“Chuyến đi lịch sử trong quan hệ hai nước”

“Chuyến đi lịch sử trong quan hệ hai nước”
Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Lê Văn Bàng sẽ tham gia đoàn tháp tùng Thủ tướng Phan Văn Khải công du Hoa Kỳ bắt đầu từ ngày 19-6 tới.

Tổng số thành viên tháp tùng Thủ tướng thăm Hoa Kỳ gồm khoảng 240 người. Trong đó có năm bộ trưởng, chín thứ trưởng, năm đại biểu Quốc hội, chín lãnh đạo tỉnh, thành phố, hơn 70 doanh nghiệp và đại diện gần 20 cơ quan báo chí, thông tấn. Ngoài ra còn gần 30 doanh nghiệp sẽ sang Mỹ theo con đường tự túc tham gia các hoạt động dành cho giới doanh nghiệp.

- Thủ tướng Phan Văn Khải và các thành viên trong đoàn sẽ có các cuộc tiếp xúc rộng rãi với mọi tầng lớp từ chính quyền, quốc hội, giới doanh nhân, cựu binh, giới học giả tới giới báo chí Mỹ và du học sinh VN.

Ngoài cuộc gặp với Tổng thống Bush, Thủ tướng Phan Văn Khải sẽ gặp gỡ thượng nghị sĩ John Kerry và John McCain tại Washington DC. Hai TNS vốn rất tích cực trong thúc đẩy quan hệ với VN sẽ đứng ra tổ chức cuộc gặp giữa Thủ tướng với gần 50 người bạn của VN.

Tại các bang dừng chân, Thủ tướng sẽ gặp các vị thống đốc, giám đốc điều hành của các tập đoàn lớn như Microsoft (tiếp xúc với tỉ phú máy tính Bill Gates), Boeing, GAP, Nike... Tại các thành phố đoàn đều tiến hành các cuộc hội thảo và gặp gỡ giới doanh nghiệp, chiếu phim về VN và tổ chức các cuộc họp báo.

Với giới báo chí, Thủ tướng sẽ trả lời phỏng vấn báo chí Mỹ trước khi lên đường. Phó thủ tướng Vũ Khoan dự kiến sẽ xuất hiện trên đài CNN. Những nỗ lực này nhằm gửi đến lãnh đạo Mỹ, Quốc hội Mỹ và nhân dân Mỹ một thông điệp: VN là một đất nước đang đổi mới, phát triển, hội nhập; rất muốn tăng cường quan hệ với Hoa Kỳ và hướng tới tương lai.

Thưa thứ trưởng, việc Thủ tướng chọn thăm các thành phố Seattle, New York và Boston có lý do gì đặc biệt?

- Seattle là cảng lớn ở phía Tây nước Mỹ, gần với VN và kết nghĩa với thành phố Hải Phòng. Bang Washington nơi có cảng Seattle là bang đi đầu trong phát triển quan hệ với VN. Hai đời thống đốc của bang đều đã thăm VN.

Các tổ chức phi chính phủ của bang từ năm 1995 đã tiến hành nhiều hoạt động nhân đạo như rà phá bom mìn, trồng cây, xây nhà và trường học tại Quảng Trị. Đặc biệt, các hoạt động xuất nhập khẩu giữa VN và Mỹ chủ yếu thông qua cảng Seattle. Vì vậy, thăm Seattle được coi như thăm cửa ngõ vào nước Mỹ.

Tại New York, nội dung chính sẽ là các cuộc gặp gỡ với các nhà đầu tư, nhà tài chính và giới kinh doanh. Thủ tướng sẽ có bài phát biểu quan trọng về hướng phát triển kinh tế của VN, về con đường đổi mới của VN.

Thủ tướng sẽ thực hiện nghi thức rung chuông bắt đầu một ngày hoạt động của thị trường chứng khoán New York. Đó là một biểu tượng đầy ý nghĩa nhằm gióng lên tiếng chuông về một điểm đến VN hấp dẫn cho các nhà đầu tư và kinh doanh.

Tại Boston - chặng dừng chân cuối cùng, các hoạt động sẽ tập trung vào lĩnh vực giáo dục, trao đổi công nghệ và khả năng cạnh tranh của VN trong tương lai. Thủ tướng sẽ thăm Đại học Harvard, Đại học công nghệ Massachusetts (MIT) và một số công ty lĩnh vực công nghệ cao. Thông điệp mới dành cho kiều bào.

Thưa thứ trưởng, kiều bào tại Mỹ rất quan tâm tới chuyến thăm. Thủ tướng dự kiến sẽ có các cuộc tiếp xúc bà con Việt kiều?

- Các đại biểu kiều bào đều được mời tham dự các cuộc gặp với Thủ tướng tại mỗi thành phố. Thủ tướng sẽ có những phát biểu hướng đến bà con kiều bào tại Mỹ cũng như trên toàn thế giới.

Thông điệp đưa ra nhằm kêu gọi cộng đồng kiều bào gắn bó hơn nữa với đất nước, Tổ quốc. Thủ tướng cũng sẽ đưa ra một cam kết mạnh mẽ về nỗ lực của Chính phủ nhằm giúp bà con có những điều kiện sinh sống, hoạt động tốt đẹp hơn dù là ở hải ngoại hay khi về nhà.

Tất cả vấn đề về hồi hương, định cư, visa, chuyển đổi quốc tịch, mua nhà đất tại VN cũng như kinh doanh, đầu tư tại VN đều được đề cập. Tôi tin thông điệp này sẽ có tác động rất lớn về mặt tình cảm và tinh thần đối với bà con Việt kiều.

Vừa từ Mỹ trở về, thứ trưởng có thể cho biết dư luận của Mỹ đối với chuyến thăm?

- Những người tôi tiếp xúc tại Mỹ đều bày tỏ sự hào hứng với chuyến thăm. Đặc biệt giới doanh nghiệp và học giả Mỹ tại các trường đại học đều muốn góp phần hỗ trợ để chuyến thăm thành công.

Hơn 20 hãng thông tấn báo chí Mỹ đề nghị được tiếp xúc, phỏng vấn các thành viên trong đoàn. Trên báo chí Mỹ đã xuất hiện nhiều bài viết về VN và chuyến thăm. Chúng ta sẽ không bỏ lỡ cơ hội giới thiệu và quảng bá hình ảnh một đất nước VN mới tới nhân dân Mỹ.

Xin cảm ơn ông.

“Chuyến đi lịch sử trong quan hệ hai nước” ảnh 1
Đại sứ VN đầu tiên tại Mỹ Lê Văn Bàng:

Đó là ngày 3-2-1994, tôi đang làm việc tại văn phòng của mình ở New York thì nhận được điện thoại của Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ từ Washington DC. Họ mời tôi lên trụ sở Bộ Ngoại giao Mỹ để nghe thông báo một tin quan trọng.

Tôi đáp tàu từ New York và có mặt tại Washington DC khoảng hai giờ chiều. Viên chức Bộ Ngoại giao Mỹ cho biết khoảng vài giờ nữa, Tổng thống Clinton sẽ phát biểu trên tivi về việc Mỹ dỡ bỏ lệnh cấm vận kinh tế đối với VN.

Tôi trở về nhà một người bạn và vội vã bật tivi. Mặc dù là người đầu tiên được thông báo chính thức về sự kiện này, nhưng khi xem truyền hình trực tiếp trên tivi tôi đã bật khóc...

“Chuyến đi lịch sử trong quan hệ hai nước” ảnh 2
Đại sứ đầu tiên của Mỹ tại VN Pete Peterson:

Đó là vào ngày 22-6-1995, hơn một năm sau khi Mỹ bỏ lệnh cấm vận đối với VN. Sau một bữa tiệc lớn tại Nhà Trắng nơi có một số ý kiến khuyên Tổng thống Clinton không nên vội trong vấn đề bình thường hóa quan hệ với VN, tôi đã nói với tổng thống: “Thưa tổng thống, tôi nghĩ bây giờ là thời điểm để đưa ra quyết định khôi phục quan hệ với VN”.

Tổng thống trả lời ngay: “Tôi đồng ý. Tôi đang định làm điều đó đây....”. Tổng thống Clinton không có lợi ích chính trị nào từ quyết định này.

Như trong tuyên bố của mình, ông biết rằng việc khôi phục quan hệ với VN là quyết định hoàn toàn đúng đắn ông nên làm lúc đó. Và như các bạn biết, 20 ngày sau, ngày 11-7, tổng thống đã tuyên bố bình thường hóa quan hệ hai nước.

MỚI - NÓNG