Chuyên gia nêu 2 kịch bản xung đột Nga-Ukraine năm 2024

0:00 / 0:00
0:00
TP - Với kịch bản trung tính, Ukraine vẫn ở thế phòng thủ trong năm 2024, với kết quả cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ sẽ quyết định diễn biến cuộc chiến vào năm 2025.

Kịch bản trung tính

Chính quyền của Tổng thống Mỹ Joe Biden loay hoay trong một chiến dịch bầu cử lộn xộn. Đảng Cộng hòa tại Quốc hội hành xử theo kiểu giao dịch, đổi các gói hỗ trợ Ukraine để lấy sự nhượng bộ đối với các chương trình, dự án trong nước như bức tường dọc biên giới phía nam nước Mỹ. Washington hỗ trợ nhỏ giọt cho Kiev. Trong khi đó, châu Âu tiếp tục chỉ cung cấp khoảng 1/3 số đạn dược và phụ tùng thiết bị quân sự đã cam kết, điều này giúp Mỹ giữ cho Ukraine tồn tại nhưng chỉ trong thế phòng thủ. Ukraine cố gắng giữ vững phòng tuyến của mình trên chiến trường. Ở Donbas, Ukraine sẽ phải nhượng lại một số địa phương dưới áp lực của Nga. Nhưng Ukraine sẽ duy trì tính toàn vẹn của các tuyến phòng thủ và các đội hình chiến đấu ở đó.

Chuyên gia nêu 2 kịch bản xung đột Nga-Ukraine năm 2024 ảnh 1

Binh sĩ Ukraine gần thành phố Bakhmut. Ảnh: Getty Images

Tình trạng thiếu xe bọc thép của Ukraine trở nên đặc biệt đáng chú ý vào nửa cuối năm 2024, khi châu Âu sẽ hết thời gian giao những chiếc xe bọc thép mà họ cất giữ trong kho. Các phương tiện do phương Tây thiết kế tiếp tục thiếu phụ tùng thay thế, trong khi khí tài thuộc Hiệp ước Warsaw lại thiếu đạn dược. Để đối phó tình trạng thiếu trang thiết bị và thiếu sĩ quan được đào tạo, Ukraine giải tán một số lữ đoàn mới thành lập để đạt được mức biên chế tốt hơn cho các đội còn lại. Ukraine cũng tiếp tục phát triển, thử nghiệm thiết bị mới sản xuất trong nước, đồng thời hoàn thiện các chiến thuật phòng thủ và sự gắn kết của các đơn vị.

Tuy nhiên, vì cần phải hy sinh binh lính để bảo tồn những thiết bị quý giá và không thể thay thế, việc bố trí nhân lực sẽ ngày càng trở thành một thách thức vào cuối năm 2024. Các máy bay F-16A/B cũ, đã qua sử dụng của châu Âu tiếp tục vai trò của các máy bay chiến đấu thời Liên Xô trong lực lượng không quân Ukraine - giữ cho máy bay Nga tránh xa các trung tâm dân sự nhưng khó khống chế chúng ở gần mặt trận.

Tóm lại, Ukraine vẫn ở thế phòng thủ và qua được năm 2024, với kết quả cuộc bầu cử tổng thống Mỹ sẽ quyết định diễn biến cuộc chiến vào năm 2025.

​Kịch bản tiêu cực

Ông Donald Trump trở thành ứng cử viên tổng thống, và luận điệu chống Ukraine ngày càng chi phối các cuộc thảo luận ở Mỹ. Tại Quốc hội, đảng Cộng hòa muốn thấy Tổng thống Joe Biden thất bại trong bất kỳ trường hợp nào và từ chối chấp nhận trao đổi để tiếp tục viện trợ Ukraine.

Châu Âu vẫn gửi vũ khí cho Ukraine nhưng họ thiếu khả năng sản xuất và dự trữ cần thiết để bù đắp cho Mỹ. Họ không đồng ý về nguồn tài trợ dài hạn cho cơ chế “Nền tảng Hòa bình châu Âu” (EPF) hoặc ký kết các hợp đồng lớn, dài hạn về phương tiện hoặc đạn dược, nghĩa là khả năng sản xuất của ngành công nghiệp quốc phòng châu Âu hầu như không thay đổi. Đồng thời, hợp tác công nghiệp-quốc phòng châu Âu với Ukraine gặp khó khăn.

Do đó, lực lượng Ukraine nhận thấy mình ngày càng thiếu đạn pháo và tên lửa mà họ cần để duy trì hoạt động phòng thủ. Các lực lượng vũ trang Nga lợi dụng tình hình này để gia tăng áp lực lên phòng tuyến của Ukraine. Áp lực này ngăn cản Ukraine luân chuyển lực lượng một cách hợp lý ở mặt trận, khiến nước này không thể rút các lữ đoàn khỏi nhiệm vụ tiền tuyến để huấn luyện và tái tổ chức họ.

Đến cuối năm 2024, hầu hết các lữ đoàn Ukraine đều mệt mỏi, rồi kiệt sức. Trong trường hợp không nhận được hàng viện trợ từ Mỹ, Ukraine thiếu hụt nghiêm trọng tên lửa đất đối không và tên lửa không đối không cho lực lượng máy bay chiến đấu của mình. Nga khai thác điều này bằng cách đẩy nhanh tốc độ ném bom chiến lược vào các thành phố của Ukraine.

Máy bay không người lái Shahed thăm dò hệ thống phòng không địa phương, với máy bay chiến đấu thông thường theo sau bằng cách tham gia các cuộc tấn công bằng tên lửa hành trình. Các chiến dịch ném bom này cản trở kế hoạch của Ukraine nhằm khôi phục ngành công nghiệp quốc phòng và thay thế các hệ thống chiến đấu của phương Tây bằng các hệ thống sản xuất trong nước.

Viễn cảnh ngày càng nghiệt ngã khiến nhiều người Ukraine phải bỏ trốn. Đến cuối năm 2024, khoảng 10 triệu người Ukraine sẽ trốn sang các nước thành viên Liên minh châu Âu và con số này sẽ càng tăng. Chi phí mà người châu Âu phải trả để tiếp nhận người tị nạn lớn hơn nhiều so với chi phí hỗ trợ quân sự cho Kiev. Cuối năm nay, ông Trump đánh bại ông Biden để trở thành tổng thống Mỹ. Sự hoảng loạn bao trùm châu Âu, nhiều nước ngừng hoàn toàn việc cung ứng hàng viện trợ cho Ukraine, chuyển nguồn cung cấp quân sự cho lực lượng vũ trang của họ với lo ngại Mỹ sẽ rút khỏi châu Âu và Nga sẽ tấn công đất nước của họ.

Hầu hết các nước phương Tây coi cuộc chiến ở Ukraine kết thúc với phần thua nghiêng về Kiev, mặc dù Ukraine vẫn tiếp tục chiến đấu chống lại các khó khăn, thách thức.

Nga-Trung Quốc nhất trí quan điểm đàm phán về Ukraine

Thứ trưởng Ngoại giao Nga Mikhail Galuzin và đặc phái viên của Trung Quốc về các vấn đề Á-Âu Lý Huy vừa nhất trí quan điểm rằng, không thể thảo luận về giải pháp cho Ukraine nếu không có sự tham gia của Mátxcơva, Bộ Ngoại giao Nga cho biết. Ông Lý Huy gặp ông Galuzin trong chuyến đi thứ hai tới châu Âu nhằm thúc đẩy giải pháp chính trị cho cuộc xung đột Ukraine. Ông cũng sẽ đến Ba Lan, Ukraine và Đức trong chuyến này. “Hai bên tuyên bố rằng bất kỳ cuộc thảo luận nào về giải pháp chính trị và ngoại giao đều không thể thực hiện được nếu không có sự tham gia của Nga và tính đến lợi ích của Nga trong lĩnh vực an ninh”, tuyên bố nêu rõ.

Bình Giang (theo Reuters)

MỚI - NÓNG
Tổ chức đề cử, giới thiệu gương mặt trẻ Việt Nam tiêu biểu 2024
Tổ chức đề cử, giới thiệu gương mặt trẻ Việt Nam tiêu biểu 2024
TPO - Ban Bí thư T.Ư Đoàn đề nghị các ban, đơn vị thuộc T.Ư Đoàn và các tỉnh, thành Đoàn, Đoàn trực thuộc giới thiệu, lựa chọn, đề xuất các gương thanh niên, thiếu niên, nhi đồng tiêu biểu trên các lĩnh vực xét trao giải thưởng Gương mặt trẻ Việt Nam tiêu biểu năm 2024. Thời gian đề cử, giới thiệu từ ngày 10/11 – 31/12/2024.