Chuyển đổi giới tính: Chỗ thừa nhận, chỗ bảo không

ĐB Nguyễn Sơn (TP Hà Nội) đề nghị nên thừa nhận việc chuyển giới. Ảnh: Như Ý
ĐB Nguyễn Sơn (TP Hà Nội) đề nghị nên thừa nhận việc chuyển giới. Ảnh: Như Ý
TPO - Tại phiên thảo luận về dự án Bộ luật dân sự (sửa đổi) sáng 10/6, nhiều ý kiến đại biểu Quốc hội (ĐBQH) cho rằng đã có 'độ vênh' trong quy định chuyển đổi giới tính.

“Vênh” nhau ngay cùng một điều khoản


Thảo luận về việc chuyển đổi giới tính, ĐBQH chỉ ra những cái “vênh” trong luật hiện nay: Nhà nước không thừa nhận việc chuyển đổi giới tính nhưng bên cạnh đó lại có quy định, cá nhân đã chuyển đổi giới tính thì có quyền thay đổi hộ tịch và có các quyền nhân thân khác.

ĐB Trần Thanh Hải (TP HCM) cho rằng, trong cùng một khoản của điều luật lại “vênh” nhau, điều này sẽ mở đường cho việc chuyển đổi giới tính trong tương lai. Bên cạnh đó, ĐB cho rằng, nếu không thừa nhận cũng không nên cho phép được thay đổi hộ tịch và các quyền nhân thân khác.

“Nếu không cho chuyển đổi giới tính thì cấm luôn, còn nếu chấp nhận thì quy định chặt chẽ trong luật. Không nên quy định chung chung và vênh nhau ngay trong một điều luật như dự thảo”, ĐB Hải nói. Cùng quan điểm, ĐB Nguyễn Xuân Thuỷ (Phú Thọ) cũng cho rằng, nếu pháp luật không quy định rõ đối tượng chuyển giới sẽ gây phức tạp cho xã hội. Do vậy cần sửa cả Luật hôn nhân và gia đình về đăng ký sống chung giữa những người chuyển giới để thống nhất giữa luật chung và luật chuyên ngành. 

Vậy đối với những trường hợp đã chuyển đổi giới tính rồi thì sao? ĐB Huỳnh Thành Lập (TP HCM) đề nghị phải tìm cách để gỡ cho họ, đảm bảo quyền sống của họ. ĐB Nguyễn Sơn (Hà Nội) cũng cho rằng, luật đang “đá” nhau khi có luật không công nhận, nhưng có luật lại cho cải chính hộ tịch với người chuyển giới, gây mâu thuẫn. Về việc này, ĐB Sơn nêu quan điểm, người ta đã không hoàn hảo khi sinh ra, bị thiệt thòi như vậy thì cứ để cho họ được chuyển đổi giới tính, điều đó cũng thể hiện tinh thần nhân đạo.

Tranh cãi chuyện đặt tên, đổi tên 

ĐB Huỳnh Ngọc Ánh (TP HCM) đồng tình với quy định họ, tên phải là tiếng Việt, không có kí tự. “Quyền cũng phải có giới hạn chứ không thể vô biên”, ĐB Ánh cho hay, đồng thời đề nghị, đặt tên không được bằng số, mã hóa, không quá dài, tuy nhiên về số lượng chữ 25 hay 30 thì cần bàn thêm để sau này mã hóa cơ sở dữ liệu cho phù hợp. Cùng quan điểm, ĐB Nguyễn Kim Hồng (Đồng Tháp) cũng đề nghị cần quy định cụ thể việc đặt tên, nếu không sẽ sinh ra tùy tiện, tên tây ta lẫn lộn, kiểu như trường hợp một số ca sĩ bây giờ. Vấn đề này tuy không ảnh hưởng đến vấn đề an ninh quốc phòng, song lại ảnh hưởng đến thuần phong mỹ tục. 

Về quy định đặt tên không vượt quá 25 chữ cái, ĐB Trương Minh Hoàng (Cà Mau) đề nghị xem xét lại, vì đặt tên quá 25 chữ cái không ảnh hưởng gì đến an ninh trật tự, cuộc sống, xã hội. Trong khi đó, Hiến pháp cũng quy định rõ về quyền công dân, nếu quy định thế sẽ khó khăn trong cuộc sống. Nếu đưa quy định như vậy vào trong luật, Ban soạn thảo phải giải thích rõ vì sao? Theo ông Hoàng, chỉ nên giải thích để người dân hiểu, nếu đặt tên như vậy sẽ gặp khó khăn như thế nào đó trong cuộc sống để người dân hiểu thôi chứ không nên ghi vào trong luật.

Về quyền thay đổi tên đối với người dưới 14 tuổi, ĐB Hoàng đề nghị không nên mở rộng như thế, vì một người có rất nhiều mối quan hệ, sổ sách, hồ sơ, nếu không hạn chế đổi tên sẽ gây rất nhiều khó khăn. ĐB Hoàng đề nghị quy định này không nên đưa vào luật.

MỚI - NÓNG