Thời tiết mấy ngày Tết vừa qua (ở Hà Nội) phải nói là quá chiều lòng người. Hẳn là mở đầu tươi sáng cho năm Tân Sửu?! Ai cũng muốn tin là như thế. Dù cho ngay trong Tết đã có khuyến cáo hạn chế ra ngoài, một số nơi phải giãn cách xã hội. Thực ra đó chính là tín hiệu tốt vì mọi thứ vẫn còn đang trong trật tự.
Ai đó kỳ vọng nhiều vào Tết không biết có thất vọng? Riêng tôi hài lòng với những ngày bình dị vừa qua. Thông thường người ta sẽ muốn tranh thủ dịp Tết đi thăm càng nhiều người càng tốt, dự càng nhiều cuộc rượu, thậm chí bài bạc… càng vui. Những cái thú ấy đều tiềm ẩn những mệt mỏi thậm chí tai nạn.
Việc giãn cách, hạn chế tụ tập đi lại không chỉ giúp chúng ta khống chế COVID-19. Tổng cộng có 123 vụ tai nạn giao thông trong 5 ngày Tết Nguyên đán 2021 trên cả nước, làm chết 75 người. Giảm so với năm trước 15 vụ, 27 người. Chất lượng không khí đô thị không cần đo cũng biết tự nâng lên trong những ngày này. Hạn chế những niềm vui bề mặt, vui xã giao là cơ hội cho chúng ta tìm về với những niềm vui lành mạnh và thực chất. Chúng ta càng nên vui với những hoàn cảnh bất lợi cho virus.
Giãn cách trùng vào những ngày Tết cũng là một sự may mắn khi công việc, thu nhập của đa số ít bị ảnh hưởng. Thậm chí còn là dịp tiết kiệm những khoản chi cho sắm sửa, du lịch, đi lại, nhà hàng, karaoke... Thường mấy ngày Tết, người ta có xu hướng vung tay tiêu tiền sau cả năm tích cóp. Thì nay lại dư một khoản để phòng chống COVID-19. Tự nhiên thành hợp lý.
Những người đang ở vùng an toàn có thêm may mắn vẫn có thể ra ngoài. Tất nhiên không tránh khỏi có một số người mải vui mà quên rằng những lực lượng tuyến đầu vẫn phải căng mình làm việc xuyên Tết để chúng ta có được những ngày an toàn hưởng xuân bên người thân.
Riêng tôi ngoài mấy người họ hàng gần nhà, ghé thăm đúng một người bạn cũng gần nhà nốt. Và đó là một trải nghiệm chúc Tết rất “bình thường mới”. Thay vì ngồi trong nhà, chúng tôi ngồi ngoài sân, bên chậu lửa bập bùng. Có ấm nước lúc nào cũng sẵn sàng sôi để chuyên vào cốc trà cũng gác luôn cạnh bếp.
Cái bếp củi ngoài sân này xuất xứ từ một ngày đông lạnh giá trong năm. Anh bạn kể có lần mấy người bạn đưa trẻ con đến chơi. Họ tổ chức một tiệc nướng ngẫu hứng quanh đống lửa. Có cậu bé học lớp 8 gắp cục than hồng ra săm soi, xuýt xoa… Là vì đó là hiện tượng lần đầu tiên cậu thấy. Kể ra cũng là bình thường vì có những cụ 80 tuổi mới thấy mưa đá đêm Giao thừa cơ mà! Tôi nghe anh kể thì cũng ngã ngửa. Có thể lắm, nhiều cô cậu ở Hà Nội cũng chưa thấy lửa ở trạng thái nguyên thủy. Vì chúng chưa có dịp đi dã ngoại, chưa đốt lửa trại, nhà chúng chưa một lần đun bánh chưng bằng củi, quê chúng ở ngay thành phố, bố mẹ chúng còn bận nhiều công việc… Khi dịch bệnh qua đi, chính chúng thuộc thành phần đầu tiên cần được tăng “khẩu phần” thiên nhiên. Thiên tai hay đại dịch xảy đến phần nào cũng chính từ sự xa rời thậm chí đối chọi, xâm phạm, phá hủy thiên nhiên của con người…
Đống lửa nhỏ nhoi giữa thủ đô còn đưa tôi về với nguồn cội, gợi nhớ những bếp lửa nhà sàn ngàn đời vẫn cháy. Ngay ở các làng La Xuyên (Ý Yên, Nam Định), An Định (Hà Đông, Hà Nội) vẫn duy trì lễ hội rước lửa đầu năm từ đình làng về nhà thắp trên bàn thờ gia tiên lấy may. Chính lửa đã đem lại ánh sáng văn minh cho nhân loại. Mà thường cái gì càng có ích với chúng ta thì virus càng tránh xa thì phải. Dù gì tôi cũng thấy ấm áp và như được tiếp thêm năng lượng khi bỗng gặp lửa dịp xuất hành đầu năm.