Theo lời dặn của cha, con gái cụ (theo cha vô Huế được cha cho đi học cũng lo chuyện cơm nước kiêm quản gia) mỗi tháng phải trích ra một ít và phải nhiều năm mới tích cóp dồn đủ tiền để thửa đôi bình sứ ấy. Cụ Thượng rất quý bầy luôn ở phòng ở coi như bạn tri kỷ. Quý thế nhưng đường ra Bắc diệu vợi kích rích, cụ đành rứt ruột nhượng lại cho một nhà buôn!
Ông cụ chỉ hoàn toàn trông vào lương. Tất nhiên lương của vị Thượng thư Bộ Hình khá cao (ông Bùi Nghĩa cho biết là 450 đồng bạc Đông Dương/tháng. Lương hạng lục phẩm chỉ 9 đồng/tháng. Lính lệ 6 đồng/tháng) Nhưng ngoài lương, cụ Bùi tuyệt nhiên không ngóng và lánh xa những bổng, lộc! Cụ giao cho cô con gái Bùi Bội An việc quản lý tài chính. Cô Bội An chia tiền lương hàng tháng của cha vào mười mấy cái phong bì. Cái nào chi dùng cho việc nhà, việc họ. Phong bao nào chi dùng cho việc trợ cấp tiền học của con cháu thân thích trong nhà. Cái ơn cưu mang bát cơm Phiếu Mẫu những ngày gian khó thuở ấu thơ mà ông chú họ Dương Lâm đùm bọc mấy anh em bồ côi bồ cút tự bao giờ đã thành nếp thương nếp đẹp với ba anh em Tam Bằng Hà Đông . Rồi Cụ Thượng cũng không quên việc dặn con gái điều chỉnh sao đó để dành dụm sắm được đôi bình sứ Khang Hy?
Chúng ta thử giãi mã tâm sự của cụ Bùi về đôi cái lọ Khang Hy mà cụ bao lâu ao ước là phải sắm cho được? Nhất chữ, nhì tranh, tam sành, tứ mộc. Đầu tiên là chữ (thư pháp, hoành phi câu đối…) kế đó là tranh ( thủy mạc các danh họa mà chủ yếu của Trung Hoa) sau nữa là đồ cổ, bình, lọ, chén. bát kiểu… Cuối mới là cây cảnh, những kỳ hoa dị thảo. Ấy là bốn thứ chơi tao nhã của các bậc phong lưu. Cụ Bùi tính khí khiêm nhường đâu tự xếp mình vào hạng bực phong lưu? Nhưng dù gì cụ cũng có chút vướng, cũng ít nhiều thường trực cái năng khiếu cái thẩm mỹ giời cho ấy. Thế hệ ta hẳn sẽ tò mò xiết bao về đôi lọ Khang Hy ấy cứ cho là vưu vật đi.
Thứ sành ấy thuộc loại nào? Mặt bình, lọ ấy tráng lớp men gì? Hoặc vẽ tích chi? Họa đã vậy, ắt phải có thi? Chữ gì, thơ gì trên lớp men Tàu kỳ ảo ấy? Bởi các nghệ nhân nghệ sĩ Trung Hoa thường ký thác trên mặt sứ những giá trị chân thiện mỹ nào đó mà một khi, chỉ có mục sở thị mới mang lại những hiệu ứng bất ngờ, chính xác? Và còn điều chi bí ẩn như vô ngôn trên đôi lọ đã từng hút hồn vị Thượng thư ấy? Đọc được phần nào, được chút nào cũng là việc mon men giải mã được phần nào những bí ẩn tinh thần của vị Thượng thư họ Bùi vậy?
Chuyện cùng ông Bùi Nghĩa rất đỗi ngạc nhiên vì biết thêm cụ Bùi rất nghiêm trong việc dạy dỗ con cái. Mà hình phạt nặng nhất là roi. Lẩn mẩn nghĩ cũng lạ, ngày trước các cụ ít khi dùng roi mây roi tre có lẽ vì hai vật ấy gây đau mà dùng roi dâu. Cái thứ roi bằng thân, bằng nhánh cây dâu nghe đâu nó khắc tinh được những điều xấu ác? Như cái roi dâu của cụ Bùi qua chất giọng bồi hồi của người thứ nam Bùi Nghĩa.
Một hôm tôi không rõ vì cái gì trong việc quản lý tiền nong bác Bội An tôi bị cụ nọc ra đét cho ba roi dâu. Mặc dù cụ rất thương quý cô con gái có công lớn thay mẹ lo liệu việc nội trợ chu đáo cho cha và em trong những ngày ở đất thần kinh. Cụ nói cái roi dâu ấy là roi gia pháp!
Chiếc roi gia pháp ấy không chỉ dùng với con cái…
Lần ấy tôi không còn nhớ rõ là chẳng rõ ông cụ tôi có chuyện gì? Mà chắc là gặp việc nghiêm trọng. Cụ bác cả tôi cụ Bùi Bằng Phấn đáp xe lửa từ Hà Nội vào. Hai cụ dáng ngồi nghiêm cẩn ôn tồn nhỏ nhẹ…
Và có lẽ đã biết lỗi của mình ông cụ tôi bất ngờ nhưng lẳng lặng lấy ra chiếc roi dâu thường dạy con cái trong nhà ra. Rồi cụ cũng lẳng lặng sấp người trên sập đợi ông anh… Xong ba lần roi gia pháp quyền huynh thế phụ ấy, người bác cả của tôi đã lẳng lặng ra ga trở về Hà thành ngay sau đó…
Thời thế biến chuyển rất nhanh với sự kiện Nhật đảo chính Pháp. Thượng thư Bùi Bằng Đoàn đã ký vào cả hai bản Lời tuyên bố Việt Nam độc lập của Bảo Đại ngày 11/3/1945 và Tờ phiếu xin từ chức của toàn thể Cơ Mật viện ngày 19/3/1945.
Sau sự kiện đó, vua Bảo Đại yêu cầu cụ Bùi ra Hà Nội nhận chức Chanh nhất tòa Thượng thẩm đang khuyết. Chức vụ này từ trước chỉ toàn người Pháp nắm.
Thượng thư Bùi Bằng Đoàn
Lý giải về quyết định này, người con trai Bùi Nghĩa đã có những nhận định khá xác đáng.
Ông cụ nghĩ dù dưới chính thể nào xóa bỏ được nền quân chủ càng thuận tiện khi quản lý xã hội phải bằng pháp luật. Hướng tới việc tách riêng các quyền lực hành chính và tư pháp, mọi nỗ lực và hy vọng của cụ được đặt vào mục tiêu đó. Nhận yêu cầu của nhà vua là ông cụ tự nghĩ đã tách được mình khỏi quyền lực hành chính chỉ làm công việc chuyên môn tư pháp.
Một ngày hè tháng 5 năm 1945, ba cha con cụ Bùi (con gái là Bội An và con trai Bùi Nghĩa) ra ga Huế trở về Bắc. Cả nhà đến thẳng ngôi nhà số 8 phố Beauchamp (nay là phố Lê Thái Tổ) là chỗ ở. Còn Văn phòng Chánh nhất Thượng thẩm đặt tại Trụ sở Tối cao Pháp viện (Tòa án nhân dân tối cao đường Lý Thường Kiệt hiện nay)
Vua Bảo Đại giành cho ông cụ tôi tòa biệt thự này. Mấy bố con đi xe tay tới nhận nhà. Ngôi biệt thự bên cạnh Hồ Gươm thênh thang. Nhà rất to. Vườn rất rộng. Ông cụ tôi chỉ có một va ly, một cặp sách. Bảy tám căn phòng trống trơn. Tôi thấy cô đơn quá.
Cũng tại căn biệt thự số 8 Beauchamps, cụ Bùi đã trực tiếp chứng kiến những ngày tháng Tám trời long đất lở của quần chúng Hà Nội dưới sự lãnh đạo của Việt Minh.
Một bằng chứng cho thấy Chủ tịch Hồ Chí Minh đã trù liệu, từ lâu đã nhắm đến vị nhân sĩ tài danh thượng thư Triều Nguyễn Bùi Bằng Đoàn. Trong Lễ tuyên ngôn Độc lập chiều mồng 2/9 tại Quảng trường Ba Đình, Cụ đã cho mời cụ Bùi đến dự. Tất nhiên trước đó, Cụ Bùi từng có thiện cảm với Việt Minh. Từ khi ở Huế và ngay tại Hà Nội, cụ có các hoạt động kín như tham gia vào Hội cứu trợ thanh niên học sinh yêu nước bị phát xít Nhật truy xét vì những hoạt động yêu nước. Sau thời điểm đó, cụ Bùi đã trở về quê nhà Liên Bạt theo sở nguyện chỉ muốn về quê làm ruộng trông coi từ đường dòng họ.
Nhưng cụ đâu đã được an trí. Chỉ ít bữa của một ngày thu những phái viên của cụ Chủ tịch Hồ Chí Minh theo lệnh Cụ Hồ đã về Liên Bạt mời cụ Bùi ra gánh việc nước! (Còn nữa)
Cụ Bùi từng có thiện cảm với Việt Minh. Từ khi ở Huế và ngay tại Hà Nội, cụ có các hoạt động kín như tham gia vào Hội cứu trợ thanh niên học sinh yêu nước bị phát xít Nhật truy xét vì những hoạt động yêu nước.