Chuyện gia đình người đầu tiên trả lại biệt thự

Chuyện gia đình người đầu tiên trả lại biệt thự
TP - Cũng phải loay hoay mất một lúc tôi mới tìm được ngôi nhà của gia đình cố Phó Chủ tịch nước Nguyễn Lương Bằng bởi cảnh vật xung quanh ngõ 195 phố Đội Cấn đã thay đổi rất nhiều.

>> Gặp người đầu tiên trả biệt thự

Chuyện gia đình người đầu tiên trả lại biệt thự ảnh 1
Chủ tịch nước Tôn Đức Thắng (giữa) và vợ chồng ông Nguyễn Lương Bằng

Thấm thoắt đã 13 năm kể từ khi vợ con ông chuyển từ ngôi nhà số 5, Thiền Quang về sinh sống nơi đây: Bà Thục Trinh và 3 ái nữ Việt Liên, Hồng Châu, Thanh Mai. Hồi ấy, trưởng nữ Tường Vân đã ra ở riêng cùng chồng ở khu tập thể Vạn Bảo.

Giờ gặp lại cảnh xưa người cũ, lòng tôi những nao nao bâng khuâng nỗi niềm khó tả. Thời gian đã làm thay đổi nhiều thứ trong cuộc đời mỗi người trong đó có những nhân vật của ngôi nhà số 12 khu tập thể Ban Tài chính quản trị Trung ương. Chủ nhà chính của ngôi nhà là bà Thục Trinh đã mất hơn 2 năm trước ở tuổi 85.

Không hiểu sao tôi vẫn có cảm tưởng hơi hướng, bóng dáng bà vẫn còn hiện hữu trong ngôi nhà. Cũng tại phòng khách này, bà Thục Trinh từng ngồi trò chuyện với người phóng viên trẻ về cuộc đời của nhà hoạt động Cách mạng lão thành Nguyễn Lương Bằng.

Tôi vẫn nhớ câu bà nói: “Gia tài lớn nhất mà ông nhà tôi để lại cho các con là sự liêm khiết, thái độ làm việc chí công vô tư, tận tụy vì dân vì nước.

Sở dĩ tôi và các con trả lại Đảng và Nhà nước ngôi nhà số 5 Thiền Quang cũng xuất phát từ việc thực hiện tâm nguyện chân thành của chồng tôi: “Cái gì không phải của mình làm ra thì không được lấy”.

Phàm nước nào cũng có nhà công vụ cho những cán bộ đương nhiệm vào ở nhưng khi hưu nên sớm “rút quân” để Nhà nước bố trí chỗ đó cho người mới sử dụng”.

Những đồ vật mà lúc sinh thời cố Phó Chủ tịch Nguyễn Lương Bằng từng sử dụng và bà Thục Trinh bài trí, sắp đặt trong phòng khách vẫn được các con giữ gìn nguyên vẹn: Từ chiếc bàn cũ kỹ mà cố Phó Chủ tịch nước từng ngồi viết đến giá sách bằng gỗ neo vào tường bằng hai dây xích và bộ bàn ghế tiếp khách, tấm ảnh chụp chân dung ông bà trong ngày cưới.

Ngoài vườn, cây cối mà bà Thục Trinh trồng cùng cô con gái út Thanh Mai từ “thuở ban đầu” về số nhà 12 giờ đã xanh um như rừng, có một số cây như mít, khế, cau cũng đã trở thành cổ thụ.

Thanh Mai bảo : “Em vốn tính chơi loại cau mà nay người ta gọi là cau vua. Ngày nhỏ em thường gọi đó là cau lợn cọ vì nghe dân gian kể là cây này chỉ lớn vừa độ con lợn cọ lưng vào là đã ra hoa nhưng không ngờ ra chợ Mơ lại mua nhầm vào cây cau dùng để ăn trầu.

Mỗi lần nhìn cây cau cao lênh khênh, ngọn chấm  nóc biệt thự tầng 2 nhà số 5 Thiền Quang, mọi người trong nhà đều trêu đùa : “Cau lợn cọ của Mai, đặc biệt đấy nhỉ?”.

Khi rời ngôi nhà số 5 Thiền Quang, nơi gia đình đã sống 32 năm ở đó đầy ắp kỷ niệm, Thanh Mai cùng mẹ và các chị đã mang theo giống của 2 loại cây mà theo họ cho là quý để trồng ở nơi mới chuyển đến. Đó là giống “cau lợn cọ” và giống cây mít.

Mai cũng cho biết: Giống cây mít là quà quê Thái Bình của một chú từng công tác ở Ban kiểm tra Trung ương biếu gia đình thời sơ tán chống Mỹ. Quả mít chỉ nhỏ bằng giỏ tích đựng nước nhưng múi dài và to, cùi dày ăn giòn, ngọt thơm như mật ong. Vì vậy gia đình đã lấy hạt đem gieo, gây giống.

- Thế có khi nào Thanh Mai trở lại thăm ngôi nhà cũ để xem cây cối xưa ra sao?

- Đôi lần đi ngang qua đó nhưng chưa một lần vào trong. Nhìn phía ngoài thì không thể trông thấy cây cối trong vườn  vì các bờ tường đã được xây dựng lên cao hơn trước nhiều. Phố xưa, yên tĩnh  êm đềm đến tiếng lá rơi cũng nghe rõ. Nay, phố nhộn nhịp, sầm uất hơn vì dòng người, ô tô qua lại.

Trở lại chuyện ngôi nhà 12 mà gia đình cố Phó chủ tịch nước Nguyễn Lương Bằng đã và đang sinh sống, điều làm lòng tôi ấm áp: Các cô gái Việt Liên, Hồng Châu, Thanh Mai vẫn hội tụ hòa thuận với nhau tại đây.

Ngôi nhà ấy xưa chỉ toàn người lớn, nay đã thêm tiếng cười con trẻ. Thanh Mai sau 16 năm lấy chồng đã sinh một “hoàng tử”. Cậu bé mới hơn 2 tuổi. Thanh Mai hiện công tác ở Vụ Châu Á 1 – Bộ Ngoại giao. Vợ chồng Hồng Châu cũng có một con trai 12 tuổi, vợ chồng họ mở Cty về Tin học.

Việt Liên vẫn thanh mảnh, hồn hậu như ngày nào và sau khi tốt nghiệp khoa Hóa – Đại học Bách khoa (năm 1978) về công tác ở Cục Kỹ thuật – Bộ Nội vụ, nay chuyển sang đảm nhiệm công việc ở Vụ Tài chính – Bộ Công an.

Chị Tường Vân– thời sinh viên Đại học Tổng hợp Hà Nội chúng tôi thường gọi là “quận chúa Tường Vân” xinh tươi, múa dẻo hay hát, ham học và sống rất bình dị dân dã thì nay đã lên chức “bà nội” dù dáng vóc gương mặt trông vẫn trẻ trung. Chị công tác ở Viện Bảo tàng Hồ Chí Minh.

Vẫn biết mọi sự ở đời đều thay đổi chỉ có điều theo chiều hướng nào mà thôi. Nhưng có một điều mà bất cứ ai cũng ao ước là cho dù xã hội có biến động đến đâu thì gia phong vẫn được gìn giữ, những gì tốt đẹp của thế hệ đi trước vẫn được con cái coi đó là hành trang trong cuộc sống.

Thăm lại gia đình cố Phó Chủ tịch nước Nguyễn Lương Bằng  tôi thấu cảm hơn câu nói của chị Tường Vân lúc chia tay: “Những việc mà bố mẹ mình đã làm như trả nhà cho Đảng, Nhà nước xuất phát từ tâm vì lợi ích cộng đồng của các cụ chứ không phải cầu danh hoặc muốn nêu gương cho bất cứ ai khác.

Còn chúng mình là phận con thì tôn trọng ý nguyện của cha mẹ và coi đó là tấm gương hành xử giữa việc công và việc tư.

Ảnh hưởng lớn nhất về giáo dục của cha mẹ mình với các con là dạy chúng mình sống tự lập bằng tất cả khả năng thực tế của bản thân và “cái gì không phải của mình làm ra thì không được lấy và không được tham lam chiếm đoạt”.

Nếp nhà đã ngấm vào máu thịt chúng mình rồi và chúng mình không thể sống khác được. Đó chính là gia tài lớn nhất của cha tôi.

MỚI - NÓNG