Chuyên gia nước ngoài hiến kế giúp TP HCM chống ngập

Ông OlafJueHner chuyên gia người Đức đề xuất các giải pháp giảm ngập cho TP HCM. Ảnh: T.S
Ông OlafJueHner chuyên gia người Đức đề xuất các giải pháp giảm ngập cho TP HCM. Ảnh: T.S
Chấp nhận quy luật tự nhiên, không đuổi nước đi mà sống chung với lũ, xây dựng đường ngầm thoát nước kết hợp làm đường giao thông… là những gợi ý chống ngập cho TP HCM.

Ngày 29/9, tại cuộc họp bàn về các giải pháp giúp TP HCM chống ngập do Bí thư Thành ủy Lê Thanh Hải chủ trì, các chuyên gia đến từ nhiều nước cho rằng tình trạng ngập lụt tại thành phố đã tới mức "báo động đỏ", nhất là sau các cơn mưa vừa qua.

Theo đó, cơn mưa kỷ lục ngày 15/9 vượt tần suất 142 mm đã làm 77 tuyến đường bị ngập, mỗi điểm có diện tích từ 400 m2 đến hơn 31.300 m2. Ngập nặng nhất là đường Nguyễn Hữu Cảnh, Kinh Dương Vương, Gò Dưa, Đỗ Xuân Hợp, Lã Xuân Oai, Hồ Văn Tư, Tô Ngọc Vân, Quốc Hương…

Ông I Chang Tsai, chuyên gia chống ngập của Đài Loan cảnh báo, với biến đổi khí hậu bất thường như hiện nay, TP HCM cần phải tính tới tình huống xấu nhất có thể xảy ra: 12% dân số chịu thiệt hại, 23% đất đai bị xói mòn không sử dụng được, thậm chí GDP có thể bị thụt lùi nhiều năm do phát sinh lũ lụt lớn.

Còn ông OlafJueHner, chuyên gia người Đức cho biết, thành phố Hamburg của Đức có một nét tương đồng với TP HCM là cùng bị tác động của triều cường. Trước đây, các nước châu Âu chống ngập thiên về các giải pháp công trình chống lại tự nhiên như xây dựng hệ thống đê điều và hệ thống dẫn nước thì gần đây bắt đầu thực hiện triết lý mới "sống chung với lũ". Đó là tạo không gian dành cho nước, chấp nhận quy luật tự nhiên, bởi chống lại thiên nhiên có khi sẽ nhận thất bại.

"Chúng ta có thể hút nước đi nhưng không thể xử lý được nó, vì vậy phải mở rộng diện tích cho nước chảy. Như trận ngập năm 2013, chúng tôi đã phá đê để tạo dòng chảy cho nước. Còn khi nước lên cao hoặc mùa mưa lũ, chúng tôi dùng cầu đi bộ cơ động", chuyên gia này nói.

Trong khi đó, chuyên gia đến từ Malaysia Haris F.Abdullah cho biết, công ty của ông từng xây dựng thành công hệ thống đường ngầm tại Malaysia để làm đường thoát nước vừa kết hợp làm đường giao thông. "Nếu TP HCM có nhu cầu, chúng tôi có thể đầu tư xây dựng các dự án chống ngập theo các hình thức BOT (kinh doanh – xây dựng – chuyển giao), BT (xây dựng – chuyển giao), BOO (xây dựng – sở hữu – kinh doanh)…", ông nói.

Ngoài ra, các chuyên gia nước ngoài cũng khuyến nghị TP HCM nên ứng dụng toàn bộ công nghệ mới để nâng cấp hệ thống cũ và xây dựng cơ sở hạ tầng cho công tác chống ngập với thời gian nhanh hơn. Cùng với các giải pháp công nghệ, họ cho rằng yếu tố con người để thực hiện các đề án chống ngập là nhân tố quyết định, do vậy cần có những chiến lược đào tạo nguồn nhân lực cho hoạt động này.

Phát biểu tại cuộc họp, Bí thư thành uỷ TP HCM Lê Thanh Hải cám ơn những ý kiến tâm huyết cũng như giải pháp mà các chuyên gia muốn giúp thành phố xử lý vấn đề. "Ngập nước là một trong những trở ngại mà thành phố phải đối mặt trong quá trình phát triển và đang diễn biến phức tạp theo chiều hướng xấu. Tình trạng này không chỉ gây bức xúc cho người dân mà còn ảnh hưởng lớn đến sự phát triển kinh tế thành phố", ông Hải nói.

Người đứng đầu Thành ủy TP yêu cầu UBND TP, giao Sở GTVT và các đơn vị liên quan nghiên cứu, ghi nhận những ý kiến, giải pháp mà chuyên gia chống ngập đã gợi mở, đề xuất để phục vụ cho công tác chống ngập tại thành phố.

"Phải nghiên cứu, lựa chọn giải pháp nào khả thi, xem xét vốn đầu tư như thế nào, làm sao để tiết kiệm nhưng có hiệu quả cao nhất. Cái nào vượt quá thẩm quyền của thành phố thì chúng ta sẽ kiến nghị Thủ tướng, xin phép thực hiện", ông Hải nói.

Theo Giám đốc Trung tâm chống ngập Nguyễn Ngọc Công, dự kiến cuối năm nay TP HCM sẽ khởi công xây dựng 6 cống ngăn triều lớn: Tân Thuận, Bến Nghé, Phú Xuân, Mương Chuối, Cây Khô, Phú Định và 68 cống ngăn triều nhỏ, gần 7 km đê bao dọc bờ hữu sông Sài Gòn, giúp chống ngập cho khu vực trung tâm thành phố.

Các công trình cống ngăn triều chống ngập này sẽ hoàn thành sau 2 năm xây dựng. Vốn cho các công trình này là 9.850 tỷ đồng, được Thủ tướng phê duyệt từ nguồn cho vay của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam.

Thành phố cũng đang đàm phán với Ngân hàng Thế giới (WB) tài trợ vốn để trong năm 2016 tiếp tục xây thêm hai cống ngăn triều lớn khác là Vàm Thuật và Rạch Nước Lên.

"Ngoài cống kiểm soát triều vòng ngoài, bên trong nội đô thành phố tiếp tục xây dựng và cải tạo hệ thống cống thoát nước, nâng cao đường trũng cục bộ thì mới hy vọng đến năm 2018 giải quyết hết 31 điểm ngập nặng hiện nay, khi đó thành phố mới hết ngập được", ông Công nói.

Theo Theo Vnexpress
MỚI - NÓNG
Đại tướng Phan Văn Giang: Phải có cơ chế, chính sách thúc đẩy công nghiệp quốc phòng phát triển
Đại tướng Phan Văn Giang: Phải có cơ chế, chính sách thúc đẩy công nghiệp quốc phòng phát triển
TPO - Chiều 23/4, Đại tướng Phan Văn Giang - Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Bí thư Quân ủy Trung ương, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng cùng đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Thái Nguyên, đã tiếp xúc cử tri chuyên đề lấy ý kiến vào dự thảo Luật Công nghiệp quốc phòng, an ninh và động viên công nghiệp trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên trước Kỳ họp thứ bảy, Quốc hội khóa XV.