Đại hội Nhà văn nhiệm kỳ X: Bình yên đến bất ngờ

Hội Nhà văn Việt Nam nhiệm kỳ X (2020-2025) bầu ra Ban Chấp hành mới gồm 11 thành viên. Ảnh: Kỳ Sơn
Hội Nhà văn Việt Nam nhiệm kỳ X (2020-2025) bầu ra Ban Chấp hành mới gồm 11 thành viên. Ảnh: Kỳ Sơn
TP - Phiên họp nóng nhất của Đại hội đại biểu Hội Nhà văn Việt Nam nhiệm kỳ X (2020-2025) diễn ra hết sức yên ả. Ban Chấp hành mới được bầu ra ngay lần đầu tiên, số phiếu tập trung cao.

Không xung đột

Đại hội đại biểu Hội Nhà văn Việt Nam nhiệm kỳ X diễn ra từ 23-25/11. Phiên họp nội bộ và bỏ phiếu được cho là nóng nhất mỗi kỳ đại hội hóa ra trôi qua trong êm ả. Nhà báo, nhà văn Xuân Ba nói chưa thấy năm nào đại hội bình yên đến thế, bởi không có chuyện cướp diễn đàn. Màn “cướp” micro duy nhất là khi nhà thơ Trần Nhương hô hào đại hội nổ tràng vỗ tay dài thể hiện sự cảm kích trước tuyên bố rút khỏi Ban Chấp hành (BCH) nhiệm kỳ này của ông Hữu Thỉnh, Nguyễn Trí Huân và Trần Văn Tuấn.

Nhà thơ Hữu Thỉnh phải xin rút lần thứ hai, là bởi ông tiếp tục được đề cử tại đại hội dù trước đó không có tên trong danh sách 11 người do BCH đương nhiệm đề cử. Dù chỉ đạt 85 phiếu đề cử tại chỗ nhưng ông Hữu Thỉnh vẫn là người có số phiếu cao nhất. Sau hai chục năm ngồi ghế Chủ tịch Hội, ông Hữu Thỉnh rút lui, trong đó lí do lớn nhất là việc chấp hành Nghị quyết quy định về độ tuổi tham gia BCH của các hội chuyên ngành- không quá 65 tuổi.

Khoảng 15h chiều 24/11, gần 600 hội viên nhận lá phiếu bầu in danh sách 15 người: Lương Ngọc An, Viên Lan Anh, Phan Hoàng, Vũ Hồng, Nguyễn Thị Thu Huệ, Trần Hùng, Trần Đăng Khoa, Bích Ngân, Nguyễn Bình Phương, Trần Quang Quý, Nguyễn Trọng Tân, Nguyễn Quang Thiều, Khuất Quang Thụy, Trần Hữu Việt và Bùi Xuân. Chỉ hơn 17h chiều, Ban kiểm phiếu đã công bố kết quả bầu BCH đạt được chỉ tiêu 11 người với số phiếu rất tập trung: người cao nhất 88%, người thấp nhất hơn 50%.

Ngay trong tối 24/11, nhà văn Nguyễn Quang Thiều được bầu làm Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam nhiệm kỳ X. Hai Phó Chủ tịch là nhà văn Nguyễn Bình Phương, nhà thơ Trần Đăng Khoa.

Nhà văn Nguyễn Bình Phương trúng cử với số phiếu cao nhất 469 phiếu, đạt 88%, tiếp theo là Nguyễn Quang Thiều (451 phiếu), Trần Đăng Khoa (420), Nguyễn Thị Thu Huệ (386) cùng các thành viên Lương Ngọc An, Khuất Quang Thụy, Vũ Hồng, Trần Hữu Việt, Trần Hùng, Phan Hoàng, Bích Ngân.

Nhà thơ Vũ Quần Phương nói hộ tâm trạng của nhiều đại biểu: Tâm lý anh em là ai làm cũng được cho nên không cần tranh luận nhiều về chi tiết. Cho nên những điều lăn tăn như việc bỏ hẳn phần tự ứng cử BCH cũng nhanh chóng được bỏ qua. Hình ảnh có tính “hỗn loạn” nhất tại đại hội chính là thời điểm bỏ phiếu. Gần 600 đại biểu rồng rắn xếp hàng ùn ùn đổ về phía hòm phiếu, mong nhanh chóng bỏ cho xong để... giải lao.

“Ai làm chủ tịch cũng thế, cuộc bầu cử này êm ả không có gì xung khắc đến mức phải đấu tranh cả. Muốn căng thẳng cũng khó bởi những lớp trước họ lăn vào làm thực sự, giờ bảo họ làm chưa chắc muốn. So với chục năm trước, lứa hay tranh đấu có lẽ bước vào độ tuổi 70 rồi nên muốn lão giả an chi (người già thích an nhàn). Hơn nữa đời sống hiện nay có nhiều điều đáng lo hơn mấy chuyện lục đục trong Hội. Quan trọng hơn cả là việc “đấu” nhau lặt vặt trong Hội không phải chức năng của văn chương, những người làm văn chương phải quan tâm những thứ đáng hơn”, nhà thơ Vũ Quần Phương phân tích.

Gánh nặng ghế chủ tịch

“Giữ được Hội Nhà văn như anh Hữu Thỉnh làm được cũng là tài năng”, nhà thơ Vũ Quần Phương nhận định. Ông Hữu Thỉnh giữ ghế Chủ tịch Hội hai chục năm, chịu nhiều điều tiếng “tham quyền cố vị”, thế nhưng số phiếu tín nhiệm ở các cấp cơ sở và ngay tại đại hội vẫn ở mức cao. Người chê trách Hữu Thỉnh hóa ra không đông đảo bằng số hội viên ủng hộ. Người ta nhìn thấy việc hội khó khăn, không phải ai cũng có thể “làm chủ tình hình, làm chủ bản thân” như ông Hữu Thỉnh.

Không quá quan trọng người kế nhiệm ông Hữu Thỉnh điều hành Hội nhiệm kỳ tới, nhiều đại biểu cho rằng chỉ cần người khác đã làm nên khác biệt. Sự khác biệt có thể tốt hoặc tệ hơn hiện nay, nhưng ít ra nó tạo ra sự thay đổi. Tân chủ tịch có thể chưa kinh nghiệm bằng đàn anh, nhưng ít ra có kiểu quản lý khác với sự trì trệ về tư duy và lối điều hành cả chục năm nay.

Nhà văn Nguyễn Trí mới bay ra Hà Nội nhận một giải thưởng văn học nhưng không có suất được dự đại hội. Hỏi tâm tư của hội viên mới kết nạp 5 năm nay, ông Nguyễn Trí thẳng thắn nói về những nghi vấn không trong sáng khi kết nạp hội viên mới: người có tài đứng ngoài cuộc, người được kết nạp thì không ai biết tên. Nhận thấy BCH cũ “không định hướng được cho các nhà văn, không hỗ trợ nhiều cho hội viên” vì thế ông kỳ vọng BCH nhiệm kỳ mới năng động hơn.

Hành trình sáng tạo của nhà văn mang tính cá nhân, cần gì tới sự định hướng của Hội? Ông Nguyễn Trí cho rằng, có những khi tác giả viết ra tác phẩm và tự thấy “đụng chạm”, nên rất cần sự hỗ trợ từ Hội để họ vượt qua rào cản đó. Một số đại biểu trẻ lại kỳ vọng vị tân chủ tịch đổi mới theo hướng tăng kết nối, giao lưu quốc tế nhất là mảng dịch thuật tác phẩm chọn lọc Việt để quảng bá rộng ra khu vực và thế giới.

Ban Chấp hành khóa X gồm 11 thành viên làm việc phiên đầu tiên ngay tối 24/11 để bầu ra các chức danh Chủ tịch, Phó Chủ tịch. Ngày 25/11, Ban Chấp hành ra mắt đại hội.

MỚI - NÓNG
Tổng cục Hải quan bổ nhiệm vụ trưởng mới
Tổng cục Hải quan bổ nhiệm vụ trưởng mới
TPO - Tổng Cục trưởng Tổng cục Hải quan Nguyễn Văn Thọ vừa trao quyết định điều động, bổ nhiệm có thời hạn ông Trần Quang Trung - Phó Cục trưởng Cục Hải quan Quảng Ninh - giữ chức Vụ trưởng Tổ chức cán bộ, Tổng cục Hải quan.