Chuyến đi Điện Biên vào năm khó khăn của Tướng Giáp

Đại tướng chụp ảnh kỷ niệm trên đồi A1 - 1994
Đại tướng chụp ảnh kỷ niệm trên đồi A1 - 1994
TP - Suốt ba, bốn ngày ở Điện Biên, tôi và các đồng nghiệp luôn ở bên Tướng Giáp, từ sớm cho đến chiều tối để đi thăm các chiến địa xưa: đồi Him Lam, đồi D1, A1, nghĩa trang liệt sĩ dưới chân đồi A1, các tượng đài mới dựng lên ở Điện Biên v.v., 

Đầu năm 1994, tôi là PV Đài tiếng nói Việt Nam kiêm phái viên của Báo Sài Gòn Giải Phóng. Đang đi công tác Sóc Trăng thì anh Tuất Việt, TBT Báo SGGP nhắn tôi cố về sớm để chuẩn bị bài vở cho kỷ niệm 40 năm ngày chiến thắng Điện Biên Phủ (1954-1994).

Qua nhiều thủ tục nhiêu khê rườm rà, tôi cũng đến được sân bay Nội Bài.

Chuyến ấy máy bay rộng. Một vị đeo lon thiếu tướng và mấy quân nhân đeo lon đại tá. Sau này tôi mới biết vị Thiếu tướng ấy là Cao Pha hồi chiến dịch Điện Biên Phủ là Cục Phó Cục Quân báo. Lại có một cô đầm trẻ và rất đẹp, mắt xanh biếc. Sau rồi mới hay đó là ký giả Catherine Karnow. 

Cha cô, nhà báo kiêm sử gia Stanley Karnow từng là Trưởng văn phòng tạp chí Time châu Á thập niên 1960. Quyển sách Vietnam: A History của ông năm 1980 được chuyển thể thành bộ phim tài liệu lịch sử 13 phần Việt Nam, thiên lịch sử bằng truyền hình đã thay đổi đáng kể góc nhìn toàn cầu về những tội ác mà quân đội Mỹ đã gây ra ở Việt Nam. 

Bộ phim này giành được 6 giải thưởng Emmy (giải thưởng cao quý nhất trong ngành truyền hình Mỹ). Năm 1990, nhà báo Stanley phỏng vấn độc quyền Đại tướng Võ Nguyên Giáp sau chiến tranh Việt Nam trên tờ New York Times với tựa đề Giap Remembers (Ký ức của Tướng Giáp).

(Cũng cần nói thêm, nhà báo nước ngoài duy nhất có mặt trên chuyến chuyên cơ chở thi hài Đại tướng về quê Quảng Bình hôm tang lễ là Catherine mà nhà báo Xuân Ba đã từng ghi lại được).

Đại tướng và phu nhân, bà Đặng Bích Hà bước lên ngồi khoang trên một lúc thì phi cơ cất cánh. Tôi thoáng thấy đạo diễn Trí Việt , quê Bến Tre, một trong ba người Nam Bộ dự trận Điện Biên năm xưa, nhà văn Triều Dương ở báo Văn nghệ, Hội Nhà văn và hai bố con một ông già. Đây là chuyến chuyên cơ đăc biệt do đích thân Cục trưởng Hàng không Việt Nam Nguyễn Hồng Nhị lái chở Đại tướng và phu nhân lên thăm lại chiến trường xưa sau 40 năm chiến thắng Điện Biên Phủ.

Tôi mạnh dạn lên hàng ghế trên chào gia đình Đại tướng và tự giới thiệu mình. Hầu chuyện Đại tướng một lát, tôi cũng mạnh bạo đến ngồi bên cạnh cô đầm xinh đẹp. Cô nói được tiếng Pháp bập bẹ như tôi. Qua cuộc đối thoại có sự “giúp đỡ” của “ngôn ngữ” tay, được biết cô là một phóng viên nhiếp ảnh tự do của Mỹ và vừa nhận 100 cuộn phim để sẽ chụp trong 1 ngày! 

Chả là có một hãng phim ảnh quảng cáo, tiếp thị bằng cách biếu các phóng viên nhiếp ảnh nổi tiếng các nước 100 cuộn phim và phải chụp hết trong 1 ngày về bất cứ đề tài gì và gửi về cho họ. Sau đó họ sẽ tùy ý sử dụng những tấm ảnh đó và trả công cho các phóng viên. 

Catherine là một phóng viên đã nhận 100 cuộn phim như thế. Và, cô ta sang Việt Nam, chọn đề tài Đại tướng Võ Nguyên Giáp. Sau này, các bức hình về Đại tướng được đăng trên các báo phương Tây, kể cả ở Việt Nam, tôi đọc thấy tên Catherine ở bên dưới và nhận ra là các tấm hình ấy cô đã chụp trong chuyến đi đó.

Suốt ba, bốn ngày ở Điện Biên, tôi và các đồng nghiệp luôn ở bên Tướng Giáp, từ sớm cho đến chiều tối để đi thăm các chiến địa xưa: đồi Him Lam, đồi D1, A1, nghĩa trang liệt sĩ dưới chân đồi A1, các tượng đài mới dựng lên ở Điện Biên v.v., tối về lại quây quần bên ông ở nhà khách để hỏi han, ghi chép. 

Có một việc mà tôi coi như ấn tượng là khi Tướng Giáp vào thăm lại hầm De Castries, Đại tướng xem rất kỹ di tích này. Bất chợt ông chỉ tay vào sát bức tường của một ngách hầm và hỏi: “cái étagère lớn của De Castries ở chỗ này đâu rồi?”.

Không ai trả lời. Đại tướng hỏi lại lần nữa, vẫn không ai trả lời. Đại tướng lại hỏi một lần nữa, nói gần như quát(!). Tôi vội đỡ lời: Đại tướng hỏi cái giá sách của De Castries ở đây bây giờ đâu rồi? Có tiếng đáp ngập ngừng: Thưa… đốt rồi ạ! Tất cả lại lặng im. Đại tướng căn dặn phải giữ gìn tất cả những hiện vật của trận Điện Biên năm xưa.

Rồi thật bất ngờ, Đại tướng hỏi “Hầm tướng giặc thì được ta tạo làm di tích lịch sử để tham quan, còn hầm của tướng ta thì bây giờ ra sao? Nhân dân sẽ hỏi các đồng chí, hầm của tướng ta đâu, không lẽ chỉ có hầm tướng giặc thôi à?”. Tất cả mọi người có mặt trong hầm De Castries hôm đó đều lặng đi. Mọi người thấy đại tướng nói đúng quá, có lý quá!

Có phải vì từ câu hỏi ấy, sau này ta đã tổ chức khá tốt việc phục chế căn hầm tướng Giáp và Bộ chỉ huy chiến dịch ở Mường Phăng như bây giờ?

Sáng hôm sau người ta tổ chức để Đại tướng đi thăm lại hầm Tổng Tư lệnh chiến dịch Điện Biên Phủ ở Mường Phăng. Nghe tin ấy, từ tinh mơ hôm sau hai phóng viên Hãng Truyền hình Nhật Bản đã thuê 1 xe U-Oát vào Mường Phăng. Catherine cũng đã thuê được một xe đi từ sớm. 

Tôi không có tiền thuê xe đành bám theo Đại tướng để xin đi trực thăng. Nhưng oái oăm, trực thăng của quân khu nổ máy mấy lần mà cánh quạt vẫn đứng yên.

Đến 2 giờ chiều thì trực thăng của không quân từ Hà Nội lên, và đến 4 giờ hôm đó thì đồng bào Mường Phăng hân hoan đón Đại tướng. Tôi bị nhỡ không bám càng được trực thăng chở Đại tướng. Nhưng may mắn được nghe chuyện của anh Trí Việt.

Nguyễn Trí Việt, dân Bến Tre dự trận Điện Biên Phủ, anh là Chính trị viên Đại đội xung kích 245, Tiểu đoàn 11 Phủ Thông, Trung đoàn 141 Ba Vì, Đại đoàn 312, từng chỉ huy kéo pháo vào kéo pháo ra ở Điện Biên Phủ năm đó. 

Anh kể, thuê con xe Minxco lên được Mường Phăng. Đường khó đi gần trưa mới đến. Thế mà từ sáng sớm, đồng bào Mường Phăng đã tập hợp trên một bãi đất rộng mà xưa kia Đại Tướng từng duyệt binh sau chiến thắng Điện Biên để đón Đại tướng. Nhiều người mang theo trứng gà và mật ong để biếu Đại tướng. 

Đồng bào đã kiên trì đứng từ sáng tới 4 giờ chiều dưới nắng để chờ, ai cũng sợ bỏ đi thì không kịp quay lại để nhìn thấy Đại tướng. Hai phóng viên truyền hình Nhật Bản đã đứng cả ngày, cởi áo để che nắng cho máy quay phim chờ Đại tướng đến là bấm máy…

Ngô Phong, một cán bộ tuyên giáo Điện Biên còn kể cho tôi nghe nhiều chuyện cảm động. Có cụ già đã 40 năm nay tình nguyện trông coi hầm chỉ huy của Đại tướng, hằng ngày quét dọn, chăm sóc như nhà của mình.

Tôi nhớ, lúc ở Bảo tàng Điện Biên, đứng trước tượng đài khá lớn, dựng hai người phụ nữ, một người mặc áo cánh, búi tóc, tượng trưng cho phụ nữ đồng bằng Bắc Bộ, đứng sát là một phụ nữ chít khăn piêu, mặc áo của phụ nữ dân tộc Thái, tượng trưng cho đồng bào các dân tộc Tây Bắc… 

Chuyến đi Điện Biên vào năm khó khăn của Tướng Giáp ảnh 1

Đại tướng Võ Nguyên Giáo

Đại tướng vẻ mặt rất buồn giọng đanh lại: Tôi đã chỉ đạo các anh rằng, chiến thắng Điện Biên Phủ là công lao của cả nước. Cả nước chia lửa với Điện Biên Phủ, cả nước căng địch ra mà đánh nên chúng không thể điều quân đến cứu nguy cho ĐBP. Vì thế khi dựng tượng đài ở Điện Biên Phủ phải có hình ảnh của ba miền Trung- Nam - Bắc. Mai kia đồng bào Khu 5, đồng bào Nam Bộ… ra đây thăm Điện Biên, người ta hỏi hình ảnh của chúng tôi đâu trong chiến thắng này thì các anh sẽ trả lời làm sao? Điện Biện Phủ chỉ có công của Bắc Bộ và Tây Bắc thôi à?

Đại tướng gay gắt thêm: Tôi đã dặn kỹ các anh rồi sao không thực hiện, sao lại làm thế này?

Tất cả cán bộ ngành bảo tàng ở Điện Biên lúc đó đều có mặt nhưng không ai nói gì cả, không một lời giải thích!

Đêm hôm đó tôi nằm thao thức mãi về thông tin Đại tướng không muốn đưa phản ứng đó vào trong bài báo? Sao vậy? Sau này tôi mới hiểu. Ôi chao những năm tháng khó khăn?

Dịp kỷ niệm 50 năm chiến thắng Điện Biên Phủ tôi lại từ Sài Gòn ra Hà Nội. Vinh dự được Đại tướng tiếp tại nhà riêng gần một tiếng đồng hồ, sau đó tôi lại lên Điện Biên…

Một kỷ niệm, nói đúng hơn là một tấm ảnh hiện tôi vẫn giữ năm 1994 theo Đại tướng thăm lại chiến trường xưa sau 40 năm… Lúc ấy, thi thoảng, tôi lại thấy người sĩ quan tùy tùng của ông đưa cho ông một quả chuối và một hộp pho-mai… ông điềm tĩnh bóc chuối và lấy khoanh pho-mai ra ăn trước đông đủ cử tọa rồi lại tiếp tục làm việc. Tấm hình chụp Đại tướng đang ăn chuối với pho-mai trước cử tọa, tôi coi nó như một cú bấm máy “đáng tiền” trong đời làm báo của tôi! Ăn chuối với pho-mai cho người già sức khỏe tốt, có lẽ vì thế mà Đại tướng sống đến trăm tuổi?

Tôi nhớ khi thăm và làm việc với Bảo tàng Điện Biên, tướng Giáp ngồi nói chuyện với cán bộ bảo tàng, có cả Bí thư Tỉnh ủy Lai Châu dự. Ngày hôm đó cũng là ngày Catherine thực hiện chụp 100 cuộn phim, có nghĩa là phải bấm máy 3.600 lần trong ngày. Vì thế cô bấm máy liên tục.Tướng Giáp chỉ đi ba bước là cô bấm một kiểu ảnh. Có lẽ tướng Giáp biết chuyện này nên ông luôn miệng hỏi “quelle couronne?” (cuộn thứ mấy rồi?).

Sau này, các bức hình về Đại tướng được đăng trên các báo phương Tây, kể cả ở Việt Nam, tôi đọc thấy tên Catherine ở bên dưới và nhận ra là các tấm hình ấy cô đã chụp trong chuyến đi đó.

MỚI - NÓNG