Từng là GĐ một nhà xuất bản lớn nên anh Ngợi rất chỉn chu cẩn trọng, nhất về mặt tư liệu. Lại là Phó ban dòng tộc Họ Bùi Việt Nam nên ngoài việc chung dòng họ, việc riêng của họ Bùi ở Liên Bạt, anh khá tường.
Người thứ hai là ông Bùi Nghĩa, con út cụ Bùi Bằng Đoàn. Ông Nghĩa năm nay đã cửu thập nhưng còn nhúc nhắc đi lại được và khá mẫn tiệp.
Cái tình của cụ Hồ với cụ Bùi có thể nói là hy hữu. Nói như tiền nhân là liên tài lẫn liên tình!
Đang nói đoạn cụ Bùi dưỡng bệnh mấy tháng ở Bài Lâm cuối năm 1948.
Sang năm 1949, giặc Pháp lấn chiếm hoàn toàn khu vực Vân Đình nên ở Bài Lâm không an toàn nữa.
Theo lệnh Cụ Hồ, cụ Bùi được chuyển vào vùng tự do Thanh Hóa.
Vẫn trung đội cảnh vệ khi đi thuyền, khi võng cáng, một lộ trình dằng dặc gian nan từ Mỹ Đức vào đến tận làng Hậu Hiền thuộc xã Thiệu Tân, huyện Thiệu Hóa, Thanh Hóa. Hậu Hiền cách Rừng Thông hơn 10 km. Rừng Thông là nơi hội tụ của dân tản cư Hà Nội và Khu Ba. Được mấy tháng để giữ bí mật, lại phải di chuyển đến xã Xuân Thọ của huyện Triệu Sơn.
Tuy là vùng tự do nhưng điều kiện chữa trị cũng không khá hơn. Việc tiếp tế thuốc men từ Hà Nội vào chậm. Bệnh tình cụ Bùi có cơ không thuyên giảm mấy.
Dịp Lễ trọng 130 năm sinh cụ Bùi, tôi được tiếp cận với một tài liệu. Đó là bản sao bức thư đánh máy. (Tài liệu ấy hiện đương lưu tại Trung tâm lưu trữ quốc gia) Tác giả bức thư là ông Trần Đăng Ninh, phái viên Chính phủ.
Việt Nam Dân Chủ Cộng Hòa năm thứ 4
Độc Lập Tự Do Hạnh phúc.
Ngày 20-6-1949
Kính Cụ Chủ tịch
Ngày 25 tháng 6 vừa qua, tôi có tới thăm cụ Nhì (có lẽ là mật danh khi ấy của cụ Bùi Bằng Đoàn?- XB) nhà mới chuyển đến chỗ rộng rãi, thoáng mát nằm trong một trại nhỏ phi cơ địch ít chú ý. Hai người con gái và con trai đang ở cùng với cụ. Có một đồng chí của Khu Ba và mấy cảnh vệ đi theo chăm sóc.
Cụ có khá hơn năm ngoái nhiều. Béo và trắng ra. Không lẫn. Nói hơi ngọng. Thỉnh thoảng quên chữ. Tay phải vẫn bị co. Ngón út đã cử động được. Ăn ngủ ngày hai bữa. Mỗi bữa được 3 lưng. Vẫn phải có người đỡ ngồi lên và lúc nằm.
Cụ Nhì băn khoăn khi được biết Cụ Hồ phải ngủ bên bờ suối bữa Cụ tới thăm cụ Nhì. Nghe chuyện ông Vĩnh Thụy (Bảo Đại- XB) cụ Nhì thở dài. Anh em phải lảng sang chuyện khác vì sợ cụ Nhì xúc động. Tóm lại tinh thần cụ rất khá. Bệnh giảm nhiều nhưng khó lòng khỏi được.
Cụ Nhì thổ lộ can tràng rằng Cụ Hồ tài lắm. Nói chuyện như người thường. Người nào tinh ý mới nhận ra sự sâu sắc của Cụ Hồ. Cụ như tính trước được các việc vậy…
Theo lời Cụ dặn, tôi có gửi trình cụ thư của 2 đồng bào nội thành dâng Cụ bộ quần áo lụa trắng và một bút chì 5 mầu (porte- mines) Bộ quần áo thì biếu cụ Nhì. Còn cái bút chì khi chuyển chắc có anh em thử và nghịch nên bị hỏng nên không đưa biếu cụ Nhì nữa. Khi dâng cụ Nhì bộ quần áo lụa trắng của đồng bào nội thành dâng biếu Cụ Hồ nay Cụ Hồ tặng lại cụ Nhì, cụ Nhì cảm động quá khóc một hồi rồi mếu máo, Cụ Hồ tốt quá lúc nào cũng nhớ đến tôi mà tôi chả giúp được gì Cụ cả.
Một bức thư viết tay. Chữ của cụ Bùi. Xin trích ít dòng.
Tôi tuy ốm nhưng lúc nào cũng thông chính sách của chính phủ dưới sự lãnh đạo sáng suốt của Cụ.
Sức khỏe tôi vẫn bình thường. Hiện bác sĩ đang tiêm thuốc. Thỉnh thoảng có người ở Việt Bắc về nói chuyện sức khỏe của Cụ tăng tiến nhiều tôi rất lấy làm mừng rỡ.
Kính thư
Bùi Bằng Đoàn
Có đoạn tái bút của cụ Bùi.
Chữ ký do tay run nên ký lấy được. Mong Cụ tha lỗi cho.
Tiếp quản Thủ đô. Tháng 11/1954, cụ Bùi từ Thanh Hóa về Hà Nội. Khỏi nói sự hân hoan của Cụ Hồ khi gặp lại cụ Bùi qua bao năm trùng phùng, xa cách. Chính phủ giành cho cụ mọi điều kiện chữa trị tốt nhất. Theo chỉ thị của Cụ Hồ, cụ Bùi và gia đình được bố trí tại biệt thự số 10 Trần Hưng Đạo yên tĩnh, gần các bệnh viện, thuận tiện cho việc chữa trị.
Cụ Hồ thường xuyên đến thăm cụ Bùi. Cụ Hồ không hẹn trước chỉ báo qua điện thoại vài tiếng, Cụ Hồ đi com măng ca Liên Xô, không dùng xe chuyên dụng. Có nhiều bữa, cụ Bùi lưu cụ Hồ lại chuyện đến khuya.
Cụ Bùi luôn giục những người thân ý định về thăm quê Liên Bạt để gặp lại cụ bà và bà con làng nước. Nghe vậy ai cũng phải bùi ngùi quay đi và nói lảng là đợi cụ bình phục hẳn đã! Ai cũng biết chuyện cụ bà bị Pháp bắn chết 7 năm nay, nhưng ai dám đảm bảo khi phải đón tin dữ này cụ Bùi vẫn an lành, không hề hấn gì?
Có lẽ một khi cụ đã quyết khó lòng cản được. Xe và cáng đưa cụ về lại làng Chùa thân yêu.
Bà đâu rồi? Nước mắt của con cháu đã thay những lời đau đớn.
Cụ Bùi sụp xuống ngay chỗ hiên từng thấm máu người hiền -thê- liệt- nữ của mình (chữ của nhà văn Sơn Tùng).
Ngơ ngác lặng lẽ. Một hồi lâu sau cụ nói cho cụ lên võng cáng. Theo hướng dẫn của cụ, lần lượt con cháu dâng hương các ban thờ. Cụ ngồi lặng trên cáng kính cẩn lẩm nhẩm khấn vái. Nước mắt vị Thượng thư già giàn trên cặp má nhăn nheo.
Những ngày tận xuân sơ hạ Ất Mùi (1955) chỉ sau ít ngày về cố hương Liên Bạt, tin dữ khiến cụ bị sốc hay thời tiết đang chuyển mùa? Rồi một đêm, cụ Bùi đột ngột chuyển bệnh. Cụ được cấp tốc đưa vào Bệnh viện A, nay là Bệnh viện TƯ Quân đội 108.
Hơn mười ngày cụ Bùi lâm bạo bệnh có đến mấy lần cụ Hồ tới bên giường bệnh vấn an.
Hồi 3 giờ 30 phút ngày 13/4/1955, cụ Bùi trút hơi thở cuối cùng.
Ba giờ sau, trời chưa sáng rõ, Cụ Hồ đã đến bệnh viện. Cụ đến thẳng phòng bệnh. Bên giường cụ Bùi, Cụ Hồ đứng lặng hồi lâu, rút khăn tay thấm nước mắt…
Ít phút sau, Cụ sang phòng bác sĩ trực và nói với Phó Thủ tướng Phạm Hùng cái nguyện vọng cụ Bùi lúc sinh thời rằng, cụ Bùi là người rất gắn bó với quê hương bản quán nên lễ tang cụ sẽ được tổ chức ở Liên Bạt. Cụ còn dặn thêm, trời bắt đầu nóng không nên tổ chức kéo dài, cái chính là trọng thể, chu đáo.
Tận bây giờ, cụ vẫn nằm tại nghĩa trang chung của xã Liên Bạt, không có khu mộ riêng xây cất gì to lớn.
Như thể cụ cùng thập loại chúng sinh nằm kề (chữ của Nguyễn Du)