Chút tình với Trường Sa

0:00 / 0:00
0:00
TP - Dịp kỷ niệm 70 năm báo Tiền Phong ra số đầu tiên (16/11/1953 – 16/11/2023) cũng vừa tròn 1 thập kỷ tôi được đi thăm, tác nghiệp ở Trường Sa với tư cách phóng viên của báo (tháng 5/2013). Sau lần đầu tiên ấy, tôi có may mắn và được báo “ưu ái” cử đi công tác tại Trường Sa thêm một vài lần nữa. Mỗi chuyến đi là một trải nghiệm mới để tôi tích luỹ thêm những hiểu biết về Trường Sa, về chủ quyền biển, đảo thiêng liêng của Tổ quốc.

Tháng 5/2013, khi được đi Trường Sa, tôi 24 tuổi, đang là phóng viên Ban Thanh niên của báo Tiền Phong. Tôi gọi đó là “hành trình của cuộc đời”, bởi không phải ai cũng có may mắn được đến với Trường Sa - huyện đảo thiêng liêng của Tổ quốc. Đến giờ, sau 10 năm, trong kho tư liệu của bản thân, tôi vẫn giữ những công văn, giấy tờ liên quan đến chuyến đi, từ văn bản đồng ý của Ban Biên tập báo, đến Thông tri triệu tập của T.Ư Đoàn, chương trình dự kiến của Hành trình tuổi trẻ vì biển đảo quê hương năm 2013… Thú vị hơn nữa, cùng chuyến đi này, có 2 người bạn học cùng lớp đại học với tôi (một người công tác tại T.Ư Đoàn, một người là đồng nghiệp ở báo Tuổi Trẻ).

Chút tình với Trường Sa ảnh 1

Phóng viên báo Tiền Phong gói bánh chưng vui Tết với cán bộ, chiến sĩ trên đảo Trường Sa. Ảnh: PV

Khỏi phải nói tôi sung sướng như thế nào trước chuyến đi. Chỉ biết, nhiều đêm tôi mất ngủ. Tôi trò chuyện với những người từng đến Trường Sa, tìm kiếm thêm tài liệu, thông tin, đề tài báo chí về Trường Sa. Đợt đó, qua kết nối, phối hợp của phóng viên Tiền Phong, đại diện Tỉnh Đoàn Vĩnh Phúc mang theo một phần “đất Tổ, đất Mẫu” lấy từ Đền Hùng (Phú Thọ) và Đền Mẫu (Tây Thiên, Vĩnh Phúc) ra Trường Sa, vun vào hàng tre đằng ngà trồng trong Khu tưởng niệm Bác Hồ trên đảo Trường Sa lớn. Số báo Tiền Phong viết về câu chuyện này sau đó được Tỉnh Đoàn Vĩnh Phúc đưa vào lưu trữ để truyền cảm hứng về tình yêu biển, đảo quê hương. Kết thúc chuyến đi, những lá cờ Tổ quốc từng tung bay giữa sóng, gió Trường Sa - quà tặng của cán bộ, chiến sĩ ở Trường Sa - được tôi mang về đất liền. Một lá cờ được giữ làm kỷ niệm trong phòng truyền thống của báo. Một lá cờ khác, qua kết nối của phóng viên với Tỉnh Đoàn Điện Biên, vượt hàng nghìn cây số từ Trường Sa về đất liền rồi lại ngược lên miền núi, trao tặng cho Đồn Biên phòng A Pa Chải – nơi ngã ba biên giới Việt - Trung - Lào - như một hoạt động gắn kết biên giới với hải đảo Tổ quốc.

Sau chuyến đi đầu tiên như thế, tôi có may mắn và có lẽ phần nào được cơ quan “ưu ái” cử đi công tác ở Trường Sa thêm một vài lần khác. Có chuyến đi cùng Hành trình tuổi trẻ vì biển đảo quê hương; có chuyến đi cùng Đoàn công tác Hải quân và các nhà báo, phóng viên tặng quà Tết dịp cuối năm cho cán bộ, chiến sĩ Trường Sa. Tôi cũng có dịp đi cùng đoàn công tác của Ủy ban Nhà nước về người Việt Nam ở nước ngoài cùng đại biểu kiều bào trên khắp thế giới thăm Trường Sa; đi cùng đoàn công tác thăm, tặng quà Tết cán bộ, chiến sĩ Nhà giàn DK1 (Bà Rịa - Vũng Tàu). Chuyến đi nào cũng đầy ắp kỷ niệm và kho ảnh, tư liệu về Trường Sa, Nhà giàn DK1 cứ thế một đầy thêm.

Chút tình với Trường Sa ảnh 2

Phóng viên Trường Phong cùng các chiến sĩ trẻ trước giờ lên tàu trong một chuyến công tác ra Trường Sa. Ảnh: PV

Những người đi Trường Sa cùng với nhau thường thành lập câu lạc bộ, gọi nhau là “đồng đội”. 10 năm nay, nhóm “đồng đội” Trường Sa năm 2013 đều họp mặt mỗi năm 1 lần. Một nhóm nhỏ hơn, cùng sinh sống, làm việc ở Hà Nội, và đa phần là những người trẻ chăm gặp nhau hơn, có khi vài tuần lại tụ họp với nhau. Từ điểm chung về tình yêu Trường Sa, nhiều người gắn kết với nhau hơn trong công việc, cuộc sống.

Trong một đợt trò chuyện cùng nhóm bạn, tôi chia sẻ ý tưởng về việc in lịch năm mới từ những bức ảnh tư liệu Trường Sa rồi tặng bạn bè, người thân để góp quỹ làm những việc thiết thực cho cán bộ, chiến sĩ Trường Sa. Những “đồng đội” Trường Sa thiết kế, giúp kết nối nơi in ấn, rồi cũng là những người ủng hộ đầu tiên và bền vững cho quỹ. Qua vài mùa Tết, những chiếc chiếu trúc – mua từ tiền ủng hộ lịch Trường Sa của đồng nghiệp, bạn bè – thông qua các chuyến công tác đã đến được với cán bộ, chiến sĩ các điểm đảo Đá Đông B, Tốc Tan B, Cô Lin, Len Đao, Núi Le A, Đá Tây C… Một phần quà nhỏ trích từ quỹ ủng hộ lịch Trường Sa cũng đã được chia sẻ cho cán bộ, chiến sĩ Nhà giàn DK1…

Tôi vẫn hy vọng, sẽ có thêm những lần đến với Trường Sa, Nhà giàn DK1 để có thêm những trải nghiệm quý báu, để tiếp tục làm mới, dày thêm kho tư liệu, để có cơ hội có thể tiếp tục có những hoạt động hướng về biển, đảo quê hương.

MỚI - NÓNG