Đua với tinh thần thượng võ
Mươi phút trước khi bắt đầu cuộc đua diễn ra trong tháng 5/2014 quy tụ 20 chiến mã trên núi Lang Biang (huyện Lạc Dương, Lâm Đồng), các chú ngựa đứng phía sau vạch xuất phát cứ nhấp nhổm không yên, thi nhau hí vang cả khu rừng ra chiều sốt ruột lắm. Con ngựa ô Zymy của Cil Yiong Long (22 tuổi, thôn Đăng Ja, thị trấn Lạc Dương, huyện Lạc Dương) trông rất oai: Khịt khịt mũi, tung hai chân trước lên cao quá đầu rồi búng người nhảy về phía trước bằng hai chân sau như làm xiếc, thúc giục chủ nhân cho tung vó trên đường đua. Các nài ngựa tuổi 18 đôi mươi cũng căng mình trên lưng ngựa chờ đợi.
“Xem đua ngựa ở nhiều nơi nhưng chưa thấy cuộc đua nào khó khăn và nguy hiểm như ở đây!” - tôi bắt chuyện với chàng trai 27 tuổi K’Truik (trú tại thị trấn Lạc Dương), người nhiều lần đoạt giải quán quân đua ngựa không yên, đã tốt nghiệp Đại học Văn hóa nghệ thuật Quân đội nhưng sau đó trở về buôn làng huấn luyện ngựa rồi cho du khách thuê để chụp hình kỷ niệm chuyến tham quan cao nguyên hoặc cưỡi ngựa rong ruổi trên những sườn đồi bạt ngàn hoa cỏ dại.
“Phải tập luyện trong nhiều năm mới có thể cưỡi ngựa không yên thuần thục trên những đường đua gai góc như núi Lang Biang” - K’Truik nói và cho biết thêm: Người Lạch chủ yếu dùng hai đùi để giữ thăng bằng và điều khiển ngựa. Muốn giữ thăng bằng, phải ngồi đúng vào điểm lõm gần vai và kẹp chặt hai đùi vào bụng ngựa. Đôi tay phải nắm lấy bờm nên không thể cầm roi quất ngựa, do đó đôi chân đảm trách luôn việc điều khiển tốc độ: Ngựa chạy nhanh hay chậm tùy vào lực ép từ chân nài. Những lúc phóng nhanh thì rạp mình trên lưng ngựa để có thêm điểm tựa và giảm bớt lực cản của gió”.
“Đã nhiều lần xem đua ngựa không yên nhưng chưa một lần thấy ngựa chèn ép đối thủ” - tôi nêu thắc mắc với chàng trai người Lạch đang cùng dự khán cuộc đua .“Đua ngựa là cuộc chơi thể hiện sức mạnh, sự phóng khoáng của những người con núi rừng Lang Biang. Ai có ngựa hay, chiến thuật huấn luyện tốt và gặp may thì chiến thắng chứ người đua không dùng các chiêu thuật ép, chèn, kèm đối thủ… Người Lạch coi ngựa như thành viên trong gia đình nên không bao giờ ăn thịt, ngựa chết thì mang đi chôn. Đáp lại, ngựa rất trung thành và dẫu là ngựa chứng đến đâu cũng không gây hại cho con người”- chàng trai vui vẻ trả lời.
Cuộc trò chuyện bị gián đoạn bởi âm thanh vang dội của tù và cùng tiếng hò reo phấn khích của khán giả khi đoàn ngựa đua đang vào giai đoạn nước rút. Ngựa lao nhanh như xé gió khiến đồi núi như chao nghiêng. Đang so kè cùng hai chú ngựa vằn, con ô đột nhiên bứt tốp. Yiong Long rạp mình trên lưng ngựa, mái tóc phiêu bồng cùng chú ngựa ô băng băng về đích trong tiếng vỗ tay, reo hò cuồng nhiệt của đông đảo du khách và ánh mắt nồng nàn, đắm đuối của sơn nữ Lạch. Chàng quán quân phấn khích đến độ đứng hẳn trên lưng ngựa và có những pha nhào lộn ngoạn mục.Năm 1893, bác sĩ A.Yersin đã cưỡi ngựa thám hiểm và khám phá Lang Biang, làm tiền đề cho việc hình thành phố núi Đà Lạt sau này. Lang Biang ngày nay vẫn hoang sơ, bí ẩn nên có sức hút đặc biệt đối với du khách.
Giải thưởng của các cuộc đua này thường chỉ là một khoản tiền khiêm tốn (đủ để người chiến thắng liên hoan cùng vài chiến hữu) hoặc một dải khố, chiếc áo thổ cẩm, túi quà, thậm chí chỉ là bao cỏ cho ngựa. Tuy nhiên ngựa vô địch sẽ nổi tiếng khắp buôn và kỵ mã điều khiển được ngưỡng mộ, trọng vọng. Tài sản thách cưới khi sơn nữ muốn bắt các kỵ mã này làm chồng cao ngất ngưởng.
Tại cuộc đua diễn ra cách đây gần 3 tháng, đang vào giai đoạn nước rút, chú ngựa lông vàng chẳng may bị vấp khiến nài bật khỏi lưng ngựa rơi xuống đất. May mắn là chú ngựa chạy phía sau đã kịp co vó nhảy qua chứ không đạp trúng nài. Cú ngã không nhẹ tí nào nhưng điều lạ là kỵ mã chẳng hề hấn gì. “Chàng trai này có võ ngã ngựa nên không bị thương. Võ này phải luyện từ nhỏ” - già Dagôt Jrôl (thôn Đăng Ja) tiết lộ.
Các già làng từng trải mấy chục năm trên lưng ngựa khuyên rằng nên chọn những con ngựa từ 4 - 6 tuổi vì đó là tuổi sung sức nhất. Dấu hiệu để nhận biết chúng là vừa mọc đủ răng và răng trắng đều; mặt khác, cổ dài, gân to, thịt săn, bờm dày, bụng gọn, ngực nở, chân thẳng và thon chắc. Nên cho ngựa chạy thử mấy vòng quanh núi, nếu vẫn thở đều, không khục khặc là đạt. “Phải mất ít nhất 2 - 3 năm mới huấn luyện được chú ngựa hay: Cho ngựa dần làm quen rồi chinh phục tất cả các địa hình như sông suối, đèo dốc, những trảng bằng, sườn núi gồ ghề, hiểm trở… để có nhiều kiểu bước chân khác nhau. Cho ngựa tập luyện thường xuyên với cấp độ tăng dần để tạo sức bền, dẻo dai. Luyện cho chúng bước chạy êm rồi cách chạy nhanh nhưng vẫn giữ được thăng bằng để tránh vấp ngã. Trước mỗi kỳ thi đấu, không cho tiếp xúc với ngựa cái để khỏi mất sức hoặc ngựa lạ để khỏi học tính hoang dã, không nghe lệnh chủ” - Yiong Long tiết lộ.
Ngựa của người Lạch dẻo dai, dũng mãnh, giỏi leo núi và ít bị bệnh nhưng lại thấp, nhỏ con, lông ngắn nên chẳng bắt mắt. Ngày nay người Lạch đã học cách phối ngựa Lạch với một số giống ngựa có nguồn gốc từ châu Âu hoặc Trung Đông để cho ra những con lai vừa có những ưu thế của ngựa bản địa vừa có vóc dáng đẹp, cao ráo, bộ lông mượt mà. “Chú ngựa ô Zymy vừa cùng mình giành ngôi vô địch là một trong những chú ngựa lai như thế” - Yiong Long nói.Nhiều tình huống hài hước
Với người Lạch, đua ngựa là cuộc chơi ngẫu hứng và bình đẳng. Ngày giờ cùng địa điểm đua được thông báo, truyền miệng khắp buôn làng. Ai thích thì mang ngựa đến đua, không hạn chế số lượng, không phân biệt tuổi tác. Đa số ngựa tham dự cuộc đua là ngựa được nông dân nuôi bán hoang dã: Chuồng luôn mở cửa để nếu thích ngựa có thể vào rừng tìm thức ăn, sinh sản rồi tự tìm đường về nhà. Thỉnh thoảng gia chủ vào rừng thăm ngựa để xác định vị trí, lúc nào cần ngựa để thồ hàng, chăn dắt trâu bò… thì ra huýt sáo gọi về. Số chiến mã đuợc huấn luyện chuyên nghiệp rất ít. Tuy nhiên, chính sự không chuyên nghiệp và mộc mạc ấy mang lại không khí hội hè tưng bừng, vui vẻ cho khán trường.
Ở vòng bảng, dẫu chưa có hiệu lệnh xuất phát, một số chú ngựa bất kham đã nôn nóng lao về phía trước; một vài chú khác đến lúc xuất phát lại đứng chôn chân tại chỗ hoặc chạy ngược về phía sau. Có chú ngựa đang thi đấu chợt nghe tiếng hí của bạn tình liền xé toạc hàng rào, bỏ trường đua để tìm bạn. Không ít trường hợp dẫu đã kết thúc vòng đua nhưng ngựa quá sung và phấn khích nên chạy khuyến mãi thêm vài vòng khiến khán giả reo hò, vỗ tay cổ vũ rào rào.(Còn nữa)Đua ngựa không yên đã được khởi xướng ở Lang Biang từ hơn nửa thế kỷ trước và trở thành nét văn hóa độc đáo của người Lạch. Mỗi năm có 3 - 4 cuộc đua lớn.