Đà Nẵng vừa không cho phép một học sinh vượt lớp vì căn cứ theo chuẩn.
Trong khi một nhóm học sinh cấp 2 người Cơ tu ở huyện miền núi Quảng Nam thì lại bị ép nhảy cóc trước một lớp, để cho xã hoàn thành phổ cập tiểu học đúng độ tuổi theo chuẩn.
Thi hoa hậu thì ngành văn hóa quy định phải chú trọng học hành, bằng cấp của thí sinh. Nhưng cũng vẫn ngành ấy, khi chọn người làm đại sứ du lịch thì “không yêu cầu phải tốt nghiệp ĐH”! Một người thi vẻ đẹp 3 vòng cơ thể của mình với một người đi giới thiệu quảng bá vẻ đẹp của cả một đất nước, ai cần học vấn hơn ai ?
Ngư dân khai thác xa bờ muốn nhận tiền hỗ trợ xăng dầu thì phải có con dấu chứng thực tại nơi đánh bắt. Con dấu ở Hoàng Sa là không thể, còn vào các đảo ở Trường Sa xin dấu thì vòng vèo tốn thêm nhiều xăng dầu.
Về nguyên tắc, việc tuân thủ các văn bản quy phạm pháp luật là không thể du di. Nhưng thực tế các quy định nhiều khi cái này lại đá cái kia, chồng chéo, bất nhất. Loạn các loại chuẩn tỉnh, huyện, chuẩn công ty, chuẩn ban ngành, phường xã…
Bởi vậy mới có những chuyện dở khóc dở cười như dự thảo quy định cấm người… ngực lép đi xe máy. Hay vụ mấy cô giáo không được tuyển dụng chỉ vì thiếu số đo vòng ngực theo một chuẩn nào đó. Công ty thì mở lò đào tạo thạc sĩ, tiến sĩ. Liên kết đào tạo theo chuẩn quốc tế, không cần biết trường ngoại ấy là loại gì, dỏm hay thiệt. Nên nhiều vị quan chức tha về nhiều loại bằng cấp chẳng giống ai.
Số liệu đưa ra tại hội thảo bàn về cải cách thể chế vừa tổ chức tại Hà Nội, cho biết: Trong ba năm (2005-2008), số văn bản quy phạm pháp luật được ban hành nhiều hơn tổng số văn bản được ban hành trong 18 năm trước đó, trung bình 869 văn bản/năm. Chưa kể mỗi năm có tới 2.560 quy định không mang tính quy phạm (công văn, thông báo, chỉ thị) ra đời. Riêng năm 2009 có tới 5.467 văn bản kiểu này.
Theo các chuyên gia, tính không chắc chắn của hệ thống quy định hiện hành tạo ra chi phí không cần thiết cho người dân và doanh nghiệp trong việc tuân thủ pháp luật, tạo cơ hội cho hành vi sách nhiễu của cán bộ, công chức.
Đồng thời, càng có nhiều quy định, thì nguy cơ quy định xấu, thiếu chuẩn là rất cao. Báo cáo cạnh tranh toàn cầu 2010-2011 xếp hạng Việt Nam ở vị trí 120/133 nước về chỉ số gánh nặng của các quy định, giảm 14 bậc so với 2009.
Có những thứ chuẩn hoàn hảo đến mức “không cần chỉnh”, nhưng thực tế điều đó không nhiều, nhất là trong hệ thống văn bản pháp quy khi thiếu sự thống nhất và xa rời thực tế. Ngay nhiều bộ luật cũng phải liên tục chỉnh sửa bổ sung. Nhưng vẫn có những quy định pháp luật dù đã sửa đổi, chưa kịp áp dụng thì đã lạc hậu.
Bởi thế hiện nay, nhiều cái gọi là chuẩn vẫn lẽo đẽo chạy theo sau thực tế cuộc sống, vừa chạy vừa sửa theo kiểu “gọt chân cho vừa giày”.