Chuyên gia vào Việt Nam dưới 14 ngày: Không phải cách ly

TP - Ngày 1/9, Bộ Y tế ban hành hướng dẫn y tế phòng, chống dịch COVID-19 đối với người nước ngoài nhập cảnh vào Việt Nam làm việc ngắn ngày (dưới 14 ngày).

Theo đó, Bộ Y tế đề nghị các bộ, ngành và UBND các tỉnh/thành phố triển khai các nội dung được quy định tại hướng dẫn y tế phòng, chống dịch COVID-19 đối với người nước ngoài nhập cảnh vào Việt Nam làm việc ngắn ngày để đảm bảo an toàn, phòng, chống dịch COVID-19; tổ chức kiểm tra, giám sát, đánh giá việc triển khai phòng, chống dịch COVID-19 trong thời gian chuyên gia lưu trú tại Việt Nam. Sau đó, báo cáo kết quả triển khai về Bộ Y tế.

Theo hướng dẫn của Bộ Y tế, người nước ngoài vào Việt Nam làm việc ngắn ngày bao gồm: nhà đầu tư, chuyên gia, lao động tay nghề cao, nhà quản lý doanh nghiệp cùng thân nhân và các đối tượng theo thỏa thuận với từng nước (gọi tắt là chuyên gia); khách nhập cảnh với mục đích ngoại giao, công vụ...

Những người tiếp xúc với chuyên gia và khách nhập cảnh với mục đích ngoại giao, công vụ phải thực hiện tự theo dõi sức khỏe, khi có một trong các biểu hiện: sốt, ho, đau rát họng hoặc khó thở thì thông báo cho cơ quan quản lý và y tế địa phương. Nơi lưu trú cho chuyên gia và khách nhập cảnh với mục đích ngoại giao, công vụ phải đảm bảo theo các quy định. Tuyệt đối không để lây nhiễm chéo tại nơi lưu trú và lây nhiễm ra cộng đồng. Toàn bộ kinh phí cho việc cách ly, phương tiện đưa đón, xét nghiệm COVID-19 do đơn vị, tổ chức mời chuyên gia chi trả. Khách nhập cảnh với mục đích ngoại giao, công vụ được miễn phí.

Sau 14 ngày kể từ ngày nhập cảnh, nếu chuyên gia và khách nhập cảnh với mục đích ngoại giao, công vụ tiếp tục có nhu cầu ở lại Việt Nam làm việc và kết quả SARS-CoV-2 âm tính thì được làm việc bình thường, không cần cách ly...

Bệnh nhân nặng nhiễm vi khuẩn đa kháng thuốc

Ngày 1/9, Bộ Y tế cho biết trong ngày không ghi nhận ca mắc mới COVID-19, có thêm 28 bệnh nhân được công bố khỏi bệnh. Tại Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới T.Ư có 3 bệnh nhân được chữa khỏi COVID-19, trong đó có bệnh nhân 812 là nhân viên giao bánh pizza ở Hà Nội từng phải thở máy, tổn thương phổi nặng đến 70%. Các trường hợp được công bố khỏi bệnh sẽ tiếp tục được cách ly và theo dõi sức khỏe tại nhà trong 14 ngày tiếp theo.

Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới T.Ư đang điều trị cho 21 ca COVID-19. Hai ca tổn thương phổi nặng là bệnh nhân 793 (nam giới, 58 tuổi, ở Bắc Giang), nhiễm vi khuẩn đa kháng thuốc, tình trạng rất nặng phải chạy ECMO (hệ thống tim phổi nhân tạo). Hiện đã xác định được căn nguyên gây nên tình trạng nhiễm trùng phổi nặng ở bệnh nhân 793 là một loại vi khuẩn đa kháng thuốc. Đây là loại vi khuẩn rất nguy hiểm bởi khi đã kháng thuốc, việc lựa chọn kháng sinh điều trị trở nên hạn hẹp hơn. Theo các bác sĩ, đa số ca bệnh nặng ở nước ta, bao gồm cả các ca liên quan Đà Nẵng hiện nay đều gặp tình trạng này. Bác sĩ Phạm Văn Phúc, Khoa Hồi sức tích cực cho biết, bệnh nhân 793 vẫn đang trong tình trạng rất nặng dù chức năng phổi đã cải thiện một phần và đã giảm sốt.

Trước đó, sáng 24/8, bệnh nhân chuyển từ thở máy không xâm nhập sang thở máy xâm nhập qua ống nội khí quản. Ngày 26/8, bệnh nhân được cho chạy ECMO do tình trạng tổn thương phổi tăng. "Trường hợp này khó tiên lượng trước. Chỉ khi bệnh nhân cai được ECMO, rủi ro của bệnh nhân mới có thể giảm xuống" - chuyên gia Hồi sức tích cực cho hay.

Các bác sĩ mất thời gian dài sử dụng phương pháp nuôi cấy vi khuẩn, nấm để tìm căn nguyên, tuy nhiên không thể xác định được căn nguyên cụ thể gây tình trạng nhiễm trùng ở người bệnh.

Với 2 trường hợp từng diễn biến nặng còn lại tại miền Bắc đang điều trị tại Khoa Hồi sức tích cực, bác sĩ Phúc cho biết, những người này đều có sức khỏe gần như ổn định. Các bệnh nhân đều cắt được oxy, tự thở khí phòng, ăn ngủ tốt.

Ðà Nẵng: Trước giờ thi, vẫn còn thí sinh chưa xét nghiệm COVID-19

Sở GD&ĐT TP Đà Nẵng cho biết: 10.876 thí sinh trên địa bàn thành phố được ngành y tế lấy mẫu xét nghiệm SARS-CoV-2 vào ngày 31/8 đều cho kết quả âm tính.

Đồng thời, Sở GD&ĐT phối hợp với Sở Y tế cũng tổ chức lấy mẫu xét nghiệm cho 3.000 cán bộ tham gia công tác coi thi tốt nghiệp THPT đợt 2 tại các điểm thi trên địa bàn.

Theo Sở GD&ĐT, qua công tác tổng hợp báo cáo từ các điểm thi và điểm xét nghiệm SARS-CoV-2 tại trường THCS Nguyễn Huệ (quận Hải Châu) ngày 1/9, vẫn còn một số thí sinh và cán bộ coi thi, cán bộ giám sát, nhân viên, bảo vệ, phục vụ không tham gia xét nghiệm.

Nhằm bảo đảm cho kỳ thi diễn ra tuyệt đối an toàn, Hội đồng thi kỳ thi tốt nghiệp THPT đợt 2 năm 2020 TP Đà Nẵng đề nghị UBND các quận, huyện chỉ đạo cơ quan y tế địa phương tổ chức xét nghiệm vét (lần 3) đối với thí sinh chưa xét nghiệm vào chiều 2/9. Trưởng các điểm thi niêm yết danh sách thí sinh chưa xét nghiệm ngay cổng vào, hướng dẫn các thí sinh này về phòng thi dự phòng.

Theo Sở GD&ĐT thành phố, các thí sinh chưa xét nghiệm lần 2 sẽ được bố trí dự thi môn đầu tiên tại phòng thi dự phòng. Khi có kết quả xét nghiệm âm tính, các thí sinh sẽ thi tại phòng thi cũ. Sở GD&ĐT chỉ đạo các điểm thi phối hợp chặt chẽ với cơ quan y tế tổ chức lấy mẫu xét nghiệm cho các thí sinh chưa lấy mẫu xét nghiệm lần 1, lần 2.

Xem xét nới lỏng các biện pháp cách ly xã hội

Ngày 1/9, Ban chỉ đạo phòng, chống dịch COVID-19 TP Đà Nẵng cho hay trong những ngày tới, Đà Nẵng sẽ tổ chức xét nghiệm cho đại diện của gần 60.000 hộ gia đình trên địa bàn TP. Nếu sau xét nghiệm, không có ca mắc mới trong cộng đồng, dự kiến từ ngày 5/9, toàn TP sẽ chuyển đổi trạng thái, nới lỏng cách ly xã hội theo Chỉ thị 16 để thực hiện Chỉ thị 19 của Thủ tướng Chính phủ.

Tuy vậy, việc chuyển đổi trạng thái không diễn ra ngay mà sẽ theo từng bước, nới lỏng quy mô, mức độ các hoạt động xã hội. Đà Nẵng vẫn kiên trì thực hiện nghiêm các quy định an toàn phòng, chống dịch.

MỚI - NÓNG