Chuyện chưa biết trong phòng thi đặc biệt
Họ là những thí sinh khuyết tật, vượt qua muôn vàn khó khăn quyết tâm thực hiện ước mơ bước chân vào giảng đường đại học.
Thí sinh Võ Văn Nhật trong phòng thi đặc biệt. Ảnh: Đức Hoàng. |
Trong các kỳ thi, họ được bố trí trong những phòng thi đặc biệt và phía sau những phòng thi ấy là câu chuyện dài về việc chuẩn bị chu đáo của nhà trường...
Một mình, 3 giám thị
Đợt 1 kỳ tuyển sinh ĐH, CĐ 2013 đã qua nhưng câu chuyện của thí sinh Võ Văn Nhật (Đà Nẵng) quyết đi thi để mọi người biết khả năng chứ không nhận đặc cách đã khiến nhiều người xúc động. Nhật cho biết, vì chỉ có một mình nên phòng thi của em là phòng Hội đồng thi, số phòng 604. Thi môn tự luận, trong phòng thi rộng mênh mông, bên cạnh em là 3 giám thị như một phòng thi bình thường. Chuông điểm vào giờ làm bài, một giám thị đọc đề, Nhật làm bài trên máy chữ nổi Braille. Sau đó, giám thị dịch lại bài làm của Nhật qua chữ bình thường để kí và nộp bài như những thí sinh khác.
Ở bài thi môn trắc nghiệm, giám thị đọc cho em từng câu hỏi, Nhật phải tự nhẩm tính trong đầu và chọn kết quả các phương án ra giấy. Ở những câu tính toán dài, em phải nhẩm rất lâu. Một số câu phải cộng trừ nhiều, em nhờ giám thị bấm máy tính giúp. Tất cả quá trình làm bài của thí sinh này đều được ghi lại qua camera và ghi âm, đề phòng trường hợp giám thị “gà” bài. Ngoài một giám thị hành lang thuộc quân số của trường, giám thị 1 và giám thị 2 ở phòng thi của Nhật được thuê từ Trường phổ thông chuyên biệt Nguyễn Đình Chiểu (Đà Nẵng) để có kiến thức đọc và phiên âm chữ nổi Braille.
Trong đợt thi thứ 2 của kỳ tuyển sinh ĐH-CĐ năm nay, tại Hội đồng thi ĐH Sư phạm Hà Nội sẽ có một thí sinh khiếm thính dự thi. Ông Nguyễn Văn Hiển, Trưởng phòng Hành chính - Tổng hợp nhà trường cho biết, tổ chức cho thí sinh khiếm thính đơn giản hơn thí sinh khiếm thị. Tuy nhiên, nhà trường vẫn phải có phương thức đặc biệt để hỗ trợ thí sinh này. Theo kế hoạch, trong ngày làm thủ tục dự thi, Hội đồng thi nơi thí sinh này dự thi sẽ được mời thêm một giáo viên ngôn ngữ kí hiệu. Giáo viên này được điều từ khoa Giáo dục đặc biệt của nhà trường. Trong ngày thi chính thức, thí sinh khiếm thính này vẫn ngồi cùng các thí sinh khác. Nếu cần hỏi gì thêm, em sẽ được sự hỗ trợ của giáo viên ngôn ngữ kí hiệu.
Tính đến từng chi tiết nhỏ nhất
Còn nhớ cách đây nhiều năm, lần đầu tiên, một thí sinh khiếm thị tên Nguyễn Hữu Ất, quê ở Nghệ An đã gõ cửa khắp nơi để xin được thi ĐH vào khối A. Nhiều trường đã từ chối vì không thể lập một hội đồng thi riêng cho thí sinh khiếm thị. Bản thân nhà trường cũng không có tiền lệ đào tạo thí sinh đặc biệt. Ất đã viết lá đơn cảm động và thấm đẫm nước mắt gửi ĐH Quốc gia Hà Nội, rồi ra tận nơi gặp thầy hiệu trưởng và tìm đến Bộ GD&ĐT. Cuối cùng, ĐH Quốc gia Hà Nội đã quyết định tổ chức thi cho Ất (cụm thi ĐH Vinh).
Ất được bố trí một phòng thi đặc biệt với 2 giám thị, 1 cán bộ quay camera và một cán bộ bảo vệ. Tổng chi phí cho phòng thi đặc biệt này vào thời điểm năm 2007 là 6,5 triệu đồng. Bài thi chữ nổi của em được Hội đồng tuyển sinh mời giáo viên dạy ở trường Nguyễn Đình Chiểu dịch sang chữ bình thường. Các bài thi được rọc phách và chấm như những bài thi bình thường khác. Thí sinh này sau đó đã đỗ vào đại học và có học lực rất tốt.
Ba năm sau, thí sinh khiếm thị Hoàng Minh Quang (Lương Sơn, Hòa Bình) tiếp tục đăng kí dự thi vào khối A. Để chuẩn bị cho phòng thi đặc biệt của Quang, Học viện Hành chính Quốc gia cũng bố trí 2 giám thị, một camera, 10 cuộn băng ghi âm. Phương thức thi lúc đó là giám thị đọc đề, Quang tự nhẩm tính và đọc lời giải để giám thị chép, đồng thời ghi âm lại lời giải. Mọi phép tính em đều tự nhẩm vì quy định lúc đó không cho phép giám thị bấm máy tính giúp. Những hạn chế trong phương thức thi cho người khiếm thị đã khiến em không mấy tự tin về bài thi.
Theo ông Nguyễn Văn Hiển, với thí sinh có nỗ lực và thành tích học tập cao như một số em trên đây, độ khó của đề thi không đáng ngại bằng cách tổ chức thi ra sao. Vì thế, trường đã tạo mọi điều kiện để các em có thể làm bài tốt. Các em phải được bố trí phòng thi riêng vì việc đọc đề, ghi chép lời giải sẽ làm ảnh hưởng đến các thí sinh khác. Giám thị phải là những giáo viên chuyên biệt, có chuyên môn về môn thi đó để đọc cho chính xác. Nếu thí sinh muốn ra ngoài đi vệ sinh theo như quy định, giám thị hành lang sẽ là người đưa thí sinh đi theo quy chế. Vì vậy, khi xếp lịch trông thi, nhà trường phải xem đó là thí sinh nam hay nữ để xếp giám thị nam- nữ để đảm bảo tế nhị.
Theo GiadinhNet