Chứng khoán Trung Quốc lao dốc, hạn chót về nợ Hy Lạp

Cổ phiếu Trung Quốc mất khoảng 30% giá trị kể từ giữa tháng 6.
Cổ phiếu Trung Quốc mất khoảng 30% giá trị kể từ giữa tháng 6.
TP - Các nhà quản lý thị trường Trung Quốc vừa đưa ra hàng loạt quy định mới nhằm giảm áp lực lên thị trường chứng khoán nước này, sau khi chỉ số chứng khoán Thượng Hải mất hơn 30% kể từ giữa tháng 6. Trong khi đó, Hy Lạp có hạn chót hết ngày 9/7 để đưa ra các đề xuất để nhận được gói cứu trợ mới từ các chủ nợ.  

Khoảng 1.300 công ty Trung Quốc, tương đương gần một nửa số công ty niêm yết trên sàn chứng khoán, đã ngừng giao dịch chứng khoán để ngăn chặn cổ phiếu của họ rớt giá thêm. Theo quy định mới của Trung Quốc, các nhà đầu tư chứng khoán nắm giữ hơn 5% cổ phần công ty không được bán ra trong 6 tháng tới.

Các nhà phân tích cho rằng, biện pháp cấm các nhà đầu tư lớn bán cổ phiếu có thể đã có tác dụng hỗ trợ thị trường. Trong nỗ lực cứu vãn đà rơi của thị trường, Bắc Kinh cũng nới lỏng các quy định cho vay, giúp mọi người dễ dàng vay tiền đầu tư hơn, với hy vọng nhiều người mua chứng khoán hơn. Chính quyền Trung Quốc cũng tăng cường phòng chống hoạt động vi phạm luật pháp và quy định liên quan giao dịch chứng khoán; cảnh sát đang điều tra hành vi bán khống, Xinhua đưa tin.

Trải qua phiên giao dịch mất 8,2% trong “Ngày thứ Tư đen tối” hôm 8/7, chỉ số chứng khoán Composite Thượng Hải hôm qua đảo chiều đi lên với mức tăng 5,76% - tỷ lệ lớn nhất kể từ năm 2009. Sự biến động của thị trường chứng khoán Trung Quốc tác động ngay đến thị trường Hong Kong, với chỉ số Hang Seng hôm qua khôi phục với mức tăng 3,73% lên 24.392,79 điểm. Chỉ số Nikkei của Nhật Bản cũng hồi phục 0,6% lên 19.855,50. Chỉ số chứng khoán Mỹ cũng tăng, sau những nỗ lực của Bắc Kinh.

Cổ phiếu Trung Quốc mất khoảng 30% giá trị kể từ giữa tháng 6 và một số nhà đầu tư nước ngoài lo sợ biến động trên thị trường chứng khoán Trung Quốc sẽ gây bất ổn cho hệ thống tài chính toàn cầu lớn hơn tác động từ cuộc khủng hoảng Hy Lạp.

Hạn chót cho Hy Lạp

Hy Lạp có thời gian đến hết ngày 9/7 (giờ địa phương) để đưa ra các đề xuất mới nhằm bảo đảm cho gói cứu trợ thứ ba từ các chủ nợ và ngăn chặn nguy cơ nước này phải ra khỏi khu vực đồng tiền chung châu Âu (eurozone). Những đề xuất mới do Athens đưa ra sẽ được các bộ trưởng tài chính eurozone nghiên cứu vào ngày mai và tại hội nghị thượng đỉnh của Liên minh châu Âu vào Chủ nhật tới, BBC đưa tin.

Trở lại Athens sau các cuộc gặp tại Brussels và Nghị viện châu Âu, Thủ tướng Hy Lạp Alexis Tsipras hôm qua họp với các quan chức tài chính để đưa ra các đề xuất mới trước hạn chót 9/7. Tuy nhiên, Chủ tịch Ngân hàng Trung ương châu Âu Mario Draghi vừa bày tỏ nghi ngờ về cơ hội cứu Hy Lạp khỏi phá sản. Nhật báo Ý Il Sole 24 Ore dẫn lời ông Draghi nói rằng, ông không chắc có thể tìm giải pháp cho Hy Lạp. Trong khi đó, Reuters dẫn lời ông Draghi nói về khả năng Nga sẽ ra tay cứu giúp Hy Lạp: “Tôi không tin như vậy, tôi không nhìn thấy điều đó… Bản thân họ cũng không có tiền”. Phát biểu hôm qua của Tổng giám đốc Quỹ Tiền tệ Quốc tế Christine Lagarde được coi là có thể khiến khả năng đạt được thỏa thuận với Hy Lạp thêm phức tạp, khi bà khẳng định rằng bất kỳ thỏa thuận mới nào cũng phải bao gồm việc tái cấu trúc để giúp quá trình trả khoản nợ khổng lồ của Hy Lạp được bền vững, AP đưa tin.

Chính phủ Hy Lạp đã kéo dài thời gian đóng cửa các ngân hàng và duy trì biện pháp giới hạn người dân chỉ được rút 60 euro mỗi ngày từ các máy rút tiền cho đến thứ Hai tuần sau.

MỚI - NÓNG