Chuyên gia xã hội học: Nên thí điểm quy hoạch 'phố đèn đỏ'

TS Trịnh Hòa Bình: Nên thí điểm quy hoạch “phố đèn đỏ” để bảo vệ những người hoạt động trong lĩnh vực này. Ảnh: Xuân An.
TS Trịnh Hòa Bình: Nên thí điểm quy hoạch “phố đèn đỏ” để bảo vệ những người hoạt động trong lĩnh vực này. Ảnh: Xuân An.
TP - Chuyên gia xã hội học - TS Trịnh Hòa Bình cho rằng, nên thí điểm quy hoạch “phố đèn đỏ” để quản lý tốt hơn. Đặc biệt, đã tới lúc chúng ta đặt vấn đề phải có pháp luật bảo vệ những người hoạt động trong lĩnh vực “nhạy cảm”, những người bị chà đạp, bị “cò” ăn trên lưng, không có ai bảo vệ.

Thực tế vẫn tồn tại

Trao đổi với PV Tiền Phong, TS Trịnh Hòa Bình cho biết, chúng ta coi mại dâm là nhạy cảm rồi đưa vào cấm đoán là không đúng. Thực tế vẫn có thị trường mại dâm tồn tại phục vụ nhu cầu một bộ phận người có hoàn cảnh éo le, chúng ta không thể cấm nhu cầu của họ (như những người đàn ông không lấy được vợ, không còn vợ, phụ nữ không chồng…). Ngoài ra, những người hành nghề mại dâm hay “dịch vụ nhạy cảm” đang không được hưởng quyền con người, không được pháp luật bảo vệ.

Đã đến lúc chúng ta đặt vấn đề phải có pháp luật bảo vệ những người hoạt động trong lĩnh vực đó, những người bị chà đạp, bị cướp không, bị “cò” ăn trên lưng, không có ai bảo vệ.

TS Trịnh Hòa Bình

Việc đề xuất quy hoạch các khu phố kinh doanh ngành nghề nhạy cảm, theo TS Bình, đó là bước chuyển biến trong nhận thức của những người có trách nhiệm. “Thay vì phòng chống một cách cực đoan, giờ chuyển sang quản lý một cách hiệu quả. Đã không chống được nên đưa vào quản lý để tốt hơn”, TS Bình nói.

Theo TS Bình, vấn đề không chỉ câu chuyện chống hay quản lý mại dâm, bản chất người quản lý vẫn chưa dám nhìn thẳng sự thật. Do đó, phải viện dẫn vấn đề đạo đức, truyền thống, thậm chí nhân phẩm người phụ nữ. Nhưng theo vị chuyên gia này, hiện không chỉ có mại dâm nữ, còn có cả mại dâm nam, đồng giới, chuyển giới.

Chuyên gia xã hội học: Nên thí điểm quy hoạch 'phố đèn đỏ' ảnh 1 TS Trịnh Hòa Bình.

Theo ông, việc viện dẫn truyền thống để cấm mại dâm, không quy hoạch các “phố đèn đỏ” có thỏa đáng?

Khi chúng ta quản lý tốt chính là bảo vệ xã hội, vì có thể chủ động phòng tránh dịch bệnh, đảm bảo các chế độ lao động, nhân thân những người làm nghề đó (mại dâm, phục vụ - PV) cũng được coi trọng. Ngoài ra, nhà nước thu được thuế, người hành nghề được pháp luật bảo vệ.

Tất nhiên, không thể thừa nhận mại dâm là một nghề, vì đã nghề phải được đào tạo, cấp chứng chỉ… Nhưng việc quy hoạch các dịch vụ “nhạy cảm” sẽ quản lý tốt hơn, làm lành mạnh xã hội. Giống như Trung Quốc, họ chấp nhận có một số người hoạt động như vậy (mại dâm - PV), nhưng không thừa nhận đó là nghề. Chúng ta cũng nhìn nhận có thực tế tồn tại mại dâm và đặt vấn đề quản lý nó.

Tất nhiên cái gì cũng có được và mất. Nếu chúng ta buông lỏng hệ lụy sẽ trỗi dậy, nếu quản lý có khoa học, hữu hiệu sẽ lành mạnh hóa xã hội.

Giúp giảm tội phạm

Chúng ta nói quy hoạch các khu “phố đèn đỏ” chỉ là gom các dịch vụ nhạy cảm, như karaoke, massage, tẩm quất… vào một khu, chứ chưa tới mức gom mại dâm lại?

Không phải, thực ra họ (cơ quan quản lý - PV) sợ trách nhiệm. Nhưng lại đồng nhất các nghề nhạy cảm chỉ cách một đốt tay tới mại dâm. Họ thừa biết như vậy và họ chấp nhận. Nói nghề nhạy cảm không phải mại dâm, đó là “đánh bùn sang ao”, bản chất vẫn không đổi.

Nếu chúng ta quy hoạch “phố đèn đỏ”, hay cho hoạt động mại dâm liệu có giảm tệ nạn xã hội, giảm tội phạm hiếp dâm, cưỡng dâm?

Nếu quản lý tốt tệ nạn xã hội sẽ giảm, chưa kể ngân sách có thêm nguồn thu. Tất nhiên, không thể nói một cách lố bịch khi không có số liệu, nhưng tôi dám chắc khi chuyện đó (hoạt động mại dâm - PV) được quản lý tốt, những người “ẩn ức” sẽ không còn hành xử bậy bạ trên đường, vì họ có chỗ để giải quyết nhu cầu. Những phát sinh như gái đứng đường, hành động nọ kia trên đường… cũng do cấm đoán mới nảy sinh.

Nếu thí điểm “phố đèn đỏ”, theo ông nên đặt ở đâu?

Nếu chúng ta không quy hoạch, sắp xếp, bất kể đâu “nhá nhem” đều có cơ hội trở thành tụ điểm mại dâm. Chính như vậy làm xấu hình ảnh các phố phường. Nếu quy hoạch hẳn hoi, sẽ không phải chỗ nào cũng thấy đèn mờ như hiện nay.

Xin cảm ơn ông!

Theo thống kê của Bộ LĐ-TB&XH, hiện cả nước có 11.240 người bán dâm có hồ sơ quản lý. Tập trung nhiều ở khu vực Đồng bằng sông Hồng (3.673 người), Đông Nam bộ (3.200 người), Đồng bằng sông Cửu Long (1.374 người). Tuy nhiên, con số thực tế có thể cao hơn nhiều. Đội ngũ làm công tác phòng, chống mại dâm ở các tỉnh thành là 20.624 người.

MỚI - NÓNG