Chút tâm sự của con gái 'nhà thơ Rau Má'

TP - LTS: Tiền Phong Chủ Nhật số xuân Giáp Thìn có chuyên đề “Rau cỏ miền ký ức” trong đó có bài “Tôi dân rau má” của nhà báo Lê Xuân Sơn. Bài báo dẫn nguyên bài thơ “Rau má” của nhà thơ Trịnh Anh Đạt và một câu chuyện liên quan. Tờ báo nhanh chóng đến được với gia đình nhà thơ Trịnh Anh Đạt hiện sống ở tiểu bang California, Mỹ. Con gái lớn của nhà thơ là chị Thái Hằng đã đặt tờ báo lên mộ ông ở San Mateo, bên cạnh khóm rau má trồng trên đó để thắp hương và đọc cho ông nghe bài “Tôi dân rau má”.

Tòa soạn đã kết nối được với chị Thái Hằng. Và được sự đồng ý của chị, Tiền Phong đăng lại những dòng tâm sự của chị với bố khi nhà thơ ra đi vào ngày 20/4/2020.

Tôi là Thái Hằng - con gái lớn trong “Hai con đầu: bấm lỗ tai/ May thêm đứa rốt đi hài... nữ nhi” của bố Trịnh Anh Đạt.

Nói với cha...

Bố à, từ chỗ

Mẹ sinh con ở xó rừng,

Ra sông vào núi chưa từng đi xa

“nơi con vơ lá dóng ong/ hái về từng mớ cải xoong xanh rờn” của đất Thanh Thủy, Kiện Khê (Hà Nam), chỉ vì bố phát hiện em út con chổng phộc lên nhìn cái máy nước xem nước từ đâu ra khi vô tình đến chơi nhà bạn của bố ở gần Chùa Bầu (Phủ Lý), bố đã đưa chúng con ra Phủ Lý, rồi từ đó bố kỳ vọng lớn hơn, và rồi bằng nỗ lực, bố đã đưa được cả gia đình về Hà Nội, khi nhiều người vẫn chưa hiểu chuyện gì thì nhà mình đã đoàn tụ trên đất Mỹ. Bố luôn kín tiếng trong mọi việc, phải khi làm xong rồi bố mới nói bởi vì theo kinh nghiệm sống của bố thì: nói trước không bước được qua. Sinh thời, phàm những việc lớn bố không bao giờ tiết lộ bí mật và luôn tâm niệm muốn thành công phải hội tụ đủ 3 yếu tố: Thiên thời - Địa lợi - Nhân hoà. Việc bố quyết định đi như vậy hẳn bố đã tính rất kỹ?! Bố không mê tín nhưng bố luôn tin có một “thế lực” nào đó sẽ an bài. Cũng vì vậy mà bố thong dong, tự tại, không suy tính cũng bởi vì bố cho rằng sống đến cái tuổi “thất thập cổ lai hy” này đã là “lãi” lắm rồi.

Chút tâm sự của con gái 'nhà thơ Rau Má' ảnh 1

Nhà thơ Trịnh Anh Đạt và 3 con gái.

Con còn nhớ ngày mới học vỡ lòng, mỗi khi tan học, niềm vui của con khi về đến nhà là chạy thẳng ra sân sau nơi bố có những chậu si tiểu cảnh quấn trong đá bố bứng về mỗi khi đi ngang qua khu rừng từ chỗ làm dưới Phượng, bố hay để vào đó mấy con cào cào, châu chấu, bọ ngựa để con tìm; lại có khi bố lay con dậy sau giấc ngủ trưa chỉ để bất ngờ đem tặng con cái vòng tay bằng đồng mà bố hì hục gò trong lúc con ngủ. Con còn nhớ như in hình ảnh bố và con thức đêm để rửa ảnh trong phòng tối rồi đợi ảnh khô khi bố làm nhiếp ảnh kiếm thêm thu nhập cho gia đình...

Chút tâm sự của con gái 'nhà thơ Rau Má' ảnh 2

Tờ báo Tiền Phong Chủ nhật Xuân Giáp Thìn được gia đình đặt lên mộ nhà thơ Trịnh Anh Đạt

Nhà mình lúc nào cũng ngổn ngang mực, màu, tranh ảnh, khẩu hiệu, băng rôn, cờ đỏ, sao vàng, cái máy cắt xốp bằng dây thép bố tự sáng chế và cả lãnh tụ với cờ đỏ búa liềm luôn treo đầu giường lúc bấy giờ và không thể thiếu mùi nước sơn bóng khen khét bố sơn lên những rễ cây hình người với đủ tư thế mà bố đào được. Năm 1985 - đổi tiền, đổi mới, khắp cái HTX Mỹ Tho đi đâu cũng gặp khẩu hiệu bố làm, nào là: “bán một mua năm”; “gái hay trai chỉ 2 là đủ” - trong khi đó bố mẹ... vỡ kế hoạch (bố viết khẩu hiệu nhưng bố lại không chấp hành); rồi “bài trừ mê tín dị đoan”. Ngày đó khi con theo chân bà nội lên chùa xem người ta làm xôi oản, mấy bà già khác hay đuổi con bởi vì các bà ấy bảo: bố mày toàn vẽ khẩu hiệu bài xích mê tín.

Chút tâm sự của con gái 'nhà thơ Rau Má' ảnh 3

Nhà thơ Trịnh Anh Đạt

Một lần nhận được giải thưởng “lao động sáng tạo”, bố mua cho con một chiếc xe đạp mini - ngày đấy thuộc hàng hiếm, rồi con mang cho em họ mượn, nó đi như phá, bố không nói gì mà đem tặng luôn cháu bố, con buồn nhưng rồi hiểu được rằng con đã không trân trọng những “chất xám” bố bỏ ra để có được tiền thưởng mà người đầu tiên bố muốn dành tặng là con gái rượu của bố. Bố vẫn vậy, vẫn luôn chỉn chu và luôn làm đẹp lòng mọi người từ việc nhỏ nhất, luôn nhận phần “thiệt” về mình:

Buồn vui bố cũng cam lòng

Khóc, cười... được giấu kín trong tim mình

Nhà thơ Trịnh Anh Đạt quê ở Đò Lèn, Hà Trung, Thanh Hoá. Ông sinh năm 1946 là bạn đồng môn của nhà thơ Nguyễn Duy. Ông nguyên là một doanh nhân (giám đốc khách sạn Hoa Thành Đạt ở Đồ Sơn, Hải Phòng), thương binh chống Mỹ cứu nước, tác giả bài thơ “Rau má” đoạt giải đặc biệt cuộc thi thơ cuối thế kỷ của Tạp chí Xứ Thanh (1999-2000). Bài thơ mang đậm niềm tự hào của người xứ Thanh này được phổ biến rộng rãi, được chuyển thể thành bài hát và lồng các điệu ca trù, chầu văn, xẩm và thậm chí cả cải lương.

Trịnh Anh Đạt cũng đoạt giải thưởng cuộc thi thơ Lục Bát của Hội Nhà văn Việt Nam tổ chức năm 2002-2003.

Những năm cuối đời, nhà thơ Trịnh Anh Đạt cùng gia đình định cư ở Mỹ. Ông mất ngày 20/04/2020.

Nếu ai đã tiếp xúc với bố, họ có thể thấy bố trân quý và không làm tổn thương ai, bố rất tinh tế và ý nhị, bố là người thiết thực “làm chú không nói”. Nhân cách người lính đã tôi luyện bố luôn mạnh mẽ, bao lần sốt xuất huyết, bố đập đầu vào tường côm cốp nhưng vẫn không muốn vợ con phải lo. Là người trực tiếp đưa bố đi khám bệnh, có những lần tiểu phẫu, con chỉ hình dung thôi cũng đủ đau thấu tâm can nhưng bố không kêu than một tiếng. Bố luôn tỉnh táo, bình tĩnh trong giải quyết công việc. Bố đã làm gì là làm đến cùng - làm đến quên ăn, quên ngủ. Chỉ là việc nhỏ như tỉa củ hoa thuỷ tiên để hãm cho hoa nở đúng dịp Tết thôi, bố ngồi cả sáng dưới trời lạnh, cắt, gọt. Khi làm dao chẻ rau muống, mặc dù tay chi chít vết cắt từ dao lam nhưng bố không dừng.

Chút tâm sự của con gái 'nhà thơ Rau Má' ảnh 4

Mộ nhà thơ Trịnh Anh Đạt ở San Mateo, California, Mỹ

Vì có 3 ái nữ nên từ nhỏ bố luôn hướng bọn con theo cái gọi là nữ công gia chánh, bố mua tất cả những sách báo phục vụ cho việc rèn rũa, nào là thêu thùa, cắt tỉa, bố luôn để ý xem cô nào có chút “gen” nghệ thuật là bố bổ túc ngay, nhà mình lúc nào cũng đầy sách, báo các loại sách về làm thủ công, nấu ăn, báo học trò, chuyện cổ Andersen, mít đặc... Rất tiếc cuộc sống lại hướng chúng con theo những ngã rẽ khác mà không cô gái Thái nào của bố có nguồn cảm hứng về thơ, văn. Bao lần bố “ngẫu hứng” chia sẻ những bài thơ của bố (mà đáng lẽ nhiều người yêu thơ bố mong được “đối thoại” với bố thì bọn con chả biết chia sẻ gì ngoài lắng nghe. Bố đã viết:

Thơ cho ta một bạn xa

Cũng làm ta mất những ba bạn gần

Câu này bố không viết cho bọn con nhưng gần như vậy. Rồi con qua Mỹ trước, để nói chuyện với bố mẹ và hai em thì phải mua thẻ điện thoại, nhưng cũng chỉ nói vài phút đã hết, bố lại viết:

Nhớ thương nén chặt lòng sầu

Lặng thầm sợi tóc trên đầu rụng non

Bố vẫn viết thư tay đều, bố chia sẻ với con như những người bạn, bố gửi cho con tất cả những bài báo, tác phẩm, bình phẩm văn thơ của bố. Sau này MXH phát triển, thông tin toàn cầu bùng nổ, có facebook rồi bố không còn phải viết tay nữa nhưng bố chẳng vơi đi nỗi lo lắng của bố về cô con gái:

Chuyện trò qua “chát” hiểu nhau

Sợ khi vấp ngã con đau một mình

Bố luôn lo lắng, căn dặn và hướng thiện, động viên con cố gắng mọi nơi, mọi lúc, lo cho con từng li, từng tí khi con phải sống xa gia đình. Bố à! Ba chị em con đã lớn, chúng con cũng đã có gia đình riêng nên bố không phải lo cho bọn con, bố nhé! Bố hãy dạo chơi và gặp lại bạn bè rồi tiếp tục theo đuổi đam mê của mình. Con hứa sẽ trưởng thành hơn, sẽ bảo ban các em và cùng các em chăm sóc mẹ. Bố yên tâm!

Chị Thái Hằng - con gái nhà thơ Trịnh Anh Đạt cho biết đi đâu, dù là sang Mỹ sống, ông cũng trồng một bồn rau má. Trên mộ ông ở San Mateo, California, các con trồng một khóm rau má lớn rất đẹp. Ngoài họ tên, ngày tháng năm sinh - mất và quê quán, trên đá mộ khắc câu trích trong bài “Rau má”:

Vĩ nhân và các đời vua

Cũng từ Rau Má ốc cua nên người

với chữ Rau Má viết hoa.

Hiện trước cửa nhà con gái ông cũng trồng một chậu nhỏ rau má.

Từ khi con nhận biết được thế giới này, con đã ngưỡng mộ bố và ủng hộ tất cả những quyết định hay dự án gì của bố, bởi với con, bố luôn là người nhìn xa, trông rộng và lường tất cả những gì gọi là nhỏ nhất để gặt được thành công và hiệu quả nhất. Lần quyết định cho chuyến đi xa này của bố con cũng không ngoại lệ - con ủng hộ bố tuyệt đối và con xin được chúc phúc bố!

Sau khi bà nội mất bố cứ bảo chết là hết, người ta đến là vì người sống chứ không phải người đã khuất, lần này bố nói không đúng lắm, con cập nhật để bố biết là cái post của bố có hơn 300 người like và hơn 500 người chúc phúc bố, mười mấy lượt chia sẻ. Đấy, bố xem nếu như bố không là người con hiếu thuận; không là người học trò tôn sư, trọng đạo; không là người chồng, người cha mẫu mực; không là người anh rộng lượng, vị tha; không là người bạn, người đồng đội chân thành; không là người chú, người bác đáng kính; không là người nhường cơm, xẻ áo, chia sẻ với người kém may mắn hơn thì làm sao có tới hàng trăm người yêu quý bố, chúc phúc bố, tiễn bố về miền cực lạc? Bố hãy yên nghỉ và cho con gửi lời hỏi thăm ông bà nội, ông bà ngoại ạ.

Trong đời làm con của bố, con nhiều khi chưa hiếu thuận và hẳn không ít lần làm bố bận lòng, bố là người đại lượng bố xí xóa cho con, bố nhé!

Cảm ơn bố đã cho con đến cuộc đời này, cảm ơn công dưỡng dục và nuôi con khôn lớn!!! Sau này những lúc gặp khó khăn con sẽ lẩm nhẩm câu “thần chú” bố vẫn dùng đó là: “Không có hoàn cảnh tuyệt vọng, chỉ có con người tuyệt vọng trước hoàn cảnh mà thôi”. Với mọi người bố là một lãnh đạo có tâm và tầm, là nhà thơ nhưng với con, bố là người bố vĩ đại và tuyệt vời!

Rau Má

Mới nghe em chớ vội cười

Cây rau má - "Sâm" của người xứ Thanh

Miền quê bão lụt nắng hanh

Vươn lên để sống chỉ nhành má thôi

Cứ xanh rười rượi với đời

Cứ chia sẻ tất cho người cháo rau!

Dù ai lận đận nơi đâu

Dù ai sống giữa nhà lầu xe hơi

Riêng vị rau má, em ơi

Vẫn còn ngai ngái trong người xứ Thanh

Bao giờ em về quê anh

Mà xem dấu vết Kinh thành xa xưa

Vĩ nhân và các đời Vua

Cũng từ rau má, ốc cua nên người!

Mới nghe em chớ vội cười

Trịnh Anh Đạt