Giá cổ phiếu Trung Quốc ngày 24/8 tiếp tục rớt mạnh trước những lo ngại về đà tăng trưởng chậm lại của nền kinh tế và thị trường dễ biến động khiến các nhà đầu tư hoảng sợ. Shanghai Composite, chỉ số chứng khoán của đại lục, mất 8,5% giá trị khi kết thúc phiên giao dịch hôm qua, xuống mức 3.209,91 điểm, tiếp tục đà giảm của tuần trước. Xu hướng bán tháo vẫn tiếp diễn, bất chấp những nỗ lực của Bắc Kinh nhằm trấn an các nhà đầu tư.
Tuân qua, chỉ số Shanghai Composite mất 12%, sau khi giảm đến 30% từ giữa tháng 6 đến nay. Sự tụt dốc này gây ra làn sóng bán tháo toàn cầu, góp phần khiến chỉ số Dow Jones ở Mỹ mất 6%, chỉ số FTSE 100 tại Anh sụt 5%. Tình trạng sụt giảm tồi tệ ở Trung Quốc kéo các thị trường khác trong khu vực cùng giảm. Chỉ số Hang Seng của Hong Kong hôm qua mất 4,9% xuống 21.313,28 điểm, trong khi thị trường chứng khoán lớn nhất khu vực của Nhật Bản cũng chứng kiến chỉ số Nikkei mất 4,6% xuống 18.540,68 điểm, mức thấp nhất trong gần 5 tháng qua, BBC đưa tin.
Chỉ số S&P/ASX 200 của Úc và Kospi của Hàn Quốc giảm tương ứng 4,1% và 2,5%, còn chứng khoán châu Âu mở cửa với mức giảm hơn 3%.
IMF trấn an
Biện pháp can thiệp mới nhất của Bắc Kinh là cho phép sử dụng quỹ lương hưu chính để rót vào thị trường chứng khoán. Theo quy định mới, quỹ này sẽ được sử dụng đến 30% tài sản ròng để đầu tư vào chứng khoán được niêm yết trong nước. Bằng cách tăng lượng cầu, chính phủ hy vọng sẽ đẩy giá chứng khoán lên, nhưng cũng thất bại trong việc trấn an các nhà đầu tư trong và ngoài nước.
BBC dẫn lời ông Simon Littlewood, chủ tịch hãng tư vấn kinh doanh ACG Global, nhận định rằng, nhiều người lo ngại nền kinh tế lớn thứ hai thế giới là “chú ngựa con chỉ biết diễn một trò trong nhiều tháng qua với nhiều lần nỗ lực cải thiện tính thanh khoản cho nền kinh tế”, nhưng đến nay vẫn không thể trấn an thị trường. “Đó là sự hoảng sợ vĩ mô do Trung Quốc gây ra”, Reuters dẫn lời ông Didier Duret, nhà quản lý đầu tư của ngân hàng Hà Lan ABN Amro.
“Sự biến động sẽ vẫn tiếp diễn cho đến khi chúng ta thấy số liệu tốt hơn hay chính sách mạnh mẽ hơn thông qua việc nới lỏng tiền tệ một cách dứt khoát”, ông Duret nói. “Mọi việc đang bắt đầu giống như cuộc khủng hoảng tài chính châu Á cuối những năm 1990. Các nhà đầu cơ đang bán những tài sản dễ biến động nhất”, CNN dẫn nhận định của nhà nghiên cứu Takako Masai, giám đốc bộ phận nghiên cứu của ngân hàng Shinsei tại Tokyo.
Cuối tuần qua, Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) nói rằng, kinh tế Trung Quốc tăng chậm lại và chứng khoán giảm sút không phải một cuộc khủng hoảng, mà là sự điều chỉnh cần thiết cho nền kinh tế. “Vẫn hoàn toàn sớm để nói về một cuộc khủng hoảng ở Trung Quốc”, Reuters dẫn lời ông Carlo Cottarelli, một trong các giám đốc điều hành IMF, phát biểu tại cuộc họp báo. Ông Cottarelli nhắc lại dự báo của IMF rằng, kinh tế Trung Quốc sẽ tăng 6,8% trong năm nay, thấp hơn mức 7,4% của năm ngoái.
Cuối tuần qua, các chỉ số cho thấy hoạt động sản xuất của Trung Quốc giảm với tốc độ mạnh nhất trong hơn 6 năm qua. Thông tin này được đưa ra sau khi có số liệu chính thức cho thấy, tăng trưởng kinh tế của nước này tiếp tục chậm lại. Trong 3 tháng tính đến cuối tháng 7, kinh tế Trung Quốc tăng 7% so với cùng kỳ năm ngoái, mức thấp nhất kể từ năm 2009, hãng thông tấn Xinhua đưa tin.
Trong khi đó, khi mối nghi ngờ Mỹ sẽ không tăng lãi suất trong năm nay ngày càng lớn, đồng đô la Mỹ hôm qua giảm giá so với những ngoại tệ mạnh khác, ở mức 120,25 yen/USD, mức thấp nhất trong 3 tháng qua. Thị trường hàng hóa thiết yếu khác cũng chung đà sụt giảm. Giá tương lai của dầu thô Mỹ và Brent chạm mức thấp kỷ lục trong hơn 6 năm qua do nhiều nước lo ngại nguy cơ giảm lượng mua từ Trung Quốc, Reuters đưa tin.
“Mỗi lần nhìn vào điều đang diễn ra trên thị trường chứng khoán, tôi thấy phát ốm và không ăn nổi. Trung Quốc, hãy cứu lấy tiền của tôi”, BBC dẫn lời một nhà đầu tư Trung Quốc viết trên mạng xã hội. Nhiều người khác cũng bày tỏ mong muốn tương tự: Nếu thị trường chứng khoán đại lục tiếp tục giảm, họ muốn nhà nước ra tay cứu. Đó không phải hy vọng, mà là kỳ vọng.