Chuyển biến tích cực nhưng chưa cơ bản

Ông Huỳnh Ngọc Sỹ bị đưa ra tòa trong một vụ nhận hối lộ
Ông Huỳnh Ngọc Sỹ bị đưa ra tòa trong một vụ nhận hối lộ
TP - Đó là nhận định của Phó Thủ tướng Trương Vĩnh Trọng, Phó Trưởng Ban chỉ đạo T.Ư về phòng, chống tham nhũng (PCTN) tại Hội nghị toàn quốc tổng kết công tác PCTN nhiệm kỳ Đại hội X của Đảng được tổ chức ngày 30-11 tại Hà Nội.

Do tính chất quan trọng của công tác PCTN, Thường trực Ban Bí thư Trương Tấn Sang đã đến dự và chỉ đạo.

Ông Huỳnh Ngọc Sỹ bị đưa ra tòa trong một vụ nhận hối lộ
Ông Huỳnh Ngọc Sỹ bị đưa ra tòa trong một vụ nhận hối lộ .

Quan tâm đặc biệt

Phát biểu khai mạc hội nghị, Phó Thủ tướng Trương Vĩnh Trọng đánh giá, so với nhiều năm trước đây, quyết tâm và hiệu quả của công tác PCTN đã có bước tiến triển. Phó Thủ tướng khẳng định, chưa có nhiệm kỳ nào, công tác PCTN được quan tâm đặc biệt như nhiệm kỳ này.

Ngay từ đầu khóa (tháng 7-2006), Hội nghị T.Ư 3 (khóa X) đã ban hành Nghị quyết số 04-NQ/TƯ về “Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác PCTN, lãng phí”. Đây là lần đầu tiên, BCH T.Ư Đảng ra Nghị quyết chuyên đề về PCTN, thể hiện quyết tâm chính trị và vai trò, trách nhiệm của Đảng trong cuộc đấu tranh PCTN…

Kết quả PCTN thể hiện các chủ trương, đường lối, chính sách của Đảng và Nhà nước là đúng đắn, khẳng định quyết tâm, năng lực của cả hệ thống chính trị và toàn xã hội trong công tác PCTN là khả thi, góp phần củng cố lòng tin của nhân dân, nâng cao uy tín của Việt Nam với cộng đồng quốc tế.

Tuy nhiên, Phó Thủ tướng cũng chỉ rõ, bên cạnh những kết quả nêu trên, công tác phòng, chống tham nhũng vẫn còn nhiều hạn chế, yếu kém, bất cập. Mặc dù công tác phòng, chống tham nhũng đã có những chuyển biến tích cực nhưng chưa tạo được sự chuyển biến có tính cơ bản. Hiện nay, tham nhũng vẫn còn nghiêm trọng và có diễn biến phức tạp, tiếp tục diễn ra ở nhiều lĩnh vực, nhiều ngành, nhiều cấp. Tệ tham nhũng vẫn là vấn đề bức xúc và mối quan tâm của toàn xã hội. Do vậy, “Chủ trương một, biện pháp hai, quyết tâm phải ba”...

5 hạn chế, yếu kém

Theo Chánh Văn phòng Ban chỉ đạo T.Ư về PCTN Vũ Tiến Chiến, trong công tác này còn 5 hạn chế, yếu kém. Đó là, giữa quyết tâm chính trị với hành động thực tiễn trong công tác PCTN vẫn còn khoảng cách đáng kể. Quyết tâm chính trị chưa thực sự trở thành hành động tự giác của tất cả các ngành, cấp và hệ thống chính trị. Năng lực và sức chiến đấu của một số tổ chức cơ sở Đảng còn yếu kém, vai trò, trách nhiệm, tính gương mẫu của người đứng đầu ở một số cơ quan, tổ chức, đơn vị chưa được phát huy ngang tầm với yêu cầu và đòi hỏi của công tác PCTN; nhận thức và ý thức còn hạn chế, thiếu chủ động trong tổ chức thực hiện.

Trong 4 năm (2007- 2010), cả nước có 276 người đứng đầu và cấp phó của người đứng đầu bị xử lý do thiếu trách nhiệm để xảy ra tham nhũng. Từ năm 2007 đến tháng 9- 2010, các cơ quan chức năng đã khởi tố 1.186 vụ với 2.586 bị can. 

Công tác đấu tranh tự phê bình và phê bình trong nhiều cơ quan, đơn vị, tổ chức chưa thường xuyên, chưa đủ mạnh để tự phát hiện các hành vi tham nhũng. Cơ chế, chính sách trên nhiều lĩnh vực vẫn còn sơ hở, thiếu đồng bộ, bất cập, trong khi tổ chức và hoạt động của cơ quan chuyên trách về PCTN chưa đủ mạnh. Số vụ án tham nhũng bị phát hiện và xử lý giảm dần, năm sau ít hơn năm trước (năm 2007 khởi tố 427 vụ; 9 tháng đầu năm 2010 chỉ khởi tố 188 vụ) là do thiếu quyết tâm trong phát hiện và xử lý...

Ông Chiến cho biết, kết quả điều tra dư luận cho thấy, PCTN ở vị trí thứ 6 trong 10 vấn đề có kết quả mờ nhạt, chưa rõ ràng. Tham nhũng còn nghiêm trọng và diễn biến phức tạp.

Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Nguyễn Thế Thảo cho biết, hầu hết các vụ việc tham nhũng được phát hiện là do người dân có đơn, thư tố cáo, qua thanh tra, kiểm tra. Trong khi, rất ít vụ việc được phát hiện qua đấu tranh trong nội bộ hệ thống chính trị. Chánh án TAND tối cao Trương Hòa Bình cho biết, một số vụ điều tra tham nhũng kéo dài do tội phạm tham nhũng có chức vụ, quyền lực.

Kết luận Hội nghị, đồng chí Trương Tấn Sang, Ủy viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư yêu cầu, các cấp, ngành, địa phương phải tăng cường tuyên tuyền sâu rộng công tác PCTN gắn với Cuộc vận động “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh”.

Đồng chí Trương Tấn Sang cho rằng, phải phát huy hơn nữa vai trò của các cơ quan báo chí trong cuộc đấu tranh này. Từng cơ quan, đơn vị, địa phương phải xây dựng chương trình hành động PCTN. BCĐ PCTN các cấp phải thực hiện tốt chức năng, nhiệm vụ, hoạt động thực sự hiệu quả, giúp Đảng, giúp nhân dân xoay chuyển tình hình. Đấu tranh PCTN là nhiệm vụ của cả hệ thống chính trị và của toàn dân; quyết tâm phải gắn liền với hành động...

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG