'Chụp cắt lớp' bàn tay vàng ngoại khoa

GS.TS Trịnh Hồng Sơn và kíp mổ đang phẫu thuật cho bệnh nhân ung thư. Ảnh: T.Hà.
GS.TS Trịnh Hồng Sơn và kíp mổ đang phẫu thuật cho bệnh nhân ung thư. Ảnh: T.Hà.
TP - Nhấc điện thoại, vừa đặt lời hẹn, tôi nhận ngay câu hỏi ngược: “Em đăng ký hiến tạng nhé? Gặp anh phỏng vấn xong rồi ký vào đơn hiến tạng”. Ðúng là dễ sốc, dẫu đã quen với tính cách thẳng và thật của anh. Và khi “cắt lớp” vị bác sĩ ngoại khoa được ví có bàn tay vàng trong phẫu thuật tiêu hóa tại Việt Nam, tôi càng ngớ ra bởi nhiều điều thú vị.

Bộ sưu tập đặc biệt

Lâu nay thiên hạ thường khoe xen lẫn tự hào vì những bộ sưu tập xe sang, biệt thự, đồ cổ hoặc chí ít cũng là những chiếc đồng hồ hàng hiệu, nhưng người đàn ông với gương mặt phúc hậu và thường trực nụ cười hóm hỉnh này lại có thú sưu tầm không giống ai...

Một lần theo anh vào phòng làm việc, anh nói: “Mọi người xem đây”. Cánh cửa tủ mở ra, tôi và đám học trò của anh hoa mắt trước hàng trăm lọ thuỷ tinh nhỏ chứa hình như là những viên đá màu trắng, kích thước khác nhau, đựng trong dung dịch. Ðôi mắt anh lúc đó ánh lên vẻ tinh nghịch khi thấy chúng tôi nghệt mặt vì ngạc nhiên xen lẫn rối bời. Tôi tò mò cầm vài chiếc lọ lên xem. Những viên đá nhỏ màu trắng, gợi nhớ trò chơi ô ăn quan thuở nhỏ.  Bên ngoài ghi tên và tuổi của nhiều người, có lọ nét mực  còn mới tinh, nhưng cũng có chiếc dòng chữ đã nhạt màu. Dành thời gian cho chúng tôi phỏng đoán, tranh luận về những chiếc lọ bí ẩn mà không ra được đáp án đúng, lúc ấy anh mới lên tiếng: “Những cái này không mua được, vì trên thế giới tuyệt nhiên không nơi nào bán nó. Mình có được nó bằng chính công sức và niềm đam mê với nghề. Nó là những viên sỏi tụy mà mình đã phẫu thuật cho hàng trăm bệnh nhân trong suốt gần 20 năm qua”.

Một thoáng trầm tư hiện lên trên gương mặt GS.TS Trịnh Hồng Sơn, Phó Giám đốc Bệnh viện Việt - Ðức, anh khẽ nói: “ Mình sưu tập nó vì nâng niu trân trọng công sức của bản thân đã lao tâm khổ tứ mới đạt được”. Bộ sưu tập đặc biệt ở chỗ, để lấy được sỏi ra khỏi tụy là thách thức không nhỏ với những bác sĩ đầu ngành tiêu hóa. Trong những quyển sách nổi tiếng về phẫu thuật tụy trên thế giới có câu thành ngữ: “Tụy không phải là bạn của bạn” cho thấy GS.TS Trịnh Hồng Sơn đã chọn cho mình hướng đi khó khăn đến nhường nào vì việc phẫu thuật này đối diện thường trực với nhiều biến chứng có thể khiến bệnh nhân tử vong trên bàn mổ, hoặc tử vong do biến chứng sau mổ. Ðặc biệt, anh đã thành công trong cắt khối tá tụy, đem lại sự sống cho hàng trăm bệnh nhân. Suốt 10 năm qua anh đã phẫu thuật cắt khối tá tụy cho 280 bệnh nhân mà chỉ có 1 ca tử vong (cụ bà 75 tuổi ung thư đầu tụy, tử vong sau mổ 18 ngày), một con số mà các đồng nghiệp của anh nhận xét là “đỉnh của đỉnh” trong chuyên ngành phẫu thuật tiêu hóa, bởi lẽ, nhắc đến bệnh liên quan đến tụy là nhắc đến những chông gai mà phẫu thuật viên phải đối mặt.

Bác sĩ Trịnh Hồng Sơn là một trong những người thuộc thế hệ thứ 3 đã có những đóng góp rất đáng trân trọng trong việc kế thừa và phát triển các thành tựu trong phẫu thuật gan mà cố giáo sư Tôn Thất Tùng đã bắt đầu tại Việt Nam.

GS.TS Ðỗ Ðức Vân

Anh chính là người đã đưa kỹ thuật Frey (tác giả Mỹ) lấy sỏi tuyến tụy khi du học tại Pháp về công bố và ứng dụng tại Việt Nam, đồng thời triển khai kỹ thuật mở ống mật chủ trong lòng tụy giải quyết tắc mật (phẫu thuật Frey- Beger). Với hướng tiên phong táo bạo anh hướng dẫn 2 học trò bảo vệ thành công luận án tiến sĩ về đề tài sỏi tụy và nhờ đó cứu sống được nhiều bệnh nhân mắc căn bệnh hiểm nghèo này.

Nhưng chuyên ngành phẫu thuật ung thư tiêu hóa như ung thư gan, tụy, dạ dày và đặc biệt là ghép gan mới là cái nôi nuôi dưỡng niềm đam mê và nhiệt huyết của anh. Nghiên cứu về giải phẫu gan ứng dụng phẫu thuật của anh đã được GS.TS Ðỗ Ðức Vân nhận xét “Bác sĩ Trịnh Hồng Sơn là một trong những người thuộc thế hệ thứ 3 đã có những đóng góp rất đáng trân trọng trong việc kế thừa và phát triển các thành tựu trong phẫu thuật gan mà cố giáo sư Tôn Thất Tùng đã bắt đầu tại Việt Nam”. Phân loại biến đổi giải phẫu đường mật, tĩnh mạch cửa, tĩnh mạch gan... cũng đã được mang tên Trịnh Hồng Sơn. Những thành công trong ghép gan từ người cho chết não đã đem lại sự sống cho nhiều bệnh nhân.

Khi còn học bác sĩ nội trú tại Bệnh viện Việt-Ðức, anh được GS.TS Ðỗ Ðức Vân nhận về để xây dựng ngành phẫu thuật tiêu hóa. Ðây là người Thầy có tầm ảnh hướng rất lớn đến cuộc đời làm nghề y của GS.TS Trịnh Hồng Sơn ngay từ khi còn là bác sĩ nội trú đến tận bây giờ. Chính cách tỉ mẩn ghi chép về từng bệnh nhân, hoàn cảnh gia đình, tình trạng bệnh tật và những cuộc trò chuyện bất kể giờ giấc với người bệnh mà anh đã và đang làm hàng ngày cũng là do ở gần Thầy, quan sát và học theo. Ðiều đó tạo nên sự đồng cảm, thấu hiểu giữa bác sĩ với người bệnh, để mỗi ca phẫu thuật không đơn thuần là những đường rạch hay mũi khâu mà còn là sự sẻ chia và nỗ lực hết mình vì đồng loại của người khoác trên mình tấm áo blouse.

Ðến nay anh đã công bố rất nhiều công trình về phẫu thuật ung thư dạ dày, ung thư gan, ung thư tụy... với những trường hợp đặc biệt khó, trở thành sách hướng dẫn cho sinh viên và đồng nghiệp tham khảo.

'Chụp cắt lớp' bàn tay vàng ngoại khoa ảnh 1

GS.TS Trịnh Hồng Sơn xem lại những kỷ niệm trong bộ sưu tập độc đáo. Ảnh: T.Hà.

Ngành y không thể tự kiêu

Công việc của một bác sĩ phẫu thuật bận rộn khiến GS.TS Trịnh Hồng Sơn dường như lấy bệnh viện làm nhà. Sáng đó, tôi theo anh và kíp mổ vào buồng phẫu thuật cho bệnh nhân ung thư đầu tụy. Thấy thần thái anh vẫn tươi tỉnh, mọi thao tác đều dứt khoát và cẩn trọng. Vậy nhưng, trước đó anh và chính kíp mổ này vừa trải qua ca phẫu thuật cấp cứu cho một bệnh nhân khác vào lúc nửa đêm về sáng. Việc đứng bàn mổ 4-5 ca một ngày đã thành chuyện thường ngày ở viện. Cũng có lúc mỏi mệt, nhưng nỗ lực vì sự sống của người bệnh khiến người thầy thuốc cố gắng gấp bội, bởi anh nghĩ, nếu mình buông tay có thể người bệnh không còn cơ hội sống.

Một điều ít người biết đến là sự say mê truyền nghề hiếm có của anh. Thế hệ bác sĩ trẻ mà anh dạy dỗ, từ nhiều năm nay góp phần thành công trong từng ca mổ của anh. Chính vì thế anh đã xây dựng đề án có tên gọi “Chương trình THS (Trịnh Hồng Sơn) thử nghiệm đào tạo bác sĩ nội trú bệnh viện đa khoa tỉnh”, với tinh thần hoàn toàn tự nguyện học và tự nguyện dạy.

Bận bịu với những ca mổ quanh năm, suốt tháng nhưng điều GS.TS Trịnh Hồng Sơn luôn đau đáu là làm sao để có thêm nhiều người hiến tạng sau chết não cứu sống đồng loại. Với anh, hiến tạng là đỉnh cao của phẫu thuật, là công sức của cả hệ thống từ gây mê hồi sức, lấy và ghép tạng, bảo quản tạng cho đến chăm sóc hậu phẫu... Anh chia sẻ, hiến tạng không chỉ là cho đi một phần cơ thể sau khi qua đời mà là hồi sinh một cơ thể khác. Nó nhân văn và ấm áp giữa cuộc đời này.

Chuyên gia đầu ngành về phẫu thuật tiêu hóa, ở vị trí lãnh đạo của một bệnh viện lớn, nhưng GS.TS Trịnh Hồng Sơn vẫn luôn là người thầy, người đồng nghiệp vui tính, thẳng thắn và sẵn sàng chia sẻ với học trò. Anh luôn tâm niệm: “Ðiều quan trọng nhất với một người đã chọn ngành y là dù thành công đến đâu cũng không được kiêu ngạo. Sống trung thực, luôn trung thực, như thế mới tồn tại được với nghề”.

MỚI - NÓNG