏi? Về Hà Nội ít ngày, hoá ra cái sự phong thanh đêm ấy Chiến nói lại là việc thật. Hàng chục phóng viên nội chính của nhiều báo viết về vụ PU 18 lần lượt được gọi lên cơ quan có trách nhiệm để thực thi việc thẩm vấn trong đó có Chiến.

Rồi Chiến đột ngột bị bắt.

Tôi thầm nghĩ, dạng người như Chiến làm sao mà yên hàn được? Chẳng máy điều hoà nào có thể cứu nỗi một sa mạc/ Đang phổng phao lớn dần những khao khát trong tôi... Viết ra những thứ đại loại như thế chẳng phải là tuỳ hứng? Lại thoáng nhanh những dòng nhận xét của lãnh đạo tờ báo Thanh Niên hôm Chiến bị bắt như một thứ sơ kết, như một dạng lý lịch trích ngang 

Nguyễn Việt Chiến là nhà báo nhiệt huyết, chín chắn, và có nhiều bài viết dũng cảm đấu tranh chống tiêu cực, đặc biệt trong vụ án “Năm Cam và đồng bọn”, được dư luận đánh giá cao. Ngoài lĩnh vực báo chí Nguyễn Việt Chiến còn là nhà thơ có tài. Anh đã đoạt nhiều giải thưởng thơ của Báo Văn Nghệ, Tạp chí Văn nghệ Quân đội và gần đây được giải thưởng thơ của Hội Nhà văn.

Trong số thư và quà của bạn đọc gửi đến nhà cô giáo Ngọc vợ Chiến, hơn chục bức thư bày tỏ tình cảm khâm phục anh Chiến và động viên cô giáo Ngọc cố gắng vượt qua khó khăn, tôi thoáng nhanh những dòng của ba người xin tình nguyện chữa trị bệnh trĩ và đại tràng miễn phí cho Nguyễn Việt Chiến sau khi đọc những thông tin trên báo về bệnh tình của anh. Hay ngắn gọn đơn giản chỉ mấy dòng  kính chuyển gia đình anh Chiến. Một độc giả Hà Nội. 15 hộp thuốc đại lão hoàn và một hộp sâm của hai độc giả giấu tên khác. Một tập photocopy cuốn Suối nguồn tươi trẻ (Lê Thành dịch, NXB Trẻ ấn hành. Một cuốn sách hướng dẫn cách tập Thiền nhằm tránh những phiền muộn vượt qua khủng hoảng tinh thần) kèm 2 triệu đồng của hai cha con nhà thơ Hoàng Hưng và Lê Hoàng Ly thân mang đến tận nhà.

May mắn Chiến không bị lê thê trải 2 năm tù như án đã tuyên. Ngày 15/1/2009 Nguyễn Việt Chiến đã được đặc xá trước Tết Nguyên đán Kỷ Sửu sau tám tháng thụ hình án tù giam.

May nữa đầu năm 2009, báo Thanh Niên nhận Chiến trở lại làm việc. Mãi năm 2012 Chiến hồi hưu.

Nguyễn Việt Chiến đang ngồi kia. Đang say chuyện với đám bạn. Dường như những ngày buồn ấy không đủ sức để trĩu, lệch cuộc đời Chiến sang một hướng lầm lụi khác? Chiến như đang bấn bíu tở mở một cách có lý hết cùng Trần Đăng Khoa phụ trách trang báo mạng của Hội Nhà văn. Lại cắm cúi tiếp việc nội trị tạp chí Nhà Văn cho Hội. Và bây giờ đang bận bịu với chức danh mới Phó chủ tịch Hội văn bút Hà thành.

(Còn nữa)

Cho đến bây giờ vụ PU18, người ta vẫn coi đó là vụ tham nhũng nổi cộm nhất được phát hiện và được các cơ quan chức năng xử lý quyết liệt. Nhưng thời điểm xảy ra vụ việc, rất ít người biết chân trời đã có những dạng chớp báo hiệu những giông gió bất thường!

MỚI - NÓNG