Còn chúng ta hiện nay cũng có ý kiến cho rằng, tài sản là bí mật đời tư cần bảo vệ, không công khai. Tuy nhiên, nói thế là chưa đầy đủ và chưa đúng, vì đời tư thì rộng lắm. Kinh nghiệm của các nước cũng chỉ ra rằng, trong các vấn đề về đời tư thì tài sản của công chức ít được bảo vệ nhất. Có nghĩa là người ta không coi tài sản, thu nhập đó là bí mật đời tư cần được bảo vệ. Trái lại họ yêu cầu những cái đó phải công khai, minh bạch rõ ràng.
Nhưng ở mình do chưa có quy định cụ thể nên việc công khai cũng có nhiều cách hiểu khác nhau. Vấn đề quan trọng là chúng ta cần phải quy định cán bộ đó phải kê khai tài sản và phải công khai ở mức độ nào đó. Trong đó chức vụ càng cao thì diện công khai càng phải rộng. Ví như từ cấp thứ trưởng, cấp phó chủ tịch tỉnh, thành trở lên công khai rộng bao nhiêu tốt bấy nhiêu.
Bởi đã là quan chức thì nhân dân đòi hỏi phải liêm khiết, trong sạch và phải chịu sự giám sát rộng rãi của nhân dân. Người lãnh đạo nhiều triệu người thì nhiều triệu người đó phải có quyền biết thông tin, trong đó có cả tài sản của lãnh đạo đó. Người của công quyền thì phải chấp nhận mức độ bảo vệ đời tư là rất thấp, chứ không như những người bình thường.
Do đó, theo tôi đã đến lúc chúng ta cần phải có quy định riêng về việc kê khai, điều tra xác minh và công khai về tài sản của cán bộ, công chức. Quy định này bao gồm cả trong Đảng và Nhà nước. Hiện nay, việc kê khai và công khai thực chất mới chỉ mang tính khẩu hiệu chứ chưa được cụ thể hóa ra.