Chuyên gia phương Tây nghi ngờ năng lực của xe tăng Challenger-2

0:00 / 0:00
0:00
Đánh giá về năng lực chiến đấu của các dòng xe tăng chiến đấu chủ lực phương Tây sắp được viện trợ cho Ukraine, trong đó đặc biệt là xe tăng Challenger-2 của Anh, Tạp chí quân sự Military Watch đã đưa ra nghi ngờ về tính hiệu quả của dòng xe tăng Anh trên môi trường tác chiến khắc nghiệt này.

Chuyên gia quân sự của Military Watch đánh giá xe tăng Challenger-2 có nhiều vấn đề kỹ thuật khó tương thích hệ thống tác chiến và hậu cần của Ukraine hiện tại, trong đó đáng kể nhất kiểu pháo rãnh xoắn 120mm lệch chuẩn với các dòng xe tăng NATO hiện đại, thiết bị quan sát ảnh nhiệt lạc hậu và nhiều vấn đề hậu cần phức tạp khác. Từ những vấn đề trên, Military Watch đánh giá, với số lượng ít ỏi chỉ khoảng dưới 30 xe và các vấn đề phát sinh, Ukraine thực tế không nên nhận xe tăng Challenger-2 để tránh gánh nặng hậu cần phát sinh.

“Một số tính năng của xe tăng Challenger-2 chính là điểm yếu và nó sẽ bộc lộ rõ ràng trên chiến trường Ukraine”, Military Watch nhận định.

Chuyên gia phương Tây nghi ngờ năng lực của xe tăng Challenger-2 ảnh 1
Challenger-2 là một trong những dòng xe tăng chủ lực được đánh giá cao nhờ những kết quả thực chiến ấn tượng.

Cụ thể, điểm yếu rõ ràng nhất là xe tăng Challenger-2 hiện là phương tiện chiến đấu hạng nặng duy nhất của NATO vẫn sử dụng pháo rãnh xoắn. Khẩu pháo lạc hậu này làm giảm đáng kể uy lực và độ chính xác của các phát bắn.

“Điểm yếu này làm hạn chế khả năng tương thích về đạn pháo so với các dòng xe tăng NATO phổ biến khác như Leopard-2. Phần lớn các quốc gia châu Âu không còn sản xuất đạn pháo tăng cỡ 120mm dùng cho nòng pháo rãnh xoắn. Điều này có nghĩa là nguồn dự trữ đạn dược dành cho xe tăng Challenger-2 sẽ nhanh chóng cạn kiệt”, Military Watch cho biết.

Một vấn đề khác là xe tăng Challenger-2 thiếu đạn nổ phân mảnh để chống bộ binh. Nguồn đạn chính của xe tăng Anh hiện là các loại đạn chống tăng dưới cỡ và HESH để chống xe thiết giáp. Tuy nhiên, khả năng xảy ra các cuộc đấu tăng trên chiến trường Ukraine rất hạn chế, mà chủ yếu là áp chế và ghìm đầu bộ binh đối phương, nên vai trò của đạn nổ phá mảnh rất quan trọng.

Vấn đề tiếp theo là Challenger-2 chỉ được trang bị hệ thống hỗ trợ quan sát ảnh nhiệt lỗi thời. Dù chúng là thiết bị đột phá vào đầu những năm 1990, nhưng tới thời điểm hiện tại, tính năng của chúng đã lỗi thời. Thậm chí, tính năng thiết bị ảnh nhiệt trên xe tăng Anh còn kém cả phiên bản lắp đặt trên xe tăng nâng cấp của Nga. Có thể lấy ví dụ, xe tăng T-90M của Nga đã được trang bị thiết bị ảnh nhiệt thế hệ thứ 3.

“Mặc dù Challenger-2 có tháp pháo được bọc giáp rất tốt, nhưng thân xe tăng chỉ làm từ thép gia cường và thiếu giáp phản ứng nổ. Cùng với đó, khoang chứa đạn không được gia cố khiến chúng có nguy cơ phát nổ rất cao nếu bị trúng đạn”, Military Watch nhận định.

Một điều quan trọng khác là khả năng đảm bảo hậu cần và duy trì khả năng sẵn sàng chiến đấu xe tăng Challenger-2 của Ukraine cũng đang là dấu hỏi lớn. Ukraine không có đủ hệ thống hậu cần đạt chuẩn để duy trì hoạt động của xe tăng Anh. Challenger-2 có trọng lượng trung bình 65-70 tấn, nặng hơn đáng kể so với các dòng xe tăng Liên Xô và Nga. Điều này đặt ra nghi vấn về khả năng cơ động của Challenger-2 trên hạ tầng của Ukraine hiện tại, cũng như mức tiêu thụ nhiên liệu cao.

Chuyên gia phương Tây nghi ngờ năng lực của xe tăng Challenger-2 ảnh 2
Khả năng hoạt động hiệu quả của xe tăng Challenger-2 tại Ukraine đang bị nghi ngờ vì hàng loạt vấn đề kỹ thuật và hậu cần có thể phát sinh.

Anh công bố kế hoạch viện trợ 14 xe tăng Challenger-2 vào ngày 16/1/2023. Sau đó đã có thông tin về việc London tăng gấp đôi số lượng xe tăng viện trợ cho Kiev.

Xe tăng Challenger-2 thường được so sánh với T-90M của Nga. Dựa trên tính năng đánh giá xe tăng Nga có lợi thế hơn về khả năng cơ động và tốc độ thay đạn. Nếu đối đầu, xe tăng Anh sẽ trúng ít nhất 2 phát đạn trước khi vào tầm phản kích lại xe tăng Nga.

Theo Quân đội Nhân dân
MỚI - NÓNG
Sạt lở, ách tắc quốc lộ 19: Khu Quản lý đường bộ ra văn bản ‘nóng’
Sạt lở, ách tắc quốc lộ 19: Khu Quản lý đường bộ ra văn bản ‘nóng’
TPO - “Ban Quản lý dự án 2 chịu hoàn toàn mọi trách nhiệm trước Bộ Giao thông vận tải, Cục Đường bộ Việt Nam và pháp luật nếu để xảy ra mất an toàn cho người và phương tiện tham gia giao thông, ùn tắc giao thông mà nguyên nhân không sửa chữa kịp thời hoặc chậm trễ khắc phục các tồn tại của dự án”, văn bản Khu Quản lý đường bộ III nêu.